Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ hai, 26/04/2010 08:41
Công an Nhân dân trong sự nghiệp giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước
Cách đây 35 năm, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã kết thúc thắng lợi. Tổ quốc thống nhất, non sông thu về một mối, cả nước đi lên CNXH. Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là kết tinh truyền thống dân tộc và sức mạnh thời đại; là kết quả của quá trình đấu tranh cách mạng kiên cường, anh dũng của toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân ta. Trong thắng lợi vĩ đại đó, có sự đóng góp to lớn của lực lượng CAND.
Bước vào những năm  50 của thế kỷ XX, trước thất bại ngày càng nặng nề, thực dân Pháp buộc phải ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ về lập lại hòa bình ở Ðông Dương. Ðể cứu vãn sự sụp đổ của Pháp, đế quốc Mỹ đã can thiệp ngày một sâu vào Việt Nam, thay chân Pháp, chiếm đóng miền nam nước ta. Ðế quốc Mỹ đã dựng lên chính quyền tay sai Ngô Ðình Diệm và thực hiện chính sách thực dân kiểu mới, hòng phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ, chia cắt hai miền nam - bắc, tiếp tục xâm lược nước ta. Chúng đã thiết lập hệ thống tình báo, gián điệp, cảnh sát đặc biệt, tiến hành khủng bố, đàn áp đẫm máu phong trào cách mạng miền nam và trả thù những người kháng chiến cũ, với chính sách "tố cộng, diệt cộng", "thà giết nhầm còn hơn bỏ sót" rất dã man, tàn bạo. Ðế quốc Mỹ âm mưu trong một thời gian ngắn biến miền nam thành thuộc địa kiểu mới, căn cứ quân sự của Mỹ để ngăn cản làn sóng cách mạng đang tràn xuống Ðông-Nam Á, đồng thời biến miền nam nước ta thành bàn đạp tiến công ra miền bắc và hệ thống XHCN.

Trước tình hình trên, Hội nghị lần thứ 6 BCH Trung ương Ðảng (khóa II) đã xác định: Kẻ thù chính của cách mạng nước ta là đế quốc Mỹ; đồng thời đề ra chủ trương, chiến lược để bảo vệ thành quả cách mạng và chống lại âm mưu thâm độc của địch.

Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Ðảng và Xứ ủy Nam Bộ, tại căn cứ U Minh Hạ, Ban địch tình Xứ ủy được thành lập. Việc thành lập Ban địch tình Xứ ủy Nam Bộ là một mốc lịch sử hết sức quan trọng trong quá trình hoạt động trở lại của lực lượng CAND tại chiến trường miền nam. Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 của BCH Trung ương Ðảng (khóa II) về phương hướng và nhiệm vụ cách mạng miền nam, là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, toàn miền nam nổ ra phong trào "Ðồng khởi", đã giáng một đòn nặng nề vào chế độ Mỹ - ngụy, tạo thế cho cách mạng miền nam phát triển mạnh. Trong xu hướng đó, cấp ủy nhiều địa phương đã chỉ đạo thành lập lực lượng  vũ trang cách mạng. Trước tình hình mới, tháng 7-1960, đồng chí Nguyễn Văn Linh, Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, đã ra chỉ thị thành lập Ban bảo vệ An ninh Xứ ủy, sau đó hệ thống ban bảo vệ an ninh đã được xây dựng ở hầu khắp các địa bàn, từ thành phố, thị xã đến cấp cơ sở. Từ đây lực lượng công an tại Nam Bộ ngày một phát triển, kiện toàn hệ thống tổ chức từ Trung ương đến các khu, tỉnh, huyện và xã, ấp. Lực lượng công an tại miền nam đã chiến đấu kiên cường suốt 15 năm (1960-1975) trên cả 3 vùng chiến lược: rừng núi, đồng bằng, thành thị, góp phần cùng với quân và dân ta phá kế hoạch dồn dân lập ấp chiến lược, bình định, "Phượng hoàng"... của địch, đẩy mạnh diệt ác, phá kìm, mở rộng vùng giải phóng, góp phần xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng. Lực lượng trinh sát và an ninh vũ trang ở miền nam đã cùng quân và dân chiến đấu kiên cường dũng cảm, chống trả quyết liệt những trận càn quét của địch hòng tiêu diệt các cơ quan đầu não của ta. Trong những chiến dịch, những cuộc tiến công và nổi dậy trên phạm vi toàn miền của lực lượng cách mạng miền nam như: Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, chiến dịch Xuân Hè 1972, Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, lực lượng an ninh cách mạng đã giữ vai trò quan trọng trong công tác nắm tình hình, vũ trang chiến đấu, bảo đảm an ninh trật tự vùng mới giải phóng.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, gần 15.000 cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân đã được chi viện cho chiến trường miền nam. Số cán bộ, chiến sĩ được chi viện đã được bổ sung vào Ban An ninh Trung ương Cục miền nam và ban an ninh, ban an ninh điệp báo các địa phương, tập trung ở các địa bàn trọng điểm như: Sài Gòn - Gia Ðịnh, Quảng Trị, Huế, các chiến trường Tây Nguyên, Tây Nam Bộ... cùng các lực lượng tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia cách mạng, chống lại các kiểu chiến tranh của địch ở miền nam; nắm tình hình, tham mưu cho cấp ủy tổ chức lãnh đạo các cuộc đấu tranh giành chính quyền; bảo vệ tuyệt đối an toàn cơ quan Trung ương Cục, các đồng chí lãnh đạo Ðảng, đoàn thể, MTTQ. Cùng với lực lượng vũ trang nhân dân và đồng bào miền nam liên tục nổi dậy, tiến công địch, đánh thắng các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ và tay sai, góp phần làm nên cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước. Trải qua quá trình công tác, chiến đấu và xây dựng lực lượng, lực lượng công an ở Nam Bộ đã phát huy truyền thống đoàn kết, vượt mọi khó khăn gian khổ, hy sinh, lập nhiều chiến công vang dội. Trong những ngày tháng gian khổ, bất chấp mọi thủ đoạn truy lùng, bắn giết của kẻ thù qua các chiến dịch "Tố cộng, diệt cộng", "Dồn dân, lập ấp", "Tát nước, bắt cá"... những cán bộ, chiến sĩ an ninh mặt trận Khu V, Khu VI, mặt trận Tây Nguyên, Nam Bộ... luôn sẵn sàng hy sinh, chịu đựng mọi gian khổ, quyết bám đất, bám dân để xây dựng cơ sở phục vụ kháng chiến. Trong chiến đấu bảo vệ lãnh đạo Trung ương Cục, bảo vệ căn cứ và cán bộ cách mạng, cán bộ, chiến sĩ an ninh mặt trận Trị Thiên, lực lượng vũ trang T4 Ðặc khu Sài Gòn - Gia Ðịnh, lực lượng An ninh Ðông Nam Bộ, Tây Ninh... đã thể hiện phẩm chất sáng ngời của người cán bộ công an   trong kháng chiến. Trên mặt trận chiến đấu của các lực lượng tình báo, nhiều đồng chí đã hoạt động bí mật, âm thầm trong lòng địch, tạo dựng vỏ bọc ở những cơ quan cấp cao nhất của Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn. Nhiều đơn vị, lực lượng khác trong lực lượng công an ở miền nam cũng công tác, chiến đấu quên mình, đóng góp to lớn cho thắng lợi chung như: lực lượng thông tin, cơ yếu, lực lượng vận tải, hậu cần...

Dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Ðảng và Bác Hồ kính yêu, lực lượng công an ở miền bắc đã tiến hành cuộc đấu tranh trấn áp phản cách mạng, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh với các vụ bạo loạn, nổi phỉ ở miền núi, biên giới phía bắc; đã bóc gỡ toàn bộ mạng lưới gián điệp Pháp cài lại; đấu tranh làm thất bại âm mưu, kế hoạch của Mỹ và chính quyền Sài Gòn tung gián điệp, biệt kích ra miền bắc phá hoại, lực lượng công an đã mưu trí sử dụng "trò chơi" nghiệp vụ, câu nhử bắt 78 toán và 463 tên biệt kích với hàng chục tấn thuốc nổ, súng đạn, lương thực và thuốc men. Trên mặt trận bảo đảm trật tự trị an ở miền bắc XHCN, lực lượng CAND đã tích cực tham mưu cho cấp ủy và chính quyền các cấp, phát động mạnh mẽ phong trào quần chúng "Bảo vệ trị an" và "Bảo mật phòng gian" kết hợp với các biện pháp nghiệp vụ, tạo nên thế trận an ninh rộng khắp, thực hiện đúng phương châm của Ðảng đề ra là "giữ bên dưới là chính, giữ bên trong là chính", "quét nhà đón khách". Nhiều địa phương xây dựng phong trào "Bảo vệ trị an" xuất sắc như: Yên Phong (Ninh Bình), Hưng Khánh (Yên Bái), Thanh Bình (Lào Cai) và Quang Chiểu (Thanh Hóa) đã vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi.

Trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ đối với miền bắc, lực lượng công an đã tham gia chiến đấu tích cực, bắn rơi nhiều máy bay địch; tổ chức bảo vệ các cơ quan và các đồng chí lãnh đạo của Ðảng, Nhà nước và nhân dân an toàn; bảo vệ tài sản của Nhà nước, tính mạng và tài sản của nhân dân, bảo vệ thông suốt các tuyến đường giao thông huyết mạch để bảo đảm chi viện sức người, lương thực, thực phẩm, thuốc men, vũ khí, đạn dược cho tiền tuyến. Trong đó có nhiều đơn vị, cá nhân lập công xuất sắc như: CAND vũ trang Ðồn Ròn (Quảng Bình) dùng súng bộ binh bắn rơi máy bay Mỹ; CAND vũ trang Ðồn ChaLo (Quảng Bình); lực lượng Cảnh sát giao thông Thanh Hóa, Quảng Bình dũng cảm bám đường, thông tuyến, bảo đảm huyết mạch giao thông thông suốt; lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy Hải Phòng, lực lượng phòng cháy chữa cháy Công an Hà Nội...

Sau ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, lực lượng công an tiếp nhận nhiệm vụ nặng nề mới, đó là việc tiếp quản, giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng chính quyền cách mạng trên toàn miền nam, cải tạo ngụy quân, ngụy quyền, phát hiện, đập tan mọi âm mưu, hoạt động ngóc đầu, phá hoại của ngụy quân, của các tổ chức phản động trong, ngoài nước; hoạt động xâm nhập gián điệp biệt kích của các tổ chức phản cách mạng, các thế lực thù địch và cuộc chiến  khốc liệt truy quét, tiêu diệt Fulro tại Tây Nguyên... Nhiệm vụ vinh quang, nặng nề đó đã để lại những chiến công hiển hách cùng những cống hiến hy sinh không nhỏ của lực lượng CAND.

Trong cuộc chiến đấu anh dũng chống kẻ thù xâm lược, đối đầu với các cơ quan tình báo, gián điệp của đế quốc Mỹ và tay sai, đã có gần 14.000 cán bộ, chiến sĩ công an trong cả nước anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn. Ghi nhận những thành tích cống hiến đó, Ðảng, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cho 347 đơn vị và 174 cá nhân của cán bộ, chiến sĩ CAND; tặng thưởng nhiều danh hiệu, huân chương, huy chương cho hàng trăm tập thể, hàng nghìn cá nhân trong lực lượng CAND.

Nhìn lại chặng đường chiến đấu vinh quang của lực lượng CAND trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai, có thể rút ra một số vấn đề sau đây:

Một là, trong điều kiện khó khăn gian khổ và ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lực lượng CAND luôn trung thành tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Ðảng. Luôn bám sát và góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của cách mạng trong từng giai đoạn. Sự lãnh đạo của Ðảng đối với CAND trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thể hiện ở việc đề ra nhiệm vụ chiến lược, chỉ ra các loại đối tượng cần tập trung kiên quyết đấu tranh; kết hợp giữa đấu tranh vũ trang với vận động quần chúng, tạo nên thế trận đánh địch vững chắc trên các chiến trường miền nam và công tác bảo vệ an ninh chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội ở miền bắc xã hội chủ nghĩa. Sự lãnh đạo của Ðảng không chỉ là nhân tố quyết định đến thắng lợi của cuộc đấu tranh chống phản cách mạng và bọn tội phạm khác mà còn trở thành nguyên tắc cơ bản chỉ đạo công tác công an ở cả hai miền nam-bắc nước ta. Thực tiễn công tác bảo vệ an ninh trật tự trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cho thấy, nơi nào, lúc nào có sự lãnh đạo chặt chẽ của cấp ủy Ðảng, được các ngành, các giới tham gia tích cực và được quần chúng nhân dân ủng hộ thì kẻ địch dù hoạt động tinh vi, xảo quyệt đến đâu cũng bị thất bại.

Hai là, lực lượng CAND luôn giữ gìn mối quan hệ máu thịt với nhân dân. Vận động, tổ chức và huy động sức mạnh to lớn của nhân dân trong đấu tranh bảo vệ an ninh trật tự phục vụ nhiệm vụ chiến lược của cách mạng. Nhận thức rõ vai trò to lớn của quần chúng trong cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh trật tự, lực lượng CAND luôn biết phát huy sức mạnh tổng hợp trong cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh chính trị và giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Sức mạnh tổng hợp trong cuộc đấu tranh bảo đảm an ninh trật tự thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là sức mạnh của toàn dân được tổ chức thành "tầng tầng lớp lớp mạng lưới an  ninh nhân dân" ở xã, huyện, tỉnh, ở các cơ quan, xí nghiệp, trường học, bệnh viện. "Mỗi người dân đều có nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự, mỗi xóm làng là một pháo đài mà không kẻ địch nào thoát được". Trong mạng lưới tầng tầng lớp lớp đó có sự kết hợp giữa lực lượng nòng cốt, xung kích với sức mạnh rộng lớn của quần chúng, có sự kết hợp lực lượng chuyên trách, chính quy với lực lượng bán chuyên trách và cơ sở quần chúng rộng khắp trên phạm vi cả nước, từng địa phương và từng cơ sở. Ðó là sức mạnh phối hợp giữa các ngành, các đoàn thể quần chúng trong hệ thống chuyên chính vô sản dưới sự lãnh đạo của Ðảng.

Ba là, trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền nam, thống nhất đất nước và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, lực lượng CAND đã thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các lực lượng vũ trang, các ngành, đoàn thể phục vụ chiến đấu, công tác. Mối quan hệ phối hợp này đã thật sự phát huy sức mạnh, đem lại hiệu quả thiết thực, to lớn trong cuộc chiến gay go khốc liệt với quân thù, khẳng định quan hệ gắn bó khăng khít giữa CAND với QÐND và các cơ quan, ban, ngành...

Bốn là, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, lực lượng CAND đã chú trọng và không ngừng hoàn thiện đường lối hoạt động, chiến lược, sách lược, biện pháp đối sách trong chiến đấu chống kẻ thù xâm lược và bè lũ tay sai. Giữ vững bên trong, tích cực phòng ngừa, bảo vệ an toàn cách mạng và chủ động liên tục tiến công tiêu diệt, làm tan rã địch là một sáng tạo, một kinh nghiệm trong cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh trật tự.

Năm là, lực lượng CAND đã vận dụng sáng tạo các chính sách của Ðảng trong cuộc đấu tranh chống phản cách mạng và tội phạm khác, đó là "trấn áp kết hợp với khoan hồng, trừng trị kết hợp với giáo dục cải tạo nhằm phân hóa kẻ thù đến cao độ, cô lập triệt để, đánh mạnh bọn chủ mưu, thủ ác, bọn ngoan cố chống lại cách mạng, khoan hồng với những kẻ bị dụ dỗ, bị lừa phỉnh, bị ép buộc, lầm đường, thưởng cho kẻ lập công chuộc tội, nhằm làm giảm bớt trở lực cho cách mạng và tăng thêm thuận lợi cho đấu tranh bảo vệ an ninh trật tự. Vận dụng sáng tạo chính sách của Ðảng mới có thể đánh trúng, đánh mạnh vào bọn phản cách mạng và bọn tội phạm khác, mới tránh được lệch lạc trong đấu tranh. Bên cạnh đó, lực lượng CAND còn phải vận dụng sáng tạo các chính sách khác của Ðảng như chính sách mặt trận, tôn giáo, dân tộc... vào cuộc đấu tranh nhằm tranh  thủ được mọi lực lượng chĩa mũi nhọn vào kẻ thù chính của dân tộc. Thắng lợi của cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh trật tự trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là kết quả của sự vận dụng sáng tạo các chính sách của Ðảng trong cuộc đấu tranh ở cả hai miền nước ta.

Sáu là, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị góp phần đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, lực lượng  Công an nhân dân đã vừa chiến đấu, vừa thường xuyên củng cố xây dựng lực lượng. Trong đó đã chú trọng giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải tỏ rõ bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Ðảng, với Tổ quốc và với nhân dân. Trong thực tiễn công tác, chiến đấu, lực lượng CAND luôn phải đối mặt với những âm mưu, ý đồ và thủ đoạn nham hiểm của địch và các loại tội phạm, chúng luôn tìm cách tấn công, lôi kéo, mua chuộc, khống chế, khi không được thì đe dọa, tung tin xuyên tạc, nhằm bôi nhọ danh dự, gây nghi ngờ chia rẽ nội bộ, nhằm "vô hiệu hóa" hoạt động của lực lượng CAND. Vì vậy, lực lượng CAND thường xuyên tăng cường công tác tư tưởng và giáo dục chính trị, tổ chức thực hiện có hiệu quả các đợt sinh hoạt chính trị trong toàn lực lượng, nâng cao giác ngộ lý tưởng, rèn luyện ý chí chiến đấu, tinh thần cách mạng tiến công và kỷ luật chặt chẽ trong CAND, kiên quyết đấu tranh chống lại các luận điệu tuyên truyền phá hoại của địch. Các cấp ủy đảng trong CAND chú trọng cả công tác đánh địch và công tác bảo vệ nội bộ, quán triệt nguyên tắc xây dựng lực lượng "vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ". Ðây là nguyên tắc xuyên suốt trong công tác xây dựng lực lượng nói chung, trong công tác đảng và công tác tổ chức, cán bộ nói riêng.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những chiến công oanh liệt và sự hy sinh cao cả của các thế hệ cha anh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc sẽ không bao giờ phai, mãi tô thắm truyền thống cách mạng vẻ vang của Ðảng, của dân tộc và của lực lượng CAND. Phát huy truyền thống quý báu đó, mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân nguyện không ngừng phấn đấu nâng cao bản lĩnh chính trị, sức chiến đấu và năng lực công tác, góp phần đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu,  hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch và các loại tội phạm khác, bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội; thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.




(Theo Nhandan.org.vn)
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)