Bengisu Rona là giáo sư người Thổ Nhĩ Kỳ, giảng dạy về Đông phương và châu Phi học tại London. Rona cho biết, một trong những chủ đề giảng dạy chính của bà là “sự ảnh hưởng của chính trị đến đời sống văn học". Và theo nghiên cứu của bà, không gì có thể minh họa rõ ràng cho chủ đề này bằng câu chuyện của nhà thơ Nazım Hikmet (1902 - 1963) và nhà văn Orhan Kemal (1914 - 1970).
Theo Sundayszaman, trong một cuốn sách mới xuất bản, Rona đã đưa ra những tư liệu văn học phong phú. Phần đầu của cuốn sách kể lại bối cảnh lịch sử đã đẩy hai nhà văn vĩ đại vào tù. Sau đó, Rona giới thiệu hồi ký của chính Kemal viết về giai đoạn hai ông ngồi tù với nhau, có tên gọi Three and a Half Years with Nazım Hikmet (3 năm rưỡi với Nazım Hikmet). Kèm theo đó là thư từ và những ghi chép vặt vãnh của Hikmet trong những ngày ông bị giam cầm.
Mỗi trang nam nhi Thổ Nhĩ Kỳ đều phải có nghĩa vụ với đất nước. Chàng trai trẻ Kemal bị đưa đến Niğde năm 1937. Tại đây, ông bị buộc tội xúi giục binh lính làm loạn bằng cách rải truyền đơn ủng hộ thể chế chính trị nước ngoài. Cũng như bất cứ người trẻ tuổi nào lúc bấy giờ, Kemal bị mê hoặc bởi trang viết của một tác giả có những câu thơ lay động hàng triệu người. Trong rất nhiều lý do khiến Kemal bị tống vào tù có chuyện ông viết một bài thơ đề tặng thần tượng của mình là Hikmet. Ngoài ra, tư trang cá nhân của ông còn có sách của Maxim Gorky và một số bài viết cắt ra từ báo về các nhà văn Nga và chủ nghĩa Marx.
Orhan Kemal ngồi tù từ năm 1939 đến ngày 26/9/1943.
Mỉa mai thay, Kemal bị bắt vì tội ngưỡng mộ Hikmet. Nhưng vào tù, ông lại được gặp và trở thành bạn với thần tượng của mình khi Nazım Hikmet - cũng bị bắt giam vì các hoạt động chính trị. Kemal viết về nhà thơ nổi tiếng. “Nazım Hikmet thực sự là người thầy của tôi. Ông dạy tôi cách nhìn thế giới và vạn vật qua lăng kính của một lập trường nhất định. Con người sống trong bất cứ thời đại nào cũng đều bị ảnh hưởng bởi thế giới mà họ sống. Điều cốt yếu là phải biết cách nhìn nhận. Chỉ khi biết cách nhìn bạn sẽ thấy những gì mình cần thấy. Đó là điều Nazım đã dạy tôi".
Số phận nhiều khi cũng trớ trêu. Hình phạt cho việc đọc thơ Hikmet lại là cơ hội để Kemal không chỉ được đọc thơ mà còn được đọc cả cuộc đời thần tượng. Cái ngày Kemal nhìn thấy Hikmet trong tù, Kemal đã nhủ thầm: "Mày thật may mắn, thần tượng của mày đang tới". Ngày đó, Kemal nhớ lại, như là một ngày mặt đất đang phủ đầy tuyết thì một tia nắng rực rỡ bỗng dưng dọi xuyên qua. "Chưa nói đến chuyện được gặp ông, được kết bạn với ông, ít nhất tôi đã được nhìn thấy mặt ông", Kemal viết.
Nhưng không dừng lại ở đó. Cả hai được sinh ra như để trở thành bạn tri kỷ của nhau. Ấn tượng đầu tiên của Nazım về Kemal là: “Anh ấy am hiểu về thơ ca và là người rất thú vị". Còn Kemal viết về Nazım: “Mắt ông là một màu xanh thẳm biết cười". Rồi hai người bị đẩy chung vào một phòng giam. Khi biết tin này, Kemal không nén nổi hạnh phúc: "Có một niềm sung sướng mãnh liệt bùng lên trong tôi".
Trong lá thư gửi cho một người bạn tù khác là Kemal Tahir vào 3/3/1941, Nazım Hikmet đã quả quyết về Orhan Kemal rằng: “Trong một hai năm tới, thế giới sẽ có thêm một tác giả truyện ngắn tài năng".
Tình bạn giữa hai nhà văn đã khiến cho những ngày tháng ngồi tù của họ trở nên dễ chịu hơn. Nazım viết: “Với một kẻ đang ở tù, việc có một người bạn, một người đồng chí, một người anh em, một người nghệ sĩ làm bạn thì nghĩa là ta đã được tự do một nửa". Ngoài tình bạn sâu sắc, hai người họ cũng đã để lại những sáng tác vĩ đại trong tù. Với Hikmet là bài thơ Toàn cảnh nhân loại nhìn từ đất nước tôi. Còn với Kemal là một tuyển tập 18 truyện ngắn nổi tiếng.
Nazım kèm cặp người bạn tù của mình rất tận tình. Ông dạy Kemal tiếng Pháp, đọc cho Kemal cách hiểu thơ ông và giảng cho Kemal về nghệ thuật dùng từ. Trên tất cả, nhà thơ lớn truyền cho nhà văn ngọn lửa của đam mê và phương cách tìm ra chất giọng của chính mình.
Sau này, mỗi khi Kemal giành được thành công, người bạn già của ông lại viết thư động viên rằng: "Tôi coi mỗi thành quả của anh trong nghệ thuật cũng như là một chiến thắng của chính mình vậy".
Và một trong những thời điểm khó khăn nhất của Kemal là khi ông được ra tù trước, để lại mình Nazım trong ngục. Ông viết: "Tôi để lại một phần trái tim tôi trong ngục và mang về nhà tình bạn thân thiết của người vẫn đang phải ngồi tù".
(Theo Evan.vnexpress.net)