“Đưa” sách đi tìm độc giả
Trước đây, câu chuyện truyền thông sách không nhận được sự quan tâm của nhiều đơn vị xuất bản, một phần bởi các đơn vị này thiếu nhân lực, thiếu tài chính, quan niệm về marketing mờ nhạt. Sau này, khi các đơn vị liên kết xuất bản vào cuộc, truyền thông sách phát triển ngày một mạnh mẽ hơn, đặc biệt là sự xuất hiện ngày một nhiều chuyên mục giới thiệu sách trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Đáng chú ý, trong những ngày giãn cách vì dịch Covid-19, các đơn vị xuất bản, các đơn vị liên kết không đứng yên chờ độc giả tìm đến mà chủ động tìm cách đưa sách đến với độc giả bằng nhiều chương trình giới thiệu, quảng bá, tọa đàm sách online, từ đó mở ra con đường truyền thông sách hiệu quả.
Theo ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, truyền thông sách là phần không thể thiếu khi người làm sách tiếp cận thị trường. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều đơn vị xuất bản chưa chuẩn bị tốt nguồn lực cho mảng truyền thông. Chọn lối đi an toàn, đa số chọn tổ chức hoạt động truyền thông với các tác giả đã nổi tiếng, với tác phẩm đã nhận nhiều giải thưởng hoặc thuộc “hàng bán chạy”. Điều này cũng khiến cho những cây bút trẻ thiếu đi “bệ đỡ” để mạnh dạn bước vào con đường viết chuyên nghiệp.
Trong nhiều cuộc tọa đàm, giao lưu, không ít cây bút trẻ đã gửi câu hỏi đến các “bậc tiền bối” về “bí quyết” ra mắt sách, về sự tự tin quảng bá sách mà không e ngại bị “thương mại hóa”... Nhà văn Đức Anh cho biết: “Một tác giả trẻ tự truyền thông sách của mình, dám nói ra đứa con tinh thần của mình có chỗ nào hay, chỗ nào dở, chỗ nào cần học hỏi là đã mở thêm cho mình những cơ hội mới, đồng thời khả năng viết lách được rèn luyện thêm. Những tác giả không đủ tự tin viết và xuất bản tiếp, nhất là sau khi một cuốn sách phát hành không được, thì sẽ rất phí tài năng. Đó là điều đáng tiếc cho những viên ngọc thô còn ẩn chứa trong tác phẩm đầu tay”.
Một trong những cách tiếp cận độc giả mà nhiều tác giả trẻ đã và đang thực hiện trong tình cảnh bản thân không đủ nguồn lực tài chính và các đơn vị xuất bản chưa sẵn sàng hợp tác, theo tiktoker Giao Cùn, là “tự truyền thông trước trên mạng xã hội”. Các tác giả này thường đăng trước một phần nội dung lên mạng xã hội để “test” phản ứng của độc giả và các nhà phê bình, hoặc mở riêng những trang fanpage, blog cá nhân để đăng tải tác phẩm của mình. Các tác giả trưởng thành từ việc viết trên mạng đã có một lượng độc giả nhất định và sau một vài năm đã định hình lối viết thì họ mới in cuốn sách đầu tay. Nhờ vậy, sách của họ bán khá chạy, thậm chí tái bản chỉ sau vài ba ngày, như “Tổng đài kể chuyện lúc 0h” của Emma Hạ My, “Tết ở làng Địa Ngục” của Thảo Trang... Trước đó, đã có hàng loạt tác giả thành công nhờ “tiếp thị” trực tiếp tác phẩm của mình đến độc giả thông qua các trang cá nhân trên mạng xã hội như Nguyễn Phong Việt, Anh Khang, Hamlet Trương, Nguyễn Ngọc Thạch... Trong số này, nhiều người đã trở thành “tác giả triệu bản” với số lượng bản in “khổng lồ” so với mặt bằng xuất bản ở Việt Nam.
Với việc truyền thông cho một cuốn sách, điều quan trọng nhất vẫn là chính tác giả. Nhà văn Lữ Mai cho biết: “Đội ngũ truyền thông sách hiện đã tiệm cận trình độ khá tốt. Chẳng hạn, có những tác giả đã không còn trên cuộc đời này nhưng người làm truyền thông vẫn luôn có cách để đưa tác phẩm của họ đến với độc giả. Mỗi tác giả, tác phẩm có nét đặc thù riêng, người làm truyền thông phải nhìn ra và đẩy nét đặc thù ấy đến với độc giả một cách dễ chịu nhất”. Nhưng, dù đội ngũ truyền thông chuyên nghiệp đến đâu thì chính tác giả cũng cần phải cởi mở trong câu chuyện truyền thông. Các tác giả trẻ thường nghi ngại nhiều, lo sợ nhiều, và đó là yếu tố cản trở. Vượt qua những chướng ngại bên trong để ngoại giao với độc giả là điều cần thiết với các tác giả trẻ đương thời.
Nhìn từ góc độ sáng tác, mỗi tác phẩm là đứa con tinh thần của tác giả, song nhìn từ khía cạnh thị trường xuất bản thì đó cũng chỉ là một sản phẩm. Do đó, ngoài chất lượng thì còn đòi hỏi về hình thức và cách giới thiệu sản phẩm đến khách hàng từ phía người sản xuất (gồm tác giả và đơn vị xuất bản, đơn vị liên kết), để khách hàng biết, tìm hiểu và sau đó đi đến quyết định có mua hay không. Tác giả, bởi thế, cần phải bứt ra khỏi vòng an toàn của bản thân, đầu tư thời gian - tinh thần - vật chất đồng hành cùng đội ngũ truyền thông để thực hiện các hoạt động truyền thông cho tác phẩm. Tác giả cần dũng cảm lắng nghe phản ứng từ độc giả, biết tiếp thu và bình tĩnh đón nhận những khen/chê để hoàn thiện, chỉnh lý nếu được tái bản, cũng như rút kinh nghiệm cho tác phẩm sau.
Ngày nay, số lượng sách xuất bản ngày một nhiều, nên nếu chỉ trông chờ "hữu xạ tự nhiên hương" thì rất có thể cơ hội quảng bá tác phẩm sẽ tuột khỏi tầm tay. Truyền thông sách, nếu không quá lố, sẽ không làm cuốn sách mất đi giá trị mà còn giúp văn hóa đọc phát triển. Điều quan trọng, “mỗi tác giả là một cá tính riêng, nếu đi đến cùng với tác phẩm, với đề tài, không nửa vời thì chắc chắn tác phẩm sẽ tự thân thu hút độc giả” - nhà văn Lữ Mai khẳng định.
(Theo Hạ Yến/hanoimoi.vn)
https://hanoimoi.vn/dua-sach-di-tim-doc-gia-672040.html