Nặng lòng với cõi nhân gian
 |
Ảnh: N.H.N. |
Có “nhân gian cõi người” - là thế giới của người đang
sống, nhưng ở đây nó thu hẹp lại chủ yếu trong môi trường xã hội của cô
gái trẻ con ông phó chủ tịch một tỉnh nọ.
Có “nhân gian bán âm bán dương” nằm ở phần bản lề của
hai “nhân gian” trên: đó là trường hoạt động của những người đang tiến
hành việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ - những người ấy sống nhưng dường như
ý nghĩa cuộc sống của họ luôn bị ám ảnh và bị chi phối bởi sự tồn tại
của những người đã chết.
Với kết cấu nội dung như vậy, có thể nói so với hai tác
phẩm Ngụ cư và Thức giấc trước đó, tiểu thuyết Nhân
gian của Thùy Dương đã được tăng cường khá đậm tính chất ảo. Cái ảo được
nhìn qua lăng kính của cái thực. “Nhân gian cõi âm” của tiểu thuyết
không ngưng đọng, không tịch mịch. Trái lại, nó xáo động, chộn rộn theo
đúng tinh thần “trần sao âm vậy”.
“Nhân gian cõi người” xáo động chộn rộn hơn gấp nhiều
lần.
Trước hết, ở đây là cả một bộ sưu tập nhãn mác hàng hóa
tiêu dùng xa xỉ “nồng danh khét tiếng” trên thế giới được bày ra, được
nhắc đến với một mức độ đậm đặc (Armani, Jimmy Choo, Hermes, Gucci,
Chanel, Valentino, Kenzo, Louis Vuiton, Burberry, Escada...), cứ như thể
để gỡ gạc cho việc suốt một thời gian dài cả nước chỉ biết tới các mặt
hàng nội địa kém chất lượng!
Tiếp đến là thái độ sùng bái và sự tự tin của các nhân
vật khi tìm thấy giá trị cá nhân mình qua giá trị của đồ vật. Một thứ
chủ nghĩa bái vật giáo của thời hiện đại chăng? Một ngoại hiện của sự
rỗng tuếch trong đời sống tinh thần chăng?
“Nhân gian cõi người” của cuốn tiểu thuyết là cả một
thế giới vừa sục sôi vừa căng thẳng bởi những âm mưu, thủ đoạn tranh
giành quyền lực.
“Nhân gian bán âm bán dương” trong tiểu thuyết của Thùy
Dương chụm lại ở nhân vật người chị dâu liệt sĩ Nguyễn Huy Hoàng.
Chị dửng dưng với mọi tranh giành đấu đá, chị đắm mình
trong thế giới lung linh của những trang sách nhưng cũng không quên
những ao ước nhỏ mọn đời thường của người phụ nữ hết lòng vì chồng con.
Chị thông linh được với vong hồn của người em chồng đi lính, hi sinh.
Là khâu trung chuyển giữa “nhân gian cõi âm” và “nhân
gian cõi người”, chị cũng đóng luôn vai trò của một chứng nhân, một
người ghi nhận giá trị của những cái chết, trong quá khứ và trong hiện
tại: có những người hi sinh vì một lý tưởng; lại có những người chết tức
tưởi đau đớn - bị cắt thành ba khúc ném trôi sông - chỉ vì cái “tội”
mắng đứa con trai khi bắt gặp nó đang cạy tủ lấy tiền để ngồi quán net!
Nhân gian, đó là cõi người, cả người xưa và người bây
giờ, cả người chết lẫn người sống. Là sự trầm luân tương tục của bao
kiếp người mà để hóa giải nó, có lẽ phải cần đến sự không biến mất của
lòng bác ái trên thế giới này?
(Theo Tuoitre.vn)