Những người Hà Nội gốc đang ở độ tuổi thất thập, bát thập như tôi vẫn còn nhớ câu cửa miệng ngày nào: “Gốm Bát Tràng, vàng Định Công, đồng Ngũ Xã”.
Câu ấy nói rằng cách đây cả
trăm năm ở vùng ngoại vi của đất kinh kỳ đã có những làng nghề nổi
tiếng. Và cho đến tận giờ, các làng nghề ấy vẫn thức thời trong thời
hiện đại.
Như Bát Tràng, từ một làng nghề làm gạch lâu
đời đã phát triển lớn mạnh cả về qui mô sản xuất và chất lượng sản phẩm,
trở thành một thương hiệu gốm sứ tầm cỡ quốc gia, thu hút cả ngàn công
nhân, giao dịch với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Làng
nghề Bát Tràng nay không chỉ làm gạch xây lát mà còn cho ra lò nhiều sản
phẩm gốm sứ hoa văn cầu kỳ và nước men đẹp được bày bán ở các siêu thị
Mỹ, Nhật, Hàn Quốc và châu Âu. Như Ngũ Xã xưa đình đám với nghề đúc
đồng, thì nay vẫn vinh hoa với những nghệ nhân đúc đồng ấy. Xưa Ngũ Xã
đúc ra các dụng cụ gia đình bằng đồng như nồi, chảo, thau, chậu…, thì
nay nghệ nhân Ngũ Xã giữ nghề truyền thống nhưng thức thời cho ra lò các
sản phẩm bằng đồng rất đẹp chuyên phục vụ việc thờ cúng ở đình, chùa,
đền, miếu như chuông, tượng, đỉnh, lư hương, mâm ngũ quả… Mà nói đến
làng nghề Hà Nội, người ta không thể không kể đến các làng nghề ở xã
Liên Hà (Đông Anh). Ngoài nghề nông, 8 thôn Lỗ Khê, Hà Hương, Hà Lỗ, Hà
Phong, Phù Lỗ, Đại Vĩ, Giao Tác và Châu Phong của xã này đều có nghề
truyền thống như mộc, nề, dệt thảm, thêu ren, sơn mài, sơn then, chạm
khắc, làm bún… Các mặt hàng mỹ nghệ, nhất là tranh sơn mài của Liên Hà
rất được ưa chuộng ở thị trường nội địa và nước ngoài.
Sau khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội đã có thêm hàng
trăm làng nghề thuộc tỉnh Hà Tây cũ. Nào lụa Vạn Phúc, nón Chuông, tương
Cự Đà… Các làng nghề của Hà Nội ấy đang tạo ra nét đẹp văn hóa rất sinh
động, giàu bản sắc trong muôn mặt đời thường của Thủ đô đang chuẩn bị
đón mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.