Chiến dịch Hồ Chí Minh giữa lòng Paris
LTS: Cựu đại sứ Võ Văn Sung đã gắn bó phần lớn cuộc
đời ngoại giao của mình với địa bàn Paris và Bắc Tây Âu. Trong cuốn
sách với tựa đề: "Chiến dịch Hồ Chí Minh giữa lòng Paris", ông đã dành
một phần quan trọng kể lại những đóng góp quí báu, đáng trân trọng của
bà con ta ở nước ngoài đối với sự nghiệp thống nhất đất nước, hoà hợp
dân tộc.
Để cùng hướng tới ngày "Hòa giải và yêu thương" do
VietNamNet khởi xướng, chúng tôi xin trân trọng trích giới thiệu cuốn
sách này - chương: "Chân trời 90", như một lời tri ân với kiều bào ta ở
nước ngoài.
Tổ chức lại phong trào Việt kiều
Về mặt cơ sở vật chất của Đại sứ quán Việt Nam thống nhất, năm 1972
Thủ tướng chính phủ đã quyểt định xây dựng Đại sứ quán mới, trong năm
1973 đã mua đất và vận động giấy phép xây dựng, mùa hè năm 1974 đã thu
xếp xong mặt bằng, như vậy là về cơ bản đã ổn, chỉ cần đẩy nhanh tiến độ
thi công để có thể có trụ sở mới sau khi ta chính thức thống nhất về
mặt nhà nước không lâu lắm.
Về mặt nhân sự của Đại sứ quán Việt Nam thống nhất, chúng tôi đã được
trong nước phê duyệt danh sách cán bộ chuyển từ Phái đoàn thường trực
Chính Phủ Cách mạng lâm thời sang Đại sứ quán Việt Nam thống nhất, bao
gồm những cán bộ vốn là Việt kiều. Trong nước cũng thông báo nội bộ là
sau khi chính thức thống nhất, anh Phạm Văn Ba sẽ về nước nhận nhiệm vụ
mới và tôi sẽ ở lại làm Đại sứ của nước Việt Nam thống nhất tại Pháp và
các nước đã kiêm nhiệm.
 |
Việt kiều trong biểu tình 1-5-1975 mừng Việt Nam thống
nhất.
Bên phải: cụ Trần Văn Mạc - Chủ tịch Hội Phụ lão Việt Nam
(Ảnh tư liệu trong cuốn "Chiến dịch Hồ Chí Minh giữa lòng
Paris")
|
Vấn đề lớn nhất đặt ra lúc bấy giờ là tổ chức lại phong trào
Việt kiều cho phù hợp với tính hình mới. Ban Cán sự Đảng và Ban chấp
hành Nhóm Việt ngữ đã tổ chức một đợt nghiên cứu nội bộ về nhiệm vụ, về
tổ chức của phong trào trong tình hình mới và nghiên cứu đề xuất với
Chính phủ một số chính sách mới đối với Việt kiều.
Về nhiệm vụ, chúng tôi nhất trí rằng thời kì từ khi miền Nam hoàn
toàn giải phóng, đất nước thống nhất trở đi là phải huy động đến mức cao
nhất trong cộng đồng người Việt Nam ở Pháp và các nước tôi kiêm nhiệm
đại sứ, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng đất nước trong đó xây dựng kinh
tế là trọng tâm và khả năng quý nhất của cộng đồng về mặt này là khoa
học kĩ thuật.
Do vậy phong trào thời kì mới phải lấy ngọn cờ đại đoàn kết, không
phân biệt quá khứ, không phân biệt quốc tịch, nhằm hướng về Tổ quốc đã
độc lập thống nhất và tùy khả năng từng người, từng tập thể mà góp phần
xây dựng đất nước "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn".
Trên cơ sở đó phải ra sức tập hợp nhanh chóng lực lượng khoa học kĩ
thuật trong cộng đồng, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm của phong trào.
Về tổ chức: Liên hiệp Việt kiều trước đây là một tổ chức mạnh và có
lịch sử hoạt động lâu, nhưng theo tôn chỉ ủng hộ miền Bắc Xã hội chủ
nghĩa, ủng hộ cách mạng miền Nam, hoàn toàn giải phóng, tiến tới thống
nhất nước nhà, do đó cũng có sự hạn chế, vì có một số đông Việt kiều còn
phụ thuộc nhiều vào chế độ Sài Gòn về mặt quản lý hành chính, về mặt
tiếp tế của gia đình, v.v ... rất dễ bị sức ép không dám tham gia Liên
hiệp Việt kiều.
Một số khác còn hiểu sai về Đảng Lao động Việt Nam và còn e ngại Chủ
nghĩa xã hội. Tổ chức mới phải tránh cho những người đó khỏi mặc cảm khi
tham gia, vì vậy Hội Liên hiệp Việt kiều phải cải tổ để trở thành một
mái nhà chung cho mọi nguời Việt Nam.
Chúng tôi đã chủ trương thành lập một tổ chức mới, thành viên gia
nhập không kể quá khứ, không kể quốc tịch, không kể chính kiến, miễn là
người có gốc Việt Nam; và tôn chỉ của tổ chức mới này là đoàn kết tương
thân tương trợ, góp phần xây dựng Tổ quốc và góp phần tăng cường quan hệ
hữu nghị giữa Việt Nam và Pháp (hoặc nước sở tại).
Chính sách trong nước đối với Việt kiều
Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy có một số chính sách mà trong nước cần
xem xét ban hành để phù hợp với nguyện vọng của Việt kiều và phù hợp
với tình hình mới; những vấn đề mà chúng tôi kiến nghị lúc bấy giờ là:
trong nước coi cộng đồng người Việt ở nước ngoài là một bộ phận của dân
tộc Việt Nam, không có sự phân biệt nào về quốc tịch và quá khứ, miễn là
muốn đóng góp xây dựng Tổ quốc Việt Nam thống nhất; có chính sách
khuyến khích trí thức Việt kiều đem tài năng giúp nước dưới mọi hình
thức có thể làm được, có thể về nước hẳn hoặc có thời hạn để giảng dạy,
chuyển giao kỹ thuật, công nghệ, v.v..; có chính sách cụ thể cho Việt
kiều được về thăm gia đình dễ dàng, được hồi hương hẳn, được đối xử như
đồng bào trong nước, không phân biệt và nếu có thể thì có những ưu đãi
nhất định như nhà ở và tiền lương cho các trí thức về nước hẳn, dễ dãi
để người về nước có thể chuyển tài sản về và đăng ký hộ khẩu, v.v..
Trên cơ sở những phân tích như trên, chúng tôi đã chủ trương xúc tiến
chuẩn bị một Đại hội để thành lập Hội người Việt Nam tại Pháp và Liên
hiệp Việt kiều tự hòa mình vào cuộc sống mới.
 |
Biểu tình
1-5-1975 mừng Việt Nam thống nhất (Ảnh tư liệu trong cuốn "Chiến dịch Hồ
Chí Minh giữa lòng Paris)
|
Chúng tôi chọn tên mới của Hội là có ý tránh cho những người trước
đây không tham gia hoặc có thành kiến với Liên hiệp Việt kiều khỏi mặc
cảm, mặt khác đây là tên của Tổ chức đầu tiên của người Việt Nam ở Pháp
do Nguyễn Ái Quốc sáng lập,chỉ đổi chữ An Nam thành Việt Nam cho phù hợp
và cũng không dùng hai từ "yêu nước" để tránh gây mặc cảm, phân biệt
đối xử giữa kiều bào với nhau, giữa người trong Hội và người ngoài Hội.
Các Hội thành viên của Liên hiệp Việt kiều cũ sẽ lần lượt tiến hành
đại hội trước hoặc sau Đại hội thành lập Hội người Việt Nam để định lại
nhiệm vụ và nếu cần thì cũng đổi tên tổ chức, đồng thời cũng xúc tiến
thành lập thêm những hội cần thiết nhưng chưa có và mời các tổ chức Việt
kiều khác trước đây không thuộc Hội Liên hiệp Việt kiều tham gia Hội
người Việt Nam tạo Pháp.
Xúc tiến nhanh việc chia Liên hiệp trí thức ra ba tổ chức mới, trước
hết là Hiệp hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam tại Pháp để sớm tìm ra phương
thức đóng góp về khoa học kỹ thuật cho xây dựng đất nước. Tiếp theo sẽ
thành lập Hiệp hội Khoa học xã hội và Hội y học Việt Nam tại Pháp.
Cuối năm 1975 tôi xin phép về nước để báo cáo và xin chỉ thị về các
chủ trương trên đây, tôi cũng xin được ở lại dịp Tết thăm bộ phận gia
đình ở lại miền Nam sau 20 năm xa cách từ ngày tập kết ra Bắc năm 1955.
Về nước tôi đã báo cáo và làm việc với anh Tố Hữu thay mặt Ban Bí
thư, báo cáo với Trưởng ban Việt kiều Trung ương lúc đó là anh Trần
Quang Huy. Ngoài ra, trong các dịp tôi được gặp các anh Lê Duẩn, Phạm
Văn Đồng, Lê Đức Thọ, Nguyễn Duy Trinh, Trần Quốc Hoàn, v.v... tôi đều
có báo cáo những đề xuất của chúng tôi về chính sách đối với Việt kiều.
Tôi rất mừng là các anh có trách nhiệm trực tiếp giải quyết cũng như
các anh lãnh đạo khác đều có ý tán thành cách đặt vấn đề của chúng tôi
và hầu hết các vấn đề đều được nhất trí, chỉ trừ vài vấn đề cụ thể được
giao cho các cơ quan chuyên môn hữu quan nghiên cứu thêm.
Tôi còn nhớ anh Tố Hữu khi bàn bạc với tôi đã có hai câu nói mà tôi
thấy thú vị. Về đề nghị đổi tên Hội người Việt Nam tại Pháp mà không gọi
là Hội Việt kiều, bằng thứ giọng Huế của nhà thơ, anh nói: "Đổi tên như
rứa là phải, sao lại cứ gọi là Việt kiều, mười lăm năm ấy thân Kiều đã
khổ lắm rồi!".
Khi nói về việc không phân biệt quốc tịch, anh lại nói "Tịch là cái
chiếu, chiếu thì mở ra cuốn lại lúc nào cũng được. Cái quan trọng không
phải là quốc tịch, mà là quốc hồn". Nghe anh Tố Hữu nói, tôi đã liên
tưởng tờ báo "Việt Nam hồn" của anh Nguyễn Ái Quốc năm xưa.
Riêng khi gặp anh Nguyễn Duy Trinh - Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng
Ngoại giao và anh Trần Quốc Hoàn - Bộ trưởng Công an, tôi có nói một
điều tâm tư của tôi là đã chứng kiến nhiều trường hợp Việt kiều mà tôi
biết rõ có nhu cầu bức xúc về nước gấp, mà phải chờ đợi thị thực quá lâu
vì mỗi trường hợp Sứ quán phải báo cáo về nước, được Bộ Công an chấp
thuận mới cấp thị thực.
Vì vậy tôi đã kiến nghị một cách hơi "táo bạo" là xin cho tôi được
quyền cấp thị thực trước rồi báo cáo sau. Sau khi hai anh trao đổi đã
nhất trí cho tôi quyền đặc biệt này và nhờ có việc này mà trong mấy năm ở
Pháp nhiều trường hợp yêu cầu của Việt kiều về thị thực được giải quyết
nhanh chóng và đã để lại trong kiều bào những cảm tưởng tốt đẹp, về sau
bà con vẫn còn nhắc.
Ví dụ có một bác sĩ người Huế đến Sứ quán xin thị thực về nước vì
được điện bố ốm nặng và được chúng tôi cấp thị thực ngay nên về đến nhà
kịp lúc cụ thân sinh hấp hối đang chờ anh về để trăng trối.
(Theo Tuanvietnam.net)