Thứ sáu, 07/05/2010 09:18
Vĩnh biệt thi sĩ của “Bên kia sông Đuống”: Người đi, tình ở lại
Vẫn biết đã đến "phút thứ 89 của đời người" (như cách ví của những người bạn Hoàng Cầm) thì tin nhà thơ của “Bên kia sông Đuống”, "Lá diêu bông" ra đi vẫn cứ khiến lòng ta thương xót lắm. Hoàng Cầm đã khép lại trang cuối cùng của cuộc đời vào sáng qua (6-5) tại Hà Nội sau những ngày đau yếu; để lại khối tình mênh mông rất riêng của ông, cái tình thi sĩ cao cả dẫn lối để Hoàng Cầm "Mơ mộng. Học, tìm, mơ mộng, rồi lại học, lại tìm, tìm mãi cái Đẹp, cái Thật, cái Thiện"…
Biết bao thế hệ bạn đọc Việt Nam đã say mê, đã nao nao trước hình ảnh
dòng Đuống “nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ”. Người đã
nâng niu dòng Đuống, kể câu chuyện đầy cảm xúc về Kinh Bắc, về đất nước
một thời ấy là thi sĩ Hoàng Cầm. Tên thật của ông là Bùi Tằng Việt, ghép
từ tên nơi ông sinh ra: xã Phúc Tằng, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.
Ngày sinh của Hoàng Cầm cũng thật đặc biệt, 22-2-1922.
Cái tên Hoàng Cầm (tên một vị thuốc quý) có từ khi dựng vở Hậu Nam quan,
là một bút danh nhưng cuối cùng đã trở thành chính danh của thi sĩ họ
Bùi. Nhưng ông cũng còn những bút danh khác như Lê Thái, Lê Kỳ Anh, Bằng
Phi mà có thể không nhiều người biết tới.
Người của vùng Kinh Bắc ấy (quê gốc của ông ở Song Hồ, huyện Thuận
Thành, tỉnh Bắc Ninh) là thi sĩ với đầy đủ ý nghĩa của hai từ này. Luôn
mang trong mình cái tình trẻ mãi không già; nó khiến ông để lại dấu ấn
không thể phai mờ trong lòng bạn đọc. Hội Nhà văn Việt Nam ghi rõ:
“Hoàng Cầm dịch sách từ năm 1940, tham gia Việt Minh từ 1944. Hoạt động
văn nghệ quân đội trong những năm kháng chiến chống Pháp. Từng là Trưởng
đoàn Văn công Tổng cục Chính trị, Ủy viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam”.
Hoàng Cầm không chỉ là một nhà thơ, đúng hơn ông là tác giả với trái tim
thơ đã làm nên nhiều công trình văn học, sân khấu để đời. Chỉ nhìn vào
chừng hơn chục tác phẩm chính đã xuất bản của ông, có thể cảm nhận được
khối tình mênh mông ấy. Đó là: Hận ngày xanh (phóng tác theo La Martine,
1940); Tỉnh giấc mơ vua (phóng tác theo Nghìn lẻ một đêm, 1942); Hậu
Nam quan (kịch thơ, 1944); Ông cụ Liêu (kịch nói, 1952); Tiếng hát quan
họ (Trường ca, in chung trong tập Cửa biển, 1956); Mưa Thuận Thành (Thơ,
1991); Lá diêu bông (Thơ, 1993); Bên kia sông Đuống (Thơ chọn lọc,
1993); Kiều Koan (kịch thơ, 3 hồi, 1995).
Hoàng Cầm đã ra đi, nhưng tình còn ở lại, đậm đà trong những tác phẩm
văn chương; trong những ký ức đẹp với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, bạn
đọc yêu quý ông. Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán, người chụp ảnh Hoàng
Cầm từ cuối những năm 1980 và gần gũi với ông lâu nay, đang phải thực
thi nhiệm vụ thật buồn - tìm một bức ảnh vừa ý về Hoàng Cầm để làm ảnh
tiễn đưa ông.
Hội Nhà văn Việt Nam cũng đang cùng gia đình chuẩn bị cho lễ viếng Hoàng
Cầm, thi sĩ của “Bên kia sông Đuống”, “Lá diêu bông”. Giờ đây, lại thấy
vọng về những chia sẻ giản dị, nhưng là chắt chiu từ cả đời cầm bút của
ông: “Mơ mộng. Học, tìm, mơ mộng, rồi lại học, lại tìm, tìm mãi cái
Đẹp, cái Thật, cái Thiện. Trung thực với bản ngã, dần dần tự tạo ra
phong cách thơ riêng, thế giới thơ riêng, không vay mượn lặp lại người
khác, không tự mãn, cố gắng không lặp lại mình”.
(Theo Hanoimoi.com.vn)
|