Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ bảy, 23/01/2010 08:46
Trò chuyện với đại biểu “sợ nhất giao thông Hà Nội”
ĐB Triệu Thị Nái từng là đại biểu QH khóa IX. Trở lại QH sau 3 khóa, bà chứng kiến những đổi thay lớn trong hoạt động nghị trường. Chuyển cả gia đình từ tỉnh miền núi Hà Giang về Hà Nội sinh sống, bà cho hay “sợ nhất là giao thông Hà Nội”.

Ảnh: Cao Nhật

Không còn ĐB trình độ lớp 2  

Trở lại QH sau 3 khóa (ĐBQH khóa IX rồi đến khóa XII), bà có thấy nhiều thay đổi không?  

- QH đã đổi mới nhiều. Đã có bước tiến dài, như trong việc xây dựng luật pháp chẳng hạn.  

Chỉ riêng chuyện khi thông qua luật không phải đọc toàn văn mà chỉ biểu quyết thông qua những chỗ còn có ý kiến khác nhau đã là tiến bộ, vừa rút ngắn được thời gian mà lại tập trung, đảm bảo chất lượng.  

Làm luật bây giờ đòi hỏi yêu cầu cao hơn, vì phải phù hợp với thông lệ quốc tế nữa. Trình độ ĐB đã nâng lên rất nhiều, thể hiện trong các phát biểu, tranh luận ở tổ, ở hội trường. Hồi khóa X còn có ĐB trình độ lớp 2, khi tiếp xúc cử tri còn không hiểu những điều họ kiến nghị.

Các công việc của ĐB giờ cũng gần gũi, thiết thực hơn trong việc đại diện ý chí, nguyện vọng của nhân dân. ĐB đã nghĩ đến trách nhiệm, vai trò của mình nhiều hơn, chứ không theo kiểu làm được đến đâu hay đến đó nữa.  

Điều này thể hiện rõ trong hoạt động của các đoàn, cũng như của từng cá nhân ĐB khi tiếp xúc cử tri, thu thập ý kiến nguyện vọng của cử tri.  

Nhất là trong việc trả lời đơn thư khiếu nại, tố cáo của dân, ĐB đã thể hiện vai trò tiếp nhận ý kiến thấu đáo hơn, theo dõi cơ quan hành pháp trả lời kiến nghị của cử tri thì sâu sát hơn.  

Bà có đội ngũ chuyên gia để tham vấn không?  

Hiện nay chưa có chuyên gia nào. Trong việc xây dựng luật pháp, ĐB chuyên trách rất cần chuyên gia trong từng lĩnh vực giúp tư vấn cho mình, nếu có được thì hay quá. Tôi chưa có nhiều cơ hội tiếp xúc để đặt vấn đề nhờ các chuyên gia giúp đỡ.  

Bà con đi hết, lấy ai bảo vệ biên giới?  

Kỳ họp QH vừa rồi, nhiều ĐB lên tiếng mạnh mẽ việc di dân, tái định cư cho các dự án lớn của quốc gia, Hội đồng Dân tộc đi giám sát thấy thực tế thế nào?  

Qua thực tế những chuyến giám sát, thấy ở các địa phương người dân còn nhiều băn khoăn bức xúc do việc tổ chức thực hiện dưới cơ sở.  

Việc di dân là cần thiết để phục vụ các công việc lớn của quốc gia, chủ trương là người dân chuyển đến nơi ở mới phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, nhưng thực tế việc giải quyết đời sống của họ chưa được như mong muốn.  

Ảnh: Cao Nhật

Cơ sở hạ tầng chưa xong, nơi thì mới có nhà chứ chưa có đường giao thông, nơi chưa có điện, thậm chí còn chưa có nước phục vụ sinh hoạt, nên cuộc sống của họ rất khó khăn.  

Chưa kể diện tích đất sản xuất không thể so với trước khi di dời, về nơi tái định cư chỉ có chút diện tích đất vườn hạn hẹp, không thể đảm bảo cuộc sống.  

Việc di dân tái định cư đến nay vẫn còn nan giải, các dự án ớn như Sơn La, nhỏ như ở Nghệ An hay miền Trung - Tây Nguyên đều còn nhiều vướng mắc trong tổ chức thực hiện.  

Đến tháng vừa rồi Hội đồng Dân tộc vẫn nhận kiến nghị của người dân Nghệ An liên quan đến việc bồi thường chưa thỏa đáng của thủy điện Bản Vẽ.  

Vừa rồi QH có bàn đến việc tái định cư các dự án thủy điện Lai Châu và điện hạt nhân Ninh Thuận, nhiều ĐB đã lên tiếng việc chính phủ phải chỉ đạo các bộ ngành và các địa phương phải rút kinh nghiệm từ các bài học cũ, phải xem cần chuẩn bị những gì trước khi đưa người dân đến, như nhà cửa, đường giao thông phải xong, điện nước phải có.  

Rồi còn phải tập huấn cho dân cách trồng trọt và chăn nuôi tại nơi ở mới, nhiều bà con quen làm nương rẫy trên núi cao, giờ về xuôi có biết cách canh tác đâu?  

Có nhiều dịp tiếp xúc với đồng bào, những điều gì họ hay kiến nghị khiến bà còn trăn trở nhất?  

Những kiến nghị của họ chủ yếu liên quan đến quốc kế dân sinh, rất sát với đời sống của họ. Đều là những kiến nghị chính đáng, nhưng nhìn tổng thể điều kiện của mình còn nghèo, chưa thể đáp ứng hết được ngay.  

Nhưng tôi trăn trở nhiều về đời sống của đội ngũ cán bộ vùng biên giới, họ luôn kiến nghị phải xem xét chính sách lương bổng còn rất thấp.  

Như Hà Giang có trên 270 km vùng biên giới, địa bàn rộng lớn, giao thông cản trở, khí hậu khắc nghiệt, công việc lại nhiều, đời sống của các giáo viên trên đó rất vất vả, thu nhập có đáng bao nhiêu, vậy mà nhiều nơi làm không tốt thì lương chậm cả mấy tháng.  

Như dạo cuối năm báo chí có đưa tin giáo viên trường tiểu học và THCS Tả Sử Choong của huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang không nhận lương 4 tháng với lý do kế toán nghỉ thai sản, nghe thật xót xa.  

Ảnh: Cao Nhật

Mùa đông giá rét thế này, nếu không có họ thì ai vận động con em vùng cao đi học, trong khi mục tiêu của chúng ta là phổ cập giáo dục? Rất cần phải đảm bảo đời sống cho giáo viên miền núi, lại phải động viên khích lệ họ nữa chứ. Rồi còn cán bộ y tế, cán bộ xã nữa.  

Chuyện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đường giao thông, điện nước... cũng rất nan giải. Mặc dù nhà nước đầu tư nhiều, nhưng so với nhu cầu thì chưa thấp vào đâu. Nhiều nơi dân tự bỏ công sức để phá đá, mở những đường giao thông nhỏ vào các thôn bản.  

Có những vùng như miền tây của huyện Hoàng Su Phì, đất pha cát, cứ mùa mưa là sạt lở hết, quanh năm phải huy động dân ra mở đường, sạt lở hết lại làm lại. Công sức của dân lớn lắm.  

Mùa này trên đó khổ lắm, rét thấu xương, nhất là bốn huyện vùng cao Đồng Văn - Mèo Vạc - Yên Minh - Quản Bạ không có nước, bà con phải mang can đi lấy nước xa cả chục km để về dùng.  

Năm 2007, Thủ tướng lên thăm, đã đồng ý cho xây dựng 30 khu hồ treo với tổng đầu tư 90 tỷ, nghe đâu làm được khoảng chục hồ rồi, bà con phấn khởi lắm. Nhưng còn những nơi vùng sâu vùng xa chưa có hồ thì dân không có nước, trượt giá từ 2007 đến giờ chẳng thể làm được hồ như lúc thiết kế nữa?  

Những chính sách ưu đãi để bà con vùng cao xóa đói giảm nghèo bền vững còn nan giải lắm. Vẫn có những cuộc di dân tự do vào Tây Nguyên, họ theo người thân đã vào đó từ nhiều năm trước. Vào đó đất tốt hơn, cuộc sống dễ dàng hơn, cần cù chăm chỉ vài năm là khá lên. Bảo đảm cuộc sống của dân vùng biên giới còn là để giữ biên giới nữa, bà con mà đi hết thì lấy ai bảo vệ biên giới?  

Căng thẳng ra đường  

Từ Hà Giang chuyển về Hà Nội để làm công việc chuyên trách, bà có thấy môi trường sống khác quá không?  

- Sống ở môi trường nào thì phải quen với môi tường đó, không nhanh chóng tiếp cận ngay với hoàn cảnh sống thì không thể hoàn thành nhiệm vụ. Trước tôi ở Hà Giang cũng hay phải họp hành dưới này nên không khó khăn lắm trong việc làm quen.  

Ở địa phương không gian thoáng đãng hơn, về đy có chật chội hơn cũng không sao, tôi ở nhà công vụ của Văn phòng QH điều kiện cũng tốt, gia đình đã chuyển xuống đây sống cùng.  

Chỉ khó khăn nhất về giao thông thôi. Tôi có xe đưa đón, nhưng đi làm thì hay bị tắc đường, nên phải bố trí hài hòa để đảm bảo công việc. Tôi sợ nhất là giao thông của Hà Nội, đi lại thấy rất căng thẳng.
 
 
 
(Theo Vietnamnet.vn)

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)