 |
Kênh bao Yên Sở đã được nắn dòng, nhưng độ rộng
dòng chảy không bảo đảm cho việc tiêu thoát nước khi mùa mưa đang đến
gần. |
Vô tư xẻ kênh, chặn dòng
Ngày 3-5, có mặt tại điểm thi công nút giao Pháp Vân, PV Hànộimới nhận
thấy, dù con kênh đã được kè nhưng đơn vị thi công cầu đã cày xới, băm
nát, vật liệu xây dựng nằm ngổn ngang. Hàng chục cọc sắt đóng chắn ngang
giữa dòng kênh nên việc tiêu nước phải phá một phần bờ kênh phía phải
nhưng độ rộng dòng chảy vẫn bị hạn chế vì đụng phải đường gom Pháp Vân -
Cầu Giẽ. Ở phía hạ lưu của kênh, trên công trường thi công cống hộp
cũng có hàng ngàn bao tải cát được xếp chình ình giữa kênh cùng hàng
trăm tấm bê tông đúc sẵn chồng lên góp phần làm gia tăng khả năng chặn
dòng chảy. Để thuận lợi cho việc thi công, ở đây, đơn vị thi công đã cho
thu nhỏ và nắn dòng chảy. Công ty TNHH nhà nước một thành viên Thoát
nước Hà Nội cho biết, hiện hệ thống thoát nước của nội thành đi theo 2
đường chính: qua đập Thịnh Liệt ra sông Nhuệ và qua Trạm bơm Yên Sở để
bơm ra sông Hồng. Tuy nhiên, do nước sông Nhuệ quá cạn nên phải đóng đập
Thịnh Liệt để không cho nước thải chảy từ sông Tô Lịch vào sông Nhuệ
gây ô nhiễm nguồn nước. Vì vậy, ở thời điểm này, việc thoát nước của TP
chỉ trông chờ vào kênh Yên Sở bơm đổ ra sông Hồng. Được biết, khi thi
công ở địa điểm này, chủ đầu tư và Công ty TNHH nhà nước một thành viên
Thoát nước Hà Nội đã tính đến vấn đề này nên yêu cầu nhà thầu (Công ty
809 và Công ty Xây dựng cầu 75 thuộc CIENCO 8) phải lắp đặt 2 cống thoát
nước chiều rộng 2m tại bờ trái dòng chảy và đào mương thoát nước chiều
rộng 6m ở bờ phải để bảo đảm dòng chảy lưu thông bình thường. Nhưng qua
quan sát của chúng tôi, đơn vị thi công chỉ làm một mương dẫn rộng chừng
5m đến 7m. "Chưa tính đến chuyện mưa gây úng ngập, việc thoát nước hiện
tại cũng đã gặp phải những cản trở nhất định"- một cán bộ Công ty TNHH
nhà nước một thành viên Thoát nước Hà Nội lo lắng. Theo Xí nghiệp Quản
lý cụm trạm bơm đầu mối Yên Sở, nếu các vi phạm trên không được xử lý
thì toàn bộ quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai sẽ bị úng ngập khi
có mưa to. Tìm hiểu vấn đề này chúng tôi được biết, từ khi kênh Yên Sở
bị xâm hại, nước thải hầu như không chảy trực tiếp về Trạm bơm Yên Sở,
đơn vị thoát nước phải mở đập hồ điều hòa cho nước thải chảy vào đây rồi
dẫn ra trạm bơm (bình thường đóng đập, chỉ khi có mưa xuống mới mở đập
để trữ nước vào hồ, tránh úng ngập cho nội thành). "Ở nhiều thời điểm,
chúng tôi thấy mức chênh lệch cốt nước giữa kênh Yên Sở và hồ điều hòa
lên đến hàng chục centimét"- anh Đặng Văn Dũng (quận Hoàng Mai) cho
biết.
 |
Công trường thi công nút
giao thông Pháp Vân qua kênh bao Yên Sở. Ảnh: Đỗ Chí |
Khắc phục chiếu lệ
Công ty TNHH nhà nước một thành viên Thoát nước Hà Nội đã 2 lần lập biên
bản vi phạm và yêu cầu đơn vị thi công xử lý đúng như đã thỏa thuận ban
đầu, nhưng việc thực hiện rất chiếu lệ. Chị Nguyễn Thị Minh (quận Hoàng
Mai) bức xúc cho biết, từ khi thi công cầu qua nút giao đường Pháp Vân -
Cầu Giẽ, nước thải ở thượng lưu dòng chảy bị ách tắc, khiến ô nhiễm môi
trường càng thêm trầm trọng. Chúng tôi không thể hình dung được đây là
một con kênh huyết mạch thoát nước cho nội thành mà lại bị xâm hại như
vậy. Không hiểu đơn vị thi công có phải vì chạy theo tiến độ hay cố tình
cắt bớt công đoạn để giảm chi phí? Lúc này, nhiều người đã rất lo lắng
việc thoát nước cho nội thành khi mùa mưa đang đến gần, không phải vì
lượng mưa bất thường như thời điểm cuối năm 2008 hay hạ tầng thoát nước
yếu kém mà xuất phát từ những xâm hại tắc trách của công trình xây dựng
gây nên. Trao đổi với PV, ông Nguyễn Lê, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm
Tổng Giám đốc Công ty TNHH nhà nước một thành viên Thoát nước Hà Nội
cho rằng, nước thải của nội thành chảy ra kênh Yên Sở lưu thông khó khăn
bởi dòng chảy bị co thắt ở nhiều điểm khiến mực nước dềnh lên, tạo hiệu
ứng dây chuyền tới toàn bộ hệ thống thoát nước của TP. Để khắc phục
tình trạng trên, theo ông Lê, đơn vị thi công phải lắp đặt 2 cống thoát
nước có chiều rộng 2m tại bờ trái; khơi thông một mương thoát nước có
chiều rộng 6m ở bờ phải; cao trình đáy mương phải bằng với cao trình đáy
kênh bao Yên Sở mới bảo đảm dòng chảy lưu thông bình thường. Trong
trường hợp có mưa lũ lớn, đơn vị thi công phải tháo dỡ các vật cản trên
kênh như cọc sắt, vật liệu xây dựng, bao tải cát, bê tông đúc sẵn… để
tránh cản trở dòng chảy.
Đề nghị các cơ quan chức năng của TP sớm có biện pháp xử lý kiên quyết
để tránh mối nguy úng ngập.
(Theo Hanoimoi.com.vn)