Hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam: Hy vọng vào một sự khởi đầu mới
Với Hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội vừa
qua, lần đầu hàng trăm tác giả, dịch giả nước ngoài vốn yêu mến và quan tâm tới
văn học Việt Nam cùng hàng trăm nhà văn, nhà thơ, dịch giả là hội viên, là khách
mời của Hội Nhà văn Việt Nam, đã có một cuộc gặp gỡ, trao đổi nghề nghiệp trong
phạm vi rộng cả về không gian và thời gian. Việc làm thiết thực của Nhà nước,
trực tiếp là Hội Nhà văn và các cơ quan hữu quan, không chỉ cho thấy sự quan tâm
tới văn học, mà sâu xa hơn, còn là biểu hiện của nhận thức đúng đắn về vai trò
của văn học trong quá trình giao lưu, hội nhập về văn hóa, qua đó, một mặt chúng
ta được tiếp xúc và tiếp nhận các giá trị thẩm mỹ mang bản chất nhân văn của các
nền văn học trên thế giới, mặt khác là sự giới thiệu, quảng bá nền văn học Việt
Nam, qua đó giới thiệu, quảng bá hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam.
Xét về lịch sử, phải nói rằng, ở các giai đoạn trước đây, quá trình tiếp xúc,
giao lưu giữa văn học Việt Nam với văn học thế giới chủ yếu diễn ra theo xu thế
một chiều, một thời gian khá dài, rất nhiều tác phẩm thuộc các nền văn học lớn
trên thế giới đã được dịch và giới thiệu với công chúng Việt Nam; còn ở chiều
ngược lại, việc dịch và giới thiệu tác phẩm văn học Việt Nam với bạn bè thế giới
còn khá hạn chế, đôi khi thiếu chủ động và ít nhiều còn phụ thuộc vào nhiệt tâm,
hứng thú của các dịch giả nước ngoài. Tuy nhiên, dù còn hạn chế thì bạn đọc ở
một số nước cũng đã biết một số nét về văn học Việt Nam qua các tác phẩm như
Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Truyện Kiều của Nguyễn Du, Ðất nước
đứng lên của Nguyên Ngọc, cùng một số tác phẩm văn học Việt Nam thời trung đại
hay một số tác phẩm viết trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống
đế quốc Mỹ của nhân dân Việt Nam. Bên cạnh đó, việc dịch và xuất bản các tác
phẩm nổi tiếng thuộc về các nền văn học lớn như Pháp, Nga, Trung Quốc, Mỹ... đã
góp phần quan trọng để tăng cường sự hiểu biết, mở rộng các quan hệ văn hóa -
văn học, trong chừng mực nhất định còn góp phần vào sự xuất hiện của những bạn
đọc gắn bó với một nền văn học nước ngoài nào đó, hoặc góp phần vào sự ra đời
của nhiều nhà văn Việt Nam đã đi từ văn học cổ điển đến với văn học hiện đại.
Trong đó, nổi lên là vị trí, vai trò của các nhà văn, nhà thơ bằng tác phẩm của
mình đã đóng góp để xây dựng, phát triển nền văn học cách mạng.
Ðối với văn học, một trong các giá trị quan trọng nhất của lĩnh vực hoạt động
tinh thần này là hướng tới con người, vì con người và luôn mang khát vọng vì sự
phát triển của xã hội - con người. Dù là niềm vui hay nỗi buồn, dù là biểu dương
cái thiện hay phê phán và đấu tranh với cái ác, cái xấu; dù là tâm sự riêng tư
hay là nỗi khát khao hướng tới sự toàn thiện của cộng đồng... thì văn học vẫn là
một trong những "kênh tinh thần" rất quan trọng để con người ở mọi phương trời
có thể đến với nhau, hiểu về nhau, chia sẻ và đồng cảm, học hỏi và mở rộng sự
hiểu biết, cùng vươn tới các giá trị chân - thiện - mỹ. Ý nghĩa nhân văn ấy đã
làm cho văn học trở thành cầu nối giữa các dân tộc, giữa các thế hệ. Và từ bất
kỳ quan niệm hay góc nhìn nào cũng không thể đặt ra giới hạn có tính cưỡng bức
trong quan hệ giữa văn học chân chính của các dân tộc, điều đó giúp vào việc làm
cho văn hóa nhân loại ngày càng trở nên phong phú, đa dạng, nhân loại ngày càng
gần gũi với nhau hơn.
Ở Việt Nam, do đặc điểm riêng của tiến trình lịch sử, đã hàng nghìn năm, các
động thái giao lưu của văn học Việt Nam chủ yếu diễn ra trong phạm vi khu vực,
chỉ đến ngày tiếp xúc với văn hóa - văn minh phương Tây thì phạm vi ấy mới từng
bước được mở rộng. Và như đã nói ở trên, việc dịch và giới thiệu tác phẩm văn
học Việt Nam ra với thế giới còn chưa được tiến hành một cách có kế hoạch, nhiều
trường hợp là việc làm tự phát, phụ thuộc vào các mối quan hệ văn hóa có tính
Nhà nước, và thêm nữa, là phụ thuộc vào sự yêu thích, quý trọng của một số dịch
giả ở nước ngoài đối với văn học Việt Nam. Trong khi đó, chỉ về giá trị và sự
tích lũy, qua hơn mười thế kỷ, riêng với văn học viết, chúng ta đã có một kho
tàng đồ sộ, với không ít tác phẩm nổi tiếng. Ðó là một thực tế cần phải được
khắc phục, bởi trong bối cảnh mới của các quan hệ nhân loại, giao lưu và hội
nhập về văn hóa không thể chỉ bó hẹp trong sự tiếp nhận mà còn phải là sự quảng
bá, giới thiệu những chủ thể văn hóa - văn học có truyền thống lâu đời, có bản
sắc riêng. Tính chất "hai chiều" của các mối quan hệ văn học đó vừa tạo ra điều
kiện để tiếp thu học hỏi, vừa giúp bạn bè trên thế giới nắm bắt được các giá trị
tinh thần cần thiết để tăng cường sự hiểu biết, thêm quý trọng đất nước, con
người Việt Nam, ủng hộ và đồng tình với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của
nhân dân Việt Nam. Thực tế cho thấy, việc giới thiệu và quảng bá văn học, ngày
nay đã trở thành một tất yếu khách quan trong quan hệ nhân loại, và là một việc
làm cần thiết không chỉ vì lợi ích của một quốc gia, mà còn để đáp ứng một nhu
cầu chính đáng của bạn đọc trên phạm vi thế giới.
Từ các phương trời khác nhau, các nhà văn, nhà thơ, dịch giả từ hơn 30 nước
đã có mặt tại Hà Nội để tham dự Hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam. Sự
tham dự của các đại biểu đã cho thấy tình cảm đối với văn học Việt Nam nói
riêng, đối với đất nước và con người Việt Nam nói chung, là rất đáng trân trọng.
Tại Hội nghị này, nhiều tiếng nói chân tình đã được cất lên. Ðó là hồi ức của
nhà thơ Kê-vin Bô-oen, người Mỹ, nhớ lại ngày ông ở trong đoàn quân viễn chinh
Hoa Kỳ sang Việt Nam: "Tôi có cảm giác rằng người Việt Nam biết rằng họ không
được tự do, rằng họ đang bị chiếm đóng, nhưng sâu trong mắt họ, những người Việt
Nam đầu tiên tôi gặp, tôi nhìn thấy cả một nền văn hóa, lịch sử, tình cảm đáng
trân trọng". Còn nhà thơ Brúc-xơ Uây-gơn thì kể: Khi tiếp xúc với tài liệu lưu
trữ về chiến tranh ở Hoa Kỳ, ông đã thấy "những thứ trông rất giống những bài
thơ" và nhờ người khác dịch hộ, rồi ông nhận ra: "Ðúng là những bài thơ, những
người lính đã viết chúng để bộc lộ nỗi buồn khi phải xa nhà, bộc lộ tình yêu quê
hương của họ và khát vọng về một ngày không tiếng súng. Tôi thấy rất xúc động...
đó thật sự là những vần thơ tuyệt đẹp", rồi ông cùng đồng nghiệp dành ba năm để
hoàn thành tập Thơ từ những tài liệu bị thu giữ (Poems from captured documents).
Và nếu nhà văn Thụy Ðiển Xti-bôn Gu-xtáp-xơn - Giám đốc NXB Tranan, nói: "Tôi đã
ủng hộ Việt Nam trong chống Mỹ bằng cách kêu gọi thanh niên biểu tình. Lúc ấy
tôi chỉ biết Việt Nam là một đất nước đang chìm ngập trong chiến tranh. Cách đây
mười năm tôi đã để tâm giới thiệu văn học Việt Nam. Hội nghị này làm cho tôi
thấy tầm vóc văn học Việt Nam rất lớn lao, rất nhiều tác phẩm và tác giả lớn. Vì
thế tôi tự cho mình có nghĩa vụ phải ra sức giới thiệu văn học Việt Nam", thì
nhà văn Sa-ma Gi-tê-sơ, người Ấn Ðộ, khẳng định: "Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ
tướng J.Nê-ru đã nâng mối quan hệ bạn bè truyền thống lên thành tình anh em thân
thiết. Tôi đã dịch một số thơ Việt Nam mà chúng tôi rất yêu mến và khâm phục.
Tôi xin mời các bạn sang thăm Ấn Ðộ. Tôi coi Việt Nam là ngôi nhà thứ hai của
tôi. Tôi cũng mong rằng các bạn coi Ấn Ðộ là ngôi nhà thứ hai của các bạn". Nhà
văn Chúc Ngưỡng Tu đến từ Trung Quốc cũng nói: "Hội nghị giới thiệu văn học Việt
Nam là một thành công lớn, rất lớn. Chúng tôi dự hội nghị với niềm hy vọng và
chờ đợi. Giờ đây chúng tôi chia tay các bạn để về nước, lòng đầy lưu luyến, mang
theo tình hữu nghị, niềm tin và khao khát đưa văn học Việt Nam ra nước ngoài
càng nhiều càng tốt"...
Nhắc lại những phát biểu đầy tình cảm này để thấy, từ những sự tiếp cận khác
nhau, một số tiền đề cơ bản cho việc giới thiệu văn học Việt Nam với bạn bè thế
giới đã bước đầu được xác lập, đã có một số yếu tố để chúng ta hy vọng. Việc còn
lại của Hội nghị là ở những năm tháng tiếp theo và phụ thuộc vào nhiều yếu tố
khách quan - chủ quan, đặc biệt là phụ thuộc vào việc chúng ta phải làm gì, làm
như thế nào để Hội nghị phát huy được ý nghĩa tích cực của nó. Tuy nhiên, là một
lĩnh vực hoạt động văn hóa đặc thù, dịch tác phẩm văn học là một công việc khó
khăn, ngoài sự tinh thông về ngôn ngữ, ngoài sự "nhập thân văn hóa" của dịch
giả, còn quan hệ mật thiết với điều mà Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đề cập
trong Diễn từ đọc tại Hội nghị, đó là "một công việc cần đến tài năng sáng tạo
và tình yêu". Hiển nhiên, đối với việc dịch tác phẩm văn học, nếu thiếu vắng
tình yêu với nền văn hóa và những con người đã khai sinh ra tác phẩm, thì dịch
giả rất dễ rơi vào tình thế của sự chuyển ngữ thông thường và máy móc, khó có
thể "giải mã" được "hồn cốt" của tác phẩm. Do vậy, tạo điều kiện để dịch giả các
nước tiếp xúc với văn học Việt Nam mới là giai đoạn đầu của một quá trình, việc
tiếp theo phải là giúp các dịch giả gắn bó, đồng cảm và tìm thấy tình yêu sâu
sắc với văn học Việt Nam, từ đó chủ động dịch và giới thiệu. Bên cạnh đó, nếu
dịch giả ở trong nước quan tâm giới thiệu với dịch giả ở nước ngoài về những tác
phẩm tiêu biểu, xuất sắc trong kho tàng văn học hàng nghìn năm của dân tộc, thì
về phía các nhà văn, nhà thơ Việt Nam, từ các thành tựu đã có, mỗi người cũng
cần nâng cao "tầm mức ngòi bút" cả về tư tưởng và nghệ thuật. Nói cách khác, mỗi
người cần trở thành một cá tính sáng tạo độc đáo, giàu phẩm chất nhân văn, và
tác phẩm phải là kết quả của cố gắng vươn tới đỉnh cao của văn học dân tộc, vượt
ra ngoài phạm vi dân tộc đến với nhân loại. Bằng cố gắng như vậy, các nhà văn,
nhà thơ Việt Nam sẽ góp phần làm rạng danh nền văn học dân tộc, và "hữu xạ tự
nhiên hương", bạn bè trên thế giới sẽ tìm đến với tác phẩm của chúng ta. Vì có
một điều giản dị nhưng cao quý, như nhà văn Ấn Ðộ Sa-ma Gi-tê-sơ phát biểu tại
lễ bế mạc Hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam rằng: "Văn chương là hữu
nghị, yêu thương, không ai hơn được chúng ta về điều đó. Chúng ta khác nhau về
văn hóa, nhưng là nhà văn, chúng ta là người chung một gia đình thân thiết".
(Theo Nhandan.org.vn)