Bruce Weigl (nhà văn Mỹ) chia sẻ với
dịch giả Hữu Việt: "Giữa hai ngôn ngữ không phải là một cuốn từ điển mà
là những nền văn hóa". Một nguy cơ thấy rõ hiện nay là không chỉ được
dịch ít, mà không ít bản dịch thơ, văn Việt Nam ra nước ngoài còn chưa
"tới", không đủ tải hết tầng sâu ý nghĩa tác phẩm. Một sự lãng phí,
thiệt thòi cho văn học Việt trên đường ra thế giới.
 |
Các đại biểu nước ngoài tìm hiểu về văn học Việt Nam tại triển lãm giao lưu văn học. Ảnh: Hồng Minh |
Dịch giả Trịnh Lữ cho biết, ngay trên một tạp chí
thơ của Quỹ thơ danh tiếng tại Mỹ cũng để "lọt" một bản dịch bài vịnh
"Bánh trôi" nổi tiếng của nữ sĩ Hồ Xuân Hương rất "ngộ nghĩnh", không
"theo" được nguyên tác Việt đẹp đẽ và sâu sắc: "Rắn nát mặc dầu tay kẻ
nặn" đã trở thành "Bàn tay nhào nặn em rắn và thô"… Hay dịch giả Nguyễn
Phong Tạo chia sẻ, văn học ta dịch sang tiếng Trung khá nhiều, chứng tỏ
sự quan tâm của bạn đối với các tên tuổi nhà văn Việt như Nguyễn Huy
Tưởng, Nguyễn Khải, Nguyễn Quang Sáng… Nhưng vẫn có những đáng tiếc
ngay từ cái tên tác phẩm: "Mùa lạc" với tầng nghĩa cao về một mùa vui,
mùa hạnh phúc nhưng đến bản dịch thì nó "rơi" xuống tầng nghĩa đen
thành "Mùa thu hoạch lạc"…
Trở ngại văn hóa luôn là một rào cản lớn đối với
dịch văn học, điều này không phải để "bắt lỗi" dịch giả mà đúng hơn là
để nhắc nhở về sự cẩn trọng và độ phức tạp, sâu sắc của công việc dịch
thuật "đẳng cấp" này.
Tuy nhiên, bên cạnh chất lượng, một vấn đề khác
quan trọng không kém để làm cho "gương mặt" văn học Việt ra thế giới
thực chất và toàn diện là "chọn lọc" tác phẩm dịch. Dịch giả Lê Đức Mẫn
(người chuyển ngữ tác phẩm "Những người thích đùa" nổi tiếng) đã nói:
Không ít tác phẩm Việt được dịch ra nước ngoài chưa phải là các tác
phẩm tiêu biểu; chưa kể nhiều tác phẩm dịch còn đi ngược lại với văn
hóa dân tộc, lợi ích quốc gia. Cần có những chương trình kịp thời chọn,
dịch tác phẩm tiêu biểu của nhiều thế hệ, tránh nguy cơ hiện hữu là
mươi năm nữa, thế giới sẽ nhìn Việt Nam thế nào, qua những bản dịch văn
học không hoàn chỉnh, không chân thực ấy. Dịch giả Anna Gustafsson Chen
(Thụy Điển) cho thấy một góc độ khác của vấn đề: Nếu các cuốn sách dịch
chỉ là cổ tích, độc giả trẻ Thụy Điển sẽ ấn tượng đó là một đất nước cổ
kính, xa xôi; chúng tôi cần những tác phẩm mang tinh thần hiện đại mà
vẫn đậm phong vị văn hóa Việt Nam, mạnh mẽ như hai tác phẩm chúng tôi
đã dịch: "Dế mèn phiêu lưu ký" (Tô Hoài), "Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ"
(Nguyễn Ngọc Thuần)…
Thực tế cho thấy, có nhiều con đường để các NXB,
đối tác nước ngoài tìm đến tác phẩm, trong đó có những "ồn ào" từ
truyền thông, bạn đọc, dư luận… Song rõ ràng, không phải sau "ồn ào"
nào cũng là một tác phẩm chất lượng.
Không có trường đào tạo dịch giả văn học
Mặc dù "sứ mệnh" rất lớn lao là chuyển
tải tâm hồn một dân tộc, nền văn hóa một đất nước đến với tâm hồn dân
tộc khác, nhưng ở ta không có trường đào tạo dịch văn học.
Khiếm khuyết này theo như nhà thơ, dịch giả Hữu Việt thì là tình trạng chung ở nhiều nước. Ngay ở Mỹ cũng chỉ có một trường ĐH
Arkansas
là có khoa dịch thuật văn học. Dịch giả Lê Đức Mẫn nhận xét: Ngay sáng
tác là một việc tưởng như không thể đào tạo được mà ở ta đã có Trường
bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du; vậy mà một nghề rõ ràng phải được đào tạo
và đào tạo được là dịch thuật văn học thì lại không có trường.
Sự đứt gãy thế hệ dịch giả là một nguy cơ hiện hữu. Những gương mặt dịch
giả kỳ cựu tiếng Hunggari, tiếng Nga, tiếng Pháp… xuất hiện thưa vắng
ngay trong một ngày hội lớn của người dịch. Theo đặt hàng của Nhà nước,
tác phẩm "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" được dịch sang tiếng Lào sau những nỗ
lực kiếm tìm dịch giả khá mất thời gian của NXB Văn học. Mà Lào là đất
nước nào có xa lạ gì với ta.
Đường nào ra thế giới?
Trần Thùy Mai, nữ nhà văn Huế của "Trăng
nơi đáy giếng" cho rằng: Viết văn không như sản xuất mây tre đan, phải
nhắm ngay đến mục tiêu xuất khẩu. Quan trọng là viết điều ta tâm đắc.
Điều này cũng gần với nguyện vọng của nhà văn Paul Couturiau (Bỉ): "Tôi
rất cảm ơn nếu các bạn nói cho chúng tôi biết về cuộc sống hằng ngày,
về mơ ước, khát vọng của các bạn… Nói với chúng tôi về các bạn. Chúng
tôi chỉ đòi hỏi như vậy".
Thực tế, nỗ lực của nhà văn Việt
Nam
hôm nay không chỉ trải ra trên từng con chữ: đau đáu, tâm huyết; mà hơn
thế là những bước đi "bứt mình" lên tìm đường ra thế giới. Nguyễn Phan
Quế Mai - nhà thơ nhưng với vốn tiếng Anh của mình, chị cùng các nhà
thơ Mỹ đã mang những vần thơ đẹp của Nguyễn Trọng Tạo, Trần Quang Quý
đến với bạn đọc tiếng Anh. Nhà sách Đông Tây cùng nhiều nhà văn, dịch
giả, nhà phê bình đã nỗ lực bao nhiêu trong tham gia hợp tác, thúc đẩy
chuyển ngữ các tác phẩm văn học Việt Nam ra nước ngoài, mới nhất là
tuyển "10 thế kỷ thơ Việt Nam" được xuất bản tại Ba Lan…
Trong khi chúng ta chưa có chương trình quốc gia
về dịch các tác phẩm văn học Việt ra nước ngoài, các quỹ hỗ trợ cho
công việc này chưa xuất hiện; những nỗ lực cá nhân nhà văn, dịch giả là
điều đáng hoan nghênh. Dịch giả Trịnh Lữ từng chia sẻ, ông rất vui khi
thấy Ngô Tự Lập hiện diện đàng hoàng với 4 bài thơ dịch sang tiếng Anh
trên mạng văn học uy tín. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định, Nhà nước phải
khích lệ và hỗ trợ các cá nhân tác giả chủ động hội nhập, bảo đảm văn
học vượt biên giới một cách trẻ trung và chân thật nhất.
"Phương án lý tưởng nhất trong dịch văn học Việt
Nam ra tiếng nước ngoài là sự cộng tác chặt chẽ giữa dịch giả nước ngoài với nhà văn, nhà văn hóa hoặc chuyên gia ngữ văn của ta".
Lê Sơn
"Có
nhiều con đường khả quan để giới thiệu văn học Việt với độc giả quốc
tế. Đầu tiên là du lịch, thay vì chỉ có đồ lưu niệm, hãy đưa thơ, văn
giới thiệu tại các chương trình tham quan, website du lịch thì đưa
trích đoạn tác phẩm văn học...; thứ hai là qua các ấn phẩm ngoại ngữ
đang tăng mạnh ở Việt Nam; thứ ba là đọc sách tại địa điểm giao lưu,
giải trí, nơi có nhiều người nước ngoài; cuối cùng là qua những hội
nghị quốc tế như thế này".
Hilary Watts (Mỹ)
|