Robert Gray là nhà văn, nhà giáo, chủ một hiệu sách ở
tiểu bang Vermont bên Mỹ. Băn khoăn với việc rất ít khách hàng hỏi mua
sách văn học dịch, ông thường hỏi họ: “Người Mỹ chúng ta có nên tìm đọc
văn học nước ngoài để hiểu thêm về các nền văn hóa khác hay không?”; và
hầu như ai cũng đáp ngay rằng “Nên chứ”. Nhưng hai từ nên chứ ấy
không phản ánh thực tế. Cũng như Salman Rushdie, Gray đã choáng váng
khi thấy số lượng sách văn học dịch chỉ bằng chưa đầy 0,5% tổng số sách
văn học xuất bản tại Mỹ.
Gray cho rằng, một trong những sai lầm của việc giới
thiệu sách dịch ở Mỹ là hay dùng tính từ “bổ ích” và nhấn mạnh đến việc
chúng có thể giúp người đọc hiểu thêm được một nền văn hóa khác hoặc
một thời đại khác ở đâu đó. Người đọc văn học thông thường không quan
tâm đến chuyện ấy, ông tin vậy và nói rằng cũng như họ, sách dịch chỉ
tình cờ có mặt trong những sách ông chọn đọc mà thôi. Ông viết: “Khi
gặp chúng, tôi vẫn chỉ đọc với những lí do như đọc mọi cuốn sách khác:
tôi muốn được vỡ nhẽ ra nhiều điều, cảm được niềm vui nỗi buồn, thấy
được cái đẹp và nhân tính, và được nghe một giọng kể thật cuốn hút,
nghĩa là tất cả những gì tôi vẫn đòi hỏi ở bất kỳ một cuốn sách nào
mình đọc. Tóm lại, nó phải thật hay.” Do đó, ông rất ít khi chuyện trò
với khách hàng về nghệ thuật dịch văn học, không bao giờ động đến
chuyện họ cần hoặc nên vượt các biên giới văn hóa bằng cách đọc sách
dịch. Ông chỉ nhiệt thành nói về chúng như những áng văn chương đích
thực đáng thưởng thức. Khách hàng rất ít khi từ chối những cuốn sách
dịch mà ông giới thiệu, nhưng chỉ mua chúng khi tin rằng đó là những
tác phẩm hay chứ không bao giờ vì tác giả của chúng là người ngoại quốc.
Tôi nghĩ nếu đối tượng giới thiệu sách của chúng ta
không chỉ là những độc giả đã sẵn có cảm tình hoặc quan tâm đến Việt
Nam vì nhiều lí do khác nhau, mà là những người đọc sách văn học thông
thường, thì câu chuyện của Robert Gray là rất đáng chú ý. Thứ nhất là
việc lựa chọn sách để dịch và giới thiệu - chúng phải thực sự hay, với
nghĩa là một áng văn chương có phẩm chất nhân văn phổ quát. Cái này nói
thì dễ, nhưng thực tế không đơn giản chút nào, nhất là đối với một tổ
chức nhà nước, bất kỳ là nhà nước nào. Thứ hai, khi bản dịch tiếng Anh
của một tiểu thuyết Việt chinh phục được người đọc Âu Mỹ thông thường
thì cũng có nghĩa là tác phẩm đã được ngoại lai hoá trên nhiều bình
diện - từ ngôn ngữ đến văn hóa, yếu tố dịch thuật đã trở nên vô hình,
và cuốn tiểu thuyết Việt ấy đã không còn thuần Việt nữa. Đây là một sản
phẩm phụ không muong muốn đối với những mục tiêu giới thiệu văn hóa
mang tinh thần dân tộc chủ nghĩa. Thứ ba, sự vô hình của dịch thuật
cũng có thể che đậy những xuyên tạc vô hình khiến một nguyên tác Việt
đẹp đẽ và sâu sắc chỉ còn là một tiêu bản ngộ nghĩnh ở bản dịch. Tôi có
đọc một bản dịch thơ vịnh bánh trôi của Hồ Xuân Hương trên Tạp chí Thơ
của Quỹ Thơ (Poetry Foundation) danh tiếng tại Mỹ. Người đọc bản tiếng
Anh sẽ được một bài bánh trôi như thế này: Thân em tròn và trắng
như bột phấn/ Em chìm nổi như một trái núi ở trong hồ/ Bàn tay nhào nặn
em rắn và thô/ Người không thể phá hủy trái tim đỏ thực sự của em đâu
(My body is powdery white and round/ I sink and bob like a mountain in
a pond/ The hand that kneads me is hard and rough/ You can't destroy my
true red heart).
Có lẽ khó khăn lớn nhất là vấn đề chất lượng bản
dịch. Tôi nghĩ một trong những giải pháp tốt cho việc này là có những
nhóm nhỏ các dịch giả cùng làm việc với một nguyên tắc, có thể chỉ là
một cặp hai người ăn ý và có khả năng bổ khuyết cho nhau...
Trở lại với Robert Gray. Tôi đọc được bài của ông trên trang mạng của tạp chí văn học quốc tế Words Without Borders - Ngôn từ Không Biên giới. Cuối
bài viết, Gray tin rằng văn học dịch ở Mỹ là những tác phẩm đã được
chọn lọc có giá trị văn chương rất cao. Mặc dù chưa đầy 0,5% về số
lượng, nhưng 100% là sách hay, còn văn học nội địa Mỹ thì phần trăm
sách hay thực sự là rất nhỏ. Ông tỏ ra lạc quan cho tương lai sách dịch
ở Mỹ, vì rất nhiều người bán sách như ông đang hàng ngày cổ vũ cho
chúng, rồi các trang mạng văn học như Ngôn từ Không Biên giới đang
ngày càng phát huy tác dụng, cộng với các sáng kiến phong phú của nhiều
hội đoàn trong ngành xuất bản nhằm cổ động văn học dịch, ví dụ như
chương trình Read the World (Đọc Thế giới) ở Mỹ. Tôi nghĩ chúng
ta nên xây dựng mối quan hệ khăng khít với mạng lưới các nhà bán sách
nhỏ lẻ có tinh thần văn chương phóng khoáng như của Robert Gray chứ
không nên chỉ tập trung thâm nhập những nhà sách lớn vốn bị chi phối
nặng nề hơn nhiều bởi các yếu tố thị trường.
Cũng trên mạng Ngôn từ Không Biên giới ấy,
tôi vui và có một cảm giác tự hào chung cho văn học Việt Nam khi thấy
tác giả Ngô Tự Lập hiện diện rất đàng hoàng với ảnh chân dung, tiểu sử,
và bốn bài thơ dịch sang tiếng Anh của anh. Tôi nghĩ việc hiện diện này
hoàn toàn là do anh chủ động chứ không cần có sự hỗ trợ nào của nhà
nước, và vỡ nhẽ rằng vai trò chủ động của từng cá nhân tác giả là rất
quan trọng và đáng được khích lệ. Chẳng hạn ai muốn làm như tác giả Ngô
Tự Lâp sẽ được Hội giúp đỡ thực hiện việc đó. Chẳng hạn như giới thiệu
lựa chọn người dịch và người hiệu đính đáng tin, cậy rồi hỗ trợ tiền
cho hai việc ấy. Như vậy sẽ có cơ hội đảm bảo được chất lượng cao hơn.
Và chắc là sẽ có rất nhiều tác giả được xuất hiện trên những mạng văn
học quốc tế có uy tín, thành một hỗ trợ đắc lực cho sự hiện diện của
văn học Việt ở các kênh xuất bản thị trường khác trên thế giới. Vai trò
của nhà nước và Hội sẽ thực sự thiết thực, mà tác dụng nhanh chóng rõ
ràng. Và hay hơn nữa, việc nhà nước khích lệ và hỗ trợ các cá nhân tác
giả chủ động hội nhâp quốc tế sẽ là một đảm bảo để văn học vượt biên
giới một cách phóng khoáng trẻ trung và chân thật nhất.
Ngôn từ không biên giới có lẽ là mong muốn chung của tất cả chúng ta.
(Theo Evan.vnexpress.net)