Tranh luận về giá trị văn học Trung Quốc đương đại
Ông cho biết, Trung Quốc hiện có hơn 100 phóng viên
văn học và hơn 1.000 tiểu thuyết xuất bản mỗi năm.
"Tác phẩm của những nhà văn từng bị chỉ trích nặng
nề như Lương Thật Thu (Liang Shiqiu) và Trương Ái Linh (Eileen Chang)
không những được xuất bản trở lại mà còn trở thành những best-seller",
ông Vương nói.
Theo Chinadaily, vị bộ trưởng, từng là
nhà văn nổi tiếng một thời, không hề lường trước được rằng, những đánh
giá lạc quan của ông về tình hình văn học Trung Quốc lại châm ngòi cho
những tranh cãi gay gắt, cả trong giới văn chương lẫn độc giả.
Hàng chục nhà phê bình văn học nổi tiếng Trung
Quốc, nhân sự kiện này, đã viết bài hoặc phát biểu trên báo chí, thể
hiện sự băn khoăn trước câu hỏi: liệu văn học Trung Quốc có đang ở vào
thời kỳ hoàng kim hay không? Sâu xa hơn, họ còn bàn đến nguyên nhân bùng
nổ những tranh cãi xung quanh việc đánh giá về văn học Trung Quốc hiện
nay.
 |
Minh họa trên tờ China Daily. |
Cách đây vài năm, một cuộc tranh cãi khác cũng
từng gây ồn ào, sau khi nhà Hán học người Đức Wolfgang Kubin gọi những
tác phẩm của các "nhà văn nữ xinh đẹp" như Miên Miên (Mian Mian) và Vệ
Tuệ (Wei Hui) là "rác rưởi".
"Nhà văn Trung Quốc là những kẻ hoàn toàn ngu dốt:
Họ không có kiến văn, không am hiểu về ngôn ngữ, không biết lấy một từ
tiếng Anh nào và càng không hiểu gì về văn học thế giới", Kubin đã nhận
xét như vậy trong một cuộc trả lời phỏng vấn tạp chí Pháp - Books.
Giới văn học tất nhiên không thể im lặng trước
phát biểu của Kubin. Dịch giả người Anh Nicky Harman, chẳng hạn, đã
thẳng thắn bác bỏ quan điểm của nhà Hán học người Đức.
"Nhà văn Hàn Đống viết trên blog của anh những
nhận xét rất sâu sắc và đầy hiểu biết về Garcia Marquez, Murakami và
Kafka. Và tôi thách ai dám nói rằng Hàn Đống và nhiều nhà văn khác không
viết được những trang văn bằng thứ tiếng Trung rất đẹp", Harman viết
trên một trang web văn học của Trung Quốc.
Nhưng cũng không ít độc giả chia sẻ sự đồng tình
của họ với cách đánh giá của Kubin. Trong một cuộc khảo sát mới đây,
trong số hơn 4.000 người tham gia, có 89,9% ý kiến phản đối sự nhìn nhận
lạc quan của Vương Mông và bày tỏ sự thất vọng đối với văn học Trung
Quốc hiện tại.
Cũng như các đồng nghiệp người nước ngoài, giới
văn chương Trung Quốc cũng chia rẽ ý kiến khi bàn đến tình hình văn học
Trung Quốc đương đại.
Giáo sư văn học Đại học Bắc Kinh Chen Xiaoming và
Giáo sư Đại học Thanh Hoa Xiao Ying là hai vị thủ lĩnh của hai nhóm học
giả có quan điểm đối lập nhau.
Chia sẻ với ông Vương rằng, văn học Trung Quốc
đang phát triển tốt, giáo sư Chen nhấn mạnh đến đặc trưng văn hóa và ưu
thế đặc biệt của ngôn ngữ trong các tác phẩm văn học Trung Quốc; đồng
thời có kể đến sự tham khảo và ảnh hưởng của các yếu tố ngoại lai.
Ông chỉ ra 4 tác giả tiêu biểu: Diêm Liên Khoa,
Giả Bình Ao, Lưu Chấn Vân và Mạc Ngôn.
"Đóng góp không thể trộn lẫn của Diêm Liên Khoa là
cách ông xử lý các vấn đề xã hội. Giả Bình Ao và Lưu Chấn Vân lại thể
hiện được sự phức tạp, tinh tế của ngôn ngữ và nghệ thuật kể chuyện
Trung Quốc. Mạc Ngôn là người có khả năng kết hợp các thủ pháp hiện đại
phương Tây với giá trị nghệ thuật cổ điển Trung Hoa cùng những hiểu biết
sâu sắc về vùng đất Cao Mật", Chen viết.
Trong khi đó, Xiao Ying cho rằng: "Văn học truyền
thống Trung Quốc đã bị chi phối bởi các phương tiện điện tử truyền thông
và thị trường thương mại. Nhiều nhà văn tự cách ly khỏi đời sống hiện
thực. Trung Quốc cũng không có nền phê bình văn học độc lập".
Chen Zhongyi, giám đốc Viện Nghiên cứu Văn học
nước ngoài, nhận định, sẽ chỉ có rất ít tác phẩm văn học Trung Quốc
đương đại chịu được sự thử thách của thời gian để trở thành những kiệt
tác kinh điển.
Bất luận các ý kiến khác nhau như thế nào, giới
học giả vẫn cho rằng, tranh cãi là điều có lợi cho đời sống văn học.
"Những cuộc tranh luận cho thấy mối quan tâm đến văn học Trung Quốc và
sự tương tác của nó với văn học phương Tây".
(Theo Evan.vnexpress.net)