Thứ sáu, 07/05/2010 09:16
Những hành vi làm hoạt động du lịch “mất điểm”
Mới đây, Báo CATP đăng bài nêu nguyên nhân khiến du lịch ở nước ta kém tăng trưởng, du khách nước ngoài một đi không trở lại là sự yếu kém của hệ thống giao thông, sự nghèo nàn sản phẩm du lịch. Thực ra, không chỉ “Tây” mà ngay khách ta cũng chẳng mấy ai muốn trở lại những nơi đã làm mình thất vọng, cho dù họ vẫn muốn “người Việt dùng hàng Việt”. Chúng tôi thấy ngoài hai nguyên nhân trên thì còn là cách hành xử của con người, sự nhếch nhác, mất vệ sinh... tại các điểm du lịch đã làm mất điểm kinh doanh du lịch.

Bến thuyền suối Yến (Hà Nội)
Đã từng đến chùa Hương (Hà Nội) nhưng trong hai năm liền
(2008 - 2009), người viết bài đã trở lại nơi này để làm “hướng dẫn viên
không lương” và lần nào cũng “mất cảm tình” về chuyện phơi phóng, hàng
quán, rác rến từ bến thuyền trên suối Yến đến cổng chùa Thiên Trù và dọc
đường lên động. Tình trạng đó cũng xảy ra tại nhiều nơi khác. Tháng
4-2008, tỉnh Ninh Bình rầm rộ tổ chức tuần du lịch nhưng tại nhiều điểm
du lịch, người ta phơi đủ thứ quần áo, chăn chiếu. Mới đây, khi đến thác
Dray Sap ở tỉnh Đắc Nông, chúng tôi thấy đầy rẫy bao bì, vỏ chai các
loại từ trên bờ đến mặt nước. Đặc biệt, tại những nơi tổ chức lễ hội thì
rác càng nhiều hơn, như thể ở đâu có lễ hội thì ở đó phải có rác, kể cả
những lễ hội tầm cỡ như lễ hội đền Hùng ở Phú Thọ hay lễ hội dinh Cô ở
Long Hải, Festival diều quốc tế ở Vũng Tàu. Có một hình ảnh khá “ấn
tượng”: ngày 21-3-2010, trên đường từ Tây nguyên trở về theo quốc lộ 14,
đến gần cầu số 2 thị xã Đồng Xoài, chúng tôi thấy một bãi rác không nhỏ
“chặn” ngay trước cổng chào có dòng chữ “Chào mừng quý khách đến với lễ
hội quả điều vàng Việt Nam - Bình Phước năm 2010 !” Rác “lền khên” ở
điểm du lịch, nơi tổ chức lễ hội là do du khách và dân địa phương vứt bỏ
bừa bãi nhưng một phần cũng do những “nhà tổ chức” thiếu tổ chức, không
thu dọn kịp thời. Tệ hại hơn, cũng có chuyện nhân viên ở khu du lịch
làm gương xấu cho du khách. Tháng 3-2009, khách du lịch tận mắt chứng
kiến nhân viên khu du lịch thác Cam Ly, TP. Đà Lạt dọn rác trên bờ và
thản nhiên quăng xuống mặt nước để dòng nước cuốn đi!
Tại nhiều điểm du lịch, khách sạn, nhà hàng, cửa hàng, những người làm
du lịch, kinh doanh hình như không được đào tạo đến nơi đến chốn nên
thiếu linh hoạt, thiếu cả sự tươi tắn và rất ít người biết nói lời cám
ơn du khách đã sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp họ. Không rõ có phải là
“cái số mình nó thế” hay không mà hầu hết những lần ở khách sạn, sử dụng
dịch vụ, lúc “thanh lý hợp đồng”, chúng tôi đều không nhận được lời cám
ơn, cũng chẳng hề nghe được câu “hẹn ngày tái ngộ”; thậm chí nhiều lần
chúng tôi cố ý không chào tạm biệt cũng chẳng được nhân viên dịch vụ du
lịch chào một câu xã giao làm... thuốc. Kiểu “tiết kiệm lời” này của
người kinh doanh du lịch làm du khách chẳng có gì phải vấn vương cái nơi
mà họ mất cảm tình đồng thời khiến cho những chữ “Chào mừng du khách
đến với...” và “Hẹn ngày trở lại”... trên cổng chào, bảng viết ở cửa ngõ
các tỉnh, thành phố trở thành... đồ thừa.
Chuyện đeo bám, chèo kéo, “chặt chém” du khách và các cách xử sự khác
của dân địa phương cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý du khách nhưng
chẳng mấy nơi không có. Một lần, trên đường đi bằng xe máy đến chùa
Hương, chúng tôi được “hộ tống” từ thị xã Phủ Lý, tỉnh Hà Nam (cách chùa
Hương vài chục cây số). Dù đã được thông báo là dọc đường chúng tôi còn
dừng lại nhiều nơi, anh bạn “đồng hành bất đắc dĩ” đó vẫn không chịu bỏ
cuộc. Ngay tại TPHCM, đã có lực lượng thanh niên xung phong làm nhiệm
vụ hỗ trợ du khách, song chỉ là ở khu vực trung tâm thành phố, còn ở nơi
khác khách đi lẻ vẫn phải tự lo thân. Mới đây, tôi đang chụp ảnh ở công
viên Văn Lang (quận 5) thì một cậu con trai bước đến xin “cho hai nghìn
để ăn cơm”. Đã định cho tiền nhưng thấy cậu ta phì phèo hút thuốc, tôi
quyết định từ chối khéo. Thế là cậu ta đứng chặn, thậm chí còn cầm cả
cây chổi vung qua vung lại ngay phía trước ống kính máy ảnh và tuyên bố
“chú không cho tiền thì... không đi”! Là dân “Sài thành” chính tông và
là nhà báo đang tác nghiệp hẳn hoi, đứng trước tình cảnh đó tôi còn ái
ngại thì nói gì đến du khách. Đó là chưa kể những trường hợp móc túi,
trộm cắp, cướp giật tài sản của du khách.
Nhân đây, chúng tôi cũng xin nói thêm, không rõ có phải các bảo tàng
lịch sử, di tích lịch sử đều bán vé hay không, nhưng có những nơi như
thế, trong đó có bảo tàng lịch sử Việt Nam ở Hà Nội, di tích nhà tù Sơn
La, di tích chiến thắng Điện Biên ở thành phố Điện Biên Phủ... Thậm chí,
khi trình vé vào bảo tàng lịch sử, chúng tôi còn được nhân viên ở đây
bảo phải mua thêm vé máy ảnh hoặc gửi ở bên ngoài. Tiền vé vào bảo tàng,
di tích không đáng là bao so với khoản chi cho cả chuyến đi nhưng du
khách mất hứng khi phải mua vé và trình vé... Nhiều người cho rằng không
nên bán vé vào bảo tàng lịch sử, di tích lịch sử (do nhà nước quản lý)
nhằm thu hút khách tham quan và quảng bá về lịch sử dân tộc Việt Nam,
góp phần làm bớt đi cái “nghịch cảnh” người Việt Nam không hiểu biết sử
Việt Nam.
Người ta bỏ tiền ra đi du lịch là để “mua vui”. Mong rằng những điều
không hay nêu trên sẽ không còn, để “vui lòng khách đến, vừa lòng khách
đi”.
(Theo Baomoi.com)
|