Loay hoay tìm đường cho văn xuôi Việt ra thế giới
Dịch ai, dịch cái gì ra thế giới
Hầu hết các đại biểu đều nhận định, việc chuyển ngữ văn học Việt Nam ra ngôn ngữ khác còn rất manh mún, tự phát và chưa đâu vào đâu. Giáo sư Phong Lê cho rằng, giai đoạn văn học hiện đại Việt Nam bắt đầu từ thế kỷ XX, bao gồm 7 thế hệ sáng tác. Đó là giới nho học, các tác gia thời kỳ 1930-1945, những nhà văn "tây học", các nhà văn kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, thế hệ "tiền trạm" cho đổi mới và các cây bút đương đại.
 |
GS Phong Lê (trái) tại Hội thảo. |
Giai đoạn nào cũng có tác phẩm hay và mỗi tác giả đều được định vị trong khuôn khổ mà mình đại diện. Vì thế, nếu muốn có một cái nhìn tổng quan về văn học hiện đại Việt Nam để đưa ra thế giới là một thách thức không nhỏ. Và chúng ta chưa có kế hoạch cụ thể cho việc này. Chưa kể, tính sơ sơ, tác giả văn xuôi Việt Nam hiện nay cũng có đến 1000 người, trong số này, bao nhiêu người được thế giới biết đến?
Giáo sư Phong Lê cũng đề cao tác phẩm của Nguyễn Thi, truyện ngắn của Đỗ Chu và cho rằng, họ cùng nhiều nhà văn khác rất xứng đáng được độc giả thế giới biết đến.
Ngược lại, người được khen là nhà văn Đỗ Chu lại cho rằng chúng ta viết chưa thật tốt, bạn bè quốc tế chỉ khen vậy thôi. “Nếu được chọn để chuyển ngữ, tự bản thân tôi thấy mình chưa có tác phẩm nào xứng đáng. Vì thế, các tác giả phải cố gắng chứ đừng ảo tưởng”.
Ông cũng cho rằng, chúng ta nên tuyển chọn và dịch những tác phẩm xứng đáng chứ đừng làm theo kiểu “Tuyển tập các nhà văn”…rồi mọi người lại xúm vào hỏi “Có tôi trong đó không? Tại sao không?”, sau đó chia nhau mỗi người hai, ba tác phẩm khiến độc giả quốc tế nhìn mà… “sợ”.
 |
Nhà văn Đỗ Chu. |
Văn chương là “hữu xạ tự nhiên hương”, nếu tác phẩm hay ắt có người tìm đến, tác phẩm dở có đem tặng thì người ta cũng… vứt. Nhưng trong hoàn cảnh chúng ta đang còn ở thế yếu, việc xuất bản văn học trong nước bị “đè bẹp” bởi các tác phẩm nước ngoài, còn ở nước ngoài thì văn học Việt đúng là như muối bỏ bể, đến cả Việt kiều cũng khó tìm.., thì việc tự quảng bá là rất nên làm. Để văn học Việt ra thế giới thì rất cần có sự giúp đỡ của Nhà nước, chứ rất khó trông chờ vào sự “tự vận động”.
Chất lượng bản dịch đóng vai trò quyết định
Phó giáo sư Nguyễn Văn Dân, viện phó Viện Thông tin Khoa học xã hội cho biết, hiện trên thế giới có Liên đoàn quốc tế các nhà dịch thuật với thành viên là các hiệp hội dịch thuật, tiếc là Việt Nam không có thành viên nào. Cũng theo ông Dân, không nên giao "độc quyền" việc xuất bản văn học dịch Việt Nam cho NXB Thế giới mà nên mở rộng cửa cho tất cả các NXB cùng làm để tăng tính cạnh tranh, đồng thời mở thêm nhiều kênh cho văn học Việt ra nước ngoài.
Có nhiều cách khác nhau để chúng ta đưa văn học Việt đến với độc giả quốc tế nhưng tất cả đều chung một mối lo: làm thế nào nâng cao chất lượng các bản dịch? Hiện có bao nhiêu dịch giả giỏi người nước ngoài "trung thành" với ngôn ngữ tiếng Việt?
Hầu hết dịch giả tiếng Việt đều thừa nhận, họ làm việc vì tình cảm riêng, vì tình yêu đất nước, con người Việt Nam, chứ không phải vì lý do kinh tế. Đó cũng là nguyên nhân vì sao lực lượng này đang khan hiếm. Nhưng ngay cả khi có vô cũng yêu thích nền văn hóa, văn học Việt thì những dịch giả cũng gặp phải không ít khó khăn trong việc chuyển ngữ.
Frank Gerke đến từ Đức gợi ý, dịch giả và nhà văn Việt Nam nên thiết lập mối quan hệ thân tình. Đây cũng chính là lợi thế của văn học hiện đại, vì nhiều nhà văn vẫn còn đang sống. Bản thân Frank Gerke dịch nhiều tác phẩm của nhà văn Nguyễn Quang Sáng bởi hai người coi nhau là bạn vọng niên từ lâu. Trước khi dịch tiểu thuyết Đất lửa của Nguyễn Quang Sáng sang tiếng Đức, Frank Gerke được nhà văn đưa đi chơi miền Tây suốt mấy ngày liền để xem người dân nơi đây ăn, ở, sinh hoạt thế nào. Chuyến đi thực tế có ý nghĩa hơn nhiều ngày nghiên cứu sách vở và giúp anh có vốn sống đủ để chuyển tải trọn vẹn tinh thần tác phẩm.
 |
Dịch giả Frank Gerke và người bạn vong niên, nhà văn Nguyễn Quang Sáng tại hội thảo. |
Không có một lực lượng đông đảo dịch giả nước ngoài, vì thế việc dịch ngược, tức là ta tự dịch tiếng ta sang ngôn ngữ khác cũng được nhiều người quan tâm. Song, điều này là vô cùng khó bởi người bản địa rất khó thoát khỏi tư duy ngôn ngữ nước mình để có thể chuyển ngữ một cách nhuần nhuyễn ra tiếng nước ngoài. Bởi thế, những người dịch ngược không nên và không thể làm việc độc lập mà cần phối hợp theo cách làm việc nhóm, kết hợp với các dịch giả nước ngoài, mới mong có được những bản dịch văn học thực sự.
Nhiều vấn đề được xới lên từ cuộc hội thảonày, nhưng xem ra, vẫn chưa có những giải pháp thực sự căn cơ, ngõ hầu tìm được đường đi cho văn học Việt đến với thế giới.
(Theo Vietnamnet.vn)