Hội nghị văn học bổ sung giới xuất bản và phát hành
Sáng 4/1 - một ngày trước lễ khai mạc (5/1) - Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức họp báo công bố một số thay đổi trong lịch trình và nội dung hội nghị. Diễn ra từ 5/1 đến 10/1, Hội nghị Quốc tế giới thiệu Văn học Việt Nam được đánh giá là một sự kiện văn hóa, ngoại giao lớn nhằm quảng bá văn học và hình ảnh Việt Nam đến với thế giới. Tuy nhiên, trong quá trình chuẩn bị, nhiều ý kiến cho rằng, cách tổ chức của hội nghị nặng tính bao cấp, chưa chú ý đúng mức đến vai trò của các nhà xuất bản phát hành trong việc tiếp thị sách Việt. Chủ tịch Hội Nhà văn, nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết: "Tiếp thu ý kiến của các báo đài, chúng tôi đã mời thêm các nhà xuất bản và phát hành lớn. Tuy đây là những đơn vị phát hành trong nước là chủ yếu, nhưng họ vẫn là những thành phần có đóng góp vào quá trình giao lưu văn học. Hội nghị cũng là một dịp để chúng tôi gửi lời cảm ơn đến các cơ quan xuất bản và phát hành".
 |
Ông Hữu Thỉnh (đứng) tại buổi họp báo sáng 4/1. |
Hiện tại, có 12 nhà xuất bản đăng ký tham gia hội nghị. Mỗi nhà xuất bản sẽ có 2 gian hàng để trưng bày khoảng 200 - 250 đầu sách giới thiệu với các đại biểu trong và ngoài nước. Cuộc triển lãm sách Giao lưu Văn học quốc tế này sẽ diễn ra chiều 5/1 tại Thư viện Quốc gia Hà Nội, 31 Tràng Thi.
Theo ông Đỗ Hàn, chánh văn phòng Hội Nhà văn, ngoài 12 nhà xuất bản trên, Ban tổ chức còn mời thêm các đơn vị có đóng góp lớn trong việc ấn hành các tác phẩm văn học Việt Nam như Công ty Nhã Nam và một số công ty sách ở Hà Nội.
Riêng về thành phần dịch giả, Ban tổ chức cũng mở rộng đối tượng bằng cách mời thêm nhiều dịch giả trẻ tài năng chứ không chỉ bó hẹp trong khuôn khổ hội viên Hội Nhà văn. Ông Thỉnh nói: "Thời gian qua, có nhiều dịch giả tuy chưa là hội viên, nhưng họ có đóng góp lớn trong việc đưa văn học nước ngoài vào Việt Nam cũng như giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài, như Trịnh Lữ, Cao Việt Dũng, Trần Tiễn Cao Đăng".
Một trong những vấn đề được giới làm sách và các học giả trong nước đặc biệt quan tâm là thời gian dành cho việc thảo luận giữa các đại biểu. Ban đầu, Ban tổ chức chỉ dành 1 ngày thảo luận và 1 buổi cho việc gặp gỡ, ký kết giữa các nhà xuất bản. Nhưng, trước sự góp ýcủa dư luận, ông Hữu Thỉnh cho biết: "Ngoài thảo luận ở hội trường và ở tổ, chúng tôi dành thêm một buổi gặp gỡ các dịch giả nước ngoài, để tìm hiểu những vấn đề mà họ quan tâm, muốn biết về Việt Nam. Vì nhiều ý kiến cho rằng, muốn giới thiệu tốt văn học Việt Nam, cần tìm hiểu sâu thị hiếu của độc giả nước ngoài, không phải những gì chúng ta thấy hay đều được họ cho là tốt". Buổi gặp gỡ với các đại biểu nước ngoài này sẽ diễn ra tại Trụ sở Hội Nhà văn - số 9 Nguyễn Đình Chiểu - vào sáng 8/1.
Sáng nay, Ban tổ chức bắt đầu đón khách quốc tế. Dự kiến, trong những ngày diễn ra hội nghị, có khoảng hơn 150 đại biểu đến từ 32 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
(Theo Evan.Vnexpress.net)