Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu các vị lãnh đạo Đảng và Nhà
nước dâng hương, bố cáo các bậc tiên tổ những thành tựu to lớn ngày hôm
nay gìn giữ và xây dựng non sông ngày càng vẻ vang. Với ý nghĩa này, kỷ
niệm 1000 năm Thăng Long không chỉ là sự kiện riêng của Hà Nội mà là
niềm tự hào chung của cả dân tộc và bạn bè quốc tế. Công tác kỷ niệm
1000 năm Thăng Long phải gắn liền với sự phát triển toàn diện Thủ đô, đã
được thành phố coi đây là mốc son quan trọng trong công cuộc xây dựng
Thủ đô Hà Nội, thanh lịch, văn minh.
22h, lá cờ đại được kéo lên chuẩn bị lễ dâng hương tại tượng đài vua Lý
Thái Tổ trong tiếng hô vang của biển người. Từ các đồng chí lãnh đạo,
những du khách nước ngoài và những người dân bình thường ai cũng cùng
nhau ấn định khoảnh khắc linh thiêng đó bằng những lời cầu chúc cho quốc
thái - dân an. Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội bắt dầu khai mở
trong màn pháo hoa tung trời, trong tiếng trống chiêng trầm hùng vọng
vang từ muôn đời. Trực chờ đến lúc đó, bao người đã muốn òa khóc, mỗi
người một cảm xúc nhưng đều cảm thấy hạnh phúc tràn đầy. Mọi ánh mắt đổ
dồn về tháp Rùa soi bóng lung linh màn pháo hoa tung trời. Hà Nội linh
thiêng, hào hoa hiện hữu lắng đọng cả quá khứ vàng son cùng tương lai
rạng ngời.
Vào thời điểm tiếng chuông Bưu điện Bờ Hồ bính boong điểm những giây
cuối cùng năm Kỷ Sửu, mở ra năm mới Canh Dần, Hà Nội như lắng lại. Dù
mỗi người dân Hà Nội mang một tâm trạng riêng nhưng ai cũng muốn đến gần
hơn nữa Hồ Gươm với mong muốn tận mắt chứng kiến sự kiện đặc biệt này.
Như mọi năm Cụ Diễm, 86 tuổi, ở phố Hàng Bạc chậm rãi đứng ngắm chiếc
đồng hồ từ khoảng cách xa trước cửa đền Ngọc Sơn trong xốn xang cảm xúc
như gợi lại thời thanh niên sôi nổi của mình quây quần cùng đám cháu con
hồ hởi ra mặt. Theo lời cụ Diễm mới năm nào khu vực đầu phố Hàng Dầu
này còn là bãi chiến trường, xe tăng và xe Ha-prắc của Pháp còn chắn hai
đầu phố với âm mưu chia cắt liên khu 1 anh hùng. Hà Nội rực lửa ngày ấy
còn mãi trong lòng mỗi người dân phố nhưng đầy hào hùng trong câu nói
bất hủ: Thăng Long phi chiến địa.
Cụ Diễm, một người dân Hà Nội tâm sự: "Lâu rồi tôi mới được thấy được
một Hà Nội như thế, những góc phố nhỏ hẹp vui trong tiết xuân, những
trang phục xưa, những ngôi nhà như nơi tôi đã từng sống. Tôi vẫn bảo với
con cháu, có nhìn lại khung cảnh Hà Nội hôm nay mới thấy sự thay da,
đổi thịt từng ngày, sự phát triển hiện đại, văn minh của Thủ đô trong
tương lai...".
Còn theo bạn Diệu Linh, sinh viên ĐH KTQD tỏ ra rất xúc động khi được
hòa nhịp vào một phần của đêm hội Hà Nội này tâm sự: "Qua những ca khúc,
những tiết mục nghệ thuật thế hệ trẻ chúng em mới thấy rõ nét hào hoa
của Hà Nội. Từ đó lớp trẻ mới hiểu hơn về lịch sử mảnh đất ngàn năm và
thêm gắn bó yêu mến Thủ đô...".
0h ngày mồng 1 Tết, bước sang ngày mới chiếc đồng hồ trên nóc tòa bưu
điện gióng giả hồi chuông đầu tiên. Tiếng chuông ngân nga trong gió cộng
hưởng cùng nhịp chuông tại các đền chùa tạo nên niềm phấn khởi, tự hào
đến khó tả. vào khoảnh khắc thiêng liêng chào 1.000 năm của thành phố
thân yêu đồng loạt tất cả các chùa, các nhà thờ cùng rung chuông để mỗi
người dân đều thấy thật háo hức, rộn ràng.
Càng thêm sâu sắc khi thấy lớp lớp người đi trong mưa xuân mãi mê hát
chung điệu nhạc "Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội" lay động cõi
lòng. Niềm vui khó tả, bình dị trong mỗi người hôm nay tượng trưng cho
sự cất cánh của Thăng Long - Hà Nội muôn đời sau. Tiếng chuông đó sẽ
tiếp tục ngân vang liên tục trong nhiều thời khắc nữa cho tới những ngày
tháng 10 đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội chính thức. Khoảng
cách đó ngỡ xa mà gần hiện diện trong máu thịt người Thủ đô bình dị mà
tự hào biết bao. Dấu ấn 1000 năm và hơn thế nữa gìn giữ cho muôn đời sau
những giá trị trường tồn cùng năm tháng.