Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ năm, 07/01/2010 08:43
Công tác giữ gìn, cải tạo hồ nước ở Hà Nội: Không chỉ cho nghìn năm
Hồ nước của Hà Nội đang dần biến mất. Nhiều hồ nước của Hà Nội đang bị ô nhiễm, bồi lắng và lấn chiếm nghiêm trọng. Các lời cảnh báo liên tục được gióng lên trước thực trạng "lá phổi xanh" của Thủ đô đang bị xâm hại.
Để khắc phục tình trạng này, trong những ngày cuối năm 2009, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã trực tiếp làm việc với lãnh đạo một số sở, ngành về công tác cải tạo hệ thống hồ nước bảo vệ môi trường sinh thái khu vực nội thành Hà Nội. Và chủ trương xã hội hóa, kêu gọi các cá nhân, doanh nghiệp chung tay với thành phố trong bảo vệ, tôn tạo và gìn giữ hồ nước được Bí thư Thành ủy đặc biệt nhấn mạnh.

 

Bảo vệ hệ thống hồ nước là bảo vệ môi trường sinh thái tại Hà Nội. Ảnh: Nguyệt Ánh  

 
Nhiều hồ nước vẫn bị xâm hại

Hà Nội được bạn bè, du khách gần xa ngưỡng mộ bởi không chỉ là một thành phố có nhiều cây xanh, cổ kính mà còn là một đô thị có nhiều hồ nước. Lợi ích mà hồ nước mang lại cho đời sống xã hội là rất lớn, đó là điều hòa môi trường, góp phần thoát nước, tạo cảnh quan đô thị. Thời gian qua, thành phố đã đầu tư không ít kinh phí cải tạo khá nhiều hồ nước, song so với yêu cầu đặt ra là chưa đủ.

Nhiều người không khỏi giật mình bởi sự nhếch nhác hay mức độ ô nhiễm nặng nề khi có dịp đi qua một số hồ nước tại Hà Nội. Nằm trong khu dân cư, hồ Cầu Tình, phường Gia Thụy, quận Long Biên thực sự trở thành một bãi rác khổng lồ vì người ta có thể đi bộ được ngay trên mặt hồ do rác ken đặc. Nhiều hồ tuy đã được kè bờ như hồ Linh Quang, Hữu Tiệp, Ngọc Khánh nhưng đã bị biến thành nơi "tập kết" rác bởi những người dân vô ý thức.

Theo ông Đỗ Xuân Anh, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, hiện nội thành Hà Nội có 116 hồ lớn nhỏ, trong đó có 39 hồ do Công ty Thoát nước quản lý, 77 hồ còn lại do các quận, phường và một số đơn vị quản lý với các mục đích nuôi cá, vui chơi, thả rau, thoát nước… Tuy nhiên, trên địa bàn 10 quận hiện mới có 42 hồ đã được kè bờ và có đường dạo xung quanh; 12 hồ nằm trong dự án thoát nước giai đoạn II đang được lập dự án xây kè và đường dạo. Trong số hồ đã kè bờ, mới có 9 hồ xây dựng hệ thống tách nước thải và nước mưa, 62 hồ còn lại chưa được kè bờ đang nằm dưới sự quản lý của nhiều đơn vị với mục đích sử dụng khác nhau và đang bị bồi lắng, lấn chiếm, ô nhiễm nặng.

Trước thực trạng này, để quản lý, khai thác hệ thống hồ nước tốt hơn, bên cạnh đầu tư của thành phố, Hà Nội mong muốn kêu gọi nguồn lực xã hội hóa từ các doanh nghiệp và đóng góp của người dân.

Cơ hội nghìn năm và cơ chế đặc thù

Trong năm 2009, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã có văn bản giao Ban Cán sự đảng UBND TP chỉ đạo các sở, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ rà soát để kịp thời triển khai bảo tồn các hồ nước tự nhiên. Và mới đây nhất, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã kêu gọi xã hội hóa việc cải tạo, xây kè để bảo vệ các hồ nước ở Thủ đô. Bí thư Thành ủy cũng chỉ đạo cấp ủy và lãnh đạo các sở, ngành phải đặc biệt ưu tiên, có cơ chế đặc thù đối với các dự án cải tạo hồ vì "Đây là cơ hội nghìn năm có một, cần phải làm khẩn trương theo thứ tự lựa chọn dễ làm trước, khó làm sau, tập trung cải tạo hồ có nguy cơ bị lấn chiếm và đang bị ô nhiễm".

Mong muốn Hà Nội luôn xanh, sạch, đẹp không chỉ là ước nguyện của người dân Thủ đô, mà còn là của nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế. Để làm được điều này, cùng với những biện pháp quy hoạch tổng thể, thời gian qua thành phố đã phát động người dân giữ gìn vệ sinh đường phố, không vứt rác ra đường, xóa rác trên tường. Và với chủ trương xã hội hóa trong giữ gìn, tôn tạo, bảo vệ hồ nước, có thể coi đây là một cuộc vận động khơi dậy tình cảm, trách nhiệm của người dân Thủ đô, các doanh nghiệp trên địa bàn và trong cả nước chung tay xây dựng thành phố xanh, sạch, đẹp, hướng tới Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Xã hội hóa là một cơ chế không mới. Thời gian qua, từ chủ trương này nhiều công trình công cộng trên địa bàn Thủ đô đã được thực hiện. Chủ trương kêu gọi xã hội hóa cải tạo, bảo vệ hệ thống hồ nước để Hà Nội phát triển bền vững, thực sự xanh, sạch, đẹp là việc làm cần thiết. Và mốc thời gian thành phố cận kề 1000 năm tuổi là cơ hội, thời điểm tốt để các cá nhân, doanh nghiệp cùng góp công, góp của xây dựng Thủ đô văn minh, sạch đẹp. Để việc thực hiện được hiệu quả, không chỉ kêu gọi, thành phố sẽ có những việc làm thiết thực, tạo điều kiện thuận lợi khi các doanh nghiệp tham gia xã hội hóa công tác này như khảo sát, lập dự án, có hình thức tôn vinh xứng đáng…

Bảo tồn, gìn giữ "những con mắt ngọc" của Hà Nội, việc làm có ý nghĩa không chỉ nghìn năm đã và đang rất cần sự chung tay đóng góp của người dân cùng các tập thể, doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô và cả nước.
 
 
(Theo Hanoimoi.com.vn)

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)