Nhiều dự án của ngành điện lực Hà Nội đang “tắc”
Để đáp ứng yêu cầu cung cấp điện ngày càng cao cho Thủ đô, đặc biệt trong dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội đang khẩn trương triển khai kế hoạch được giao, tuy nhiên trong quá trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Về vấn đề trên, chiều 5-5, ông Nguyễn Danh Duyên, Giám đốc Ban Quản lý dự án lưới điện Hà Nội-Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội cho biết:
 |
Công nhân ngành điện lực Hà Nội sửa chữa lưới điện
nội thành |
Hiện nay, quỹ đất của thành phố còn rất ít nên trong
quá trình thỏa thuận vị trí trạm và tuyến đường dây đã gặp nhiều khó
khăn, cá biệt có những vị trí nằm không đúng với vị trí dự kiến trong
tổng sơ đồ lưới điện được phê duyệt. Do đó, ngành điện lực phải xin cấp
có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh quy hoạch kết dây. Mặt khác, các thủ
tục, hồ sơ để được cấp đất phải xin thỏa thuận qua nhiều cấp nên kéo dài
thời gian thực hiện. Có những vị trí trạm được giới thiệu ở khu vực xa
đường giao thông hiện có hoặc nằm sát đường quy hoạch chưa được xây
dựng nên khi thực hiện dự án gặp nhiều khó khăn trong việc làm đường
vào thi công và vận hành, làm tăng kinh phí dự án.
Ví dụ dự án xây dựng trạm biến áp (TBA) 110kV Gia Lâm 2
cách đường giao thông 800m, dự án xây dựng TBA 110 kV Thường Tín và
nhánh rẽ cách đường hiện có 150m; đáng chú ý dự án xây dựng TBA 110kV Mỹ
Đình nằm tại ngã ba đường quy hoạch nối khu đô thị Mỹ Đình-Mễ Trì với
Trung tâm Thể thao Quốc gia nhưng đến thời điểm này đường quy hoạch vẫn
chưa được thực hiện. Đối với các dự án của ngành điện mang tính chất
phục vụ dân sinh và lợi ích công cộng khi xin cấp đất chỉ để sử dụng xây
dựng trạm, đặt các thiết bị phục vụ việc cấp điện ổn định cho khu vực
chứ không sinh lời nhưng khi ngành điện thực hiện công tác GPMB đã bị
người dân đòi hỏi chủ đầu tư phải hỗ trợ thêm ngoài chính sách quy định
của thành phố…
Trong công tác đền bù GPMB thi công đối với các tuyến
dây cải tạo, các tuyến cáp ngầm 110kV, 220 kV cũng gặp những khó khăn
tương tự. Có một thực tế là hiện nay phụ tải nhiều khu vực trên địa bàn
thành phố đang phát triển rất mạnh, lưới điện khu vực hiện không đáp ứng
nhu cầu sử dụng điện trong khi ngành điện lực đã đầu tư xây dựng cơ sở
hạ tầng, trạm biến áp mới nhưng chưa thể đưa vào khai thác do có khó
khăn về tuyến đường dây cấp điện cho trạm. Đơn cử trạm biến áp 110 kV
Trôi, huyện Hoài Đức đã xây dựng xong nhưng chưa thể vận hành được do
thiếu tuyến đường dây 110 kV cấp điện cho trạm. Nguyên nhân là do chưa
có mặt bằng nên ngành điện chưa thể xây dựng, lắp đặt tuyến dây trên.
Để tháo gỡ, giải quyết những khó khăn vướng mắc, ông
Nguyễn Danh Duyên cho rằng đối với việc xin cấp đất và GPMB kiến nghị
với thành phố có cơ chế riêng, ưu tiên cho các dự án của ngành điện lực.
Khi phê duyệt quy hoạch các khu đô thị và các khu công nghiệp tập
trung, thành phố nên có dự phòng quỹ đất sạch cho việc xây dựng các trạm
biến áp và đường dây cấp nguồn theo tổng sơ đồ lưới điện đã được duyệt
để Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội đầu tư xây dựng TBA và đường dây cung
cấp điện cho khu vực.
Để đảm bảo tiến độ cung cấp điện và hoàn thành dự án
xây dựng một số tuyến đường dây trung thế cấp điện cho các khu công
nghiệp tập trung của thành phố đi qua các xã ngoại thành do đặc điểm
đường dây dài, sử dụng nhiều cột bê tông, mỗi vị trí cột chỉ chiếm dụng
chưa đến 1m2 đất nên nếu làm đầy đủ các thủ tục xin giao đất cho từng vị
trí cột sẽ mất nhiều thời gian, đề nghị thành phố chỉ đạo để ngành điện
lực không phải xin thành phố quyết định cấp đất cho các vị trí móng cột
mà được kết hợp với chính quyền địa phương thỏa thuận đền bù với các hộ
dân, đơn giá đền bù dựa trên đơn giá hiện hành của UBND thành phố và
đơn giá của các dự án liền kề đang thực hiện trên cùng địa bàn.
(Theo Anninhthudo.vn)