Điện Biên Phủ giữa lòng Hà Nội
Mỗi chiếc xe đạp thồ có thể chở tới 300kg lương
thực, đạn dược... phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.
Dấu
ấn của mốc son vàng chói lọi ấy không chỉ ở chính mảnh đất lịch sử Điện
Biên, mà còn ở ngay giữa lòng thủ đô Hà Nội thông qua những hiện vật
được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
Bảo
tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam hiện trưng bày hơn 500 hiện vật gắn với
chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Năm 2004, Bảo tàng tiếp nhận một tài
liệu cực kỳ quan trọng mà theo nhận định của Thiếu tướng Lê Mã Lương,
Giám đốc Bảo tàng là quý hơn vàng, đó là một tấm bản đồ lấy được của
địch. Tấm bản đồ này được vẽ chi tiết hơn đến 100 lần so với các tấm bản
đồ có trước đó, được coi như “con mắt” để những người lính pháo binh
hiệu chỉnh nòng pháo và chọn vị trí đặt pháo.

Trưng
bày khẩu súng của Phan Đình Giót, Huân chương của Bế Văn Đàn và các
hiện vật khác
Nhờ
nắm được chi tiết về địa hình, địa vật khu vực Mường Thanh, mà pháo
binh của ta đã bắn chính xác vào cứ điểm của địch trong đợt 2, đợt 3
chiến dịch, rút ngắn thời gian chiến đấu cũng như những tổn thất về
người và của.
Tấm
bản đồ quý giá đó đã theo Đại đoàn trưởng Đại đoàn Công - pháo 351 Đào
Văn Trường đi khắp các trận địa pháo trong những ngày ác liệt nhất. Ông
Trường năm nay đã 93 tuổi, là người còn sống duy nhất cho đến nay trong
số 5 Đại đoàn trưởng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Tài liệu quan
trọng này được ông trân trọng như một bảo vật và trao lại cho Bảo tàng
nhân dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Và đây cũng là một
trong 17 hiện vật của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam được đề cử làm
Bảo vật quốc gia.

3
khẩu súng bắn tỉa
Ngoài
tấm bản đồ, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam hiện đang trưng bày và
lưu giữ rất nhiều hiện vật quan trọng khác liên quan tới chiến dịch Điện
Biên Phủ như: Bộ bàn ghế gỗ sử dụng trong cuộc họp của Bộ Chính trị ở
chiến khu Việt Bắc khi quyết định chủ trương quân sự Đông Xuân
1953-1954; Chiếc xe đạp thồ của dân quân; Áo trấn thủ của Anh hùng Tô
Vĩnh Diện mặc lúc cứu pháo; Chiếc đàn được văn công sử dụng để phục vụ
bộ đội; Chiếc bát gỗ của nhân dân dùng khi chăm sóc cho thương binh…
Những
hiện vật ấy tuy giản dị, đơn sơ nhưng đã khẳng định sự chung sức, đồng
lòng của toàn đảng, toàn quân và toàn dân ta. Cả một dân tộc đã ra trận
để làm nên Điện Biên Phủ chấn động địa cầu.

Hiện
vật của chiến dịch Điện Biên Phủ trong phòng trưng bày
Sau
56 ngày đêm "khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt. Máu trộn bùn non,
gan không núng, chí không mòn", quân và dân ta đã toàn thắng ở mặt trận
Điện Biên Phủ, làm nên một chiến thắng vang dội toàn thế giới. 56 năm
sau, hào khí của những giây phút lịch sử ấy vẫn sục sôi để tiếp sức cho
thế hệ hôm nay và mai sau trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
(Theo Baomoi.com)