Hà Nội lấy ý kiến mức học phí mới
 |
Nâng học phí để tăng đầu tư cho giáo dục |
Thu học phí theo 3 nhóm đối tượng
Thông báo về tiến trình xây dựng Đề án học phí mới, ông
Nguyễn Hữu Độ cho biết, Sở đã phối hợp với Cục Thống kê tổng hợp kết
quả điều tra mức thu nhập bình quân của hộ gia đình ở các vùng miền để
đưa ra xây dựng mức học phí khác nhau. Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, việc xây
dựng đề án này dựa trên nguyên tắc học phí và chi phí học tập được xác
định không vượt quá 5% thu nhập bình quân hộ gia đình ở mỗi vùng. Phần
chi phí còn lại, ngoài sự đóng góp của người dân bằng học phí sẽ do Nhà
nước đảm nhận nhằm bảo đảm chất lượng giáo dục tối thiểu.
Đề án này được chia thành 4 nhóm đối tượng đóng học
phí, trong đó nhóm 1 là học sinh có gia đình sống ở các quận, thị xã,
nhóm 2 là học sinh có gia đình sống ở các huyện Gia Lâm, Thanh Trì, Từ
Liêm, Đông Anh, Hoài Đức, nhóm 3 là học sinh có gia đình sống ở các
huyện còn lại. Nhóm 4, đồng thời cũng là những đối tượng không phải đóng
học phí là học sinh có gia đình sống ở các xã miền núi và 3 xã giữa
sông.
Phân chia thành 3 nhóm phải đóng học phí, dự thảo Đề án
học phí mới quy định với cấp học mầm non ở nhóm 3 là 62.000 đồng, nhóm 2
là 115.000 đồng, nhóm cao nhất là 209.000 đồng. Mức thu thấp nhất ở cấp
THCS là 10.000 đồng, cao nhất là 143.000 đồng. Ở cấp THPT, mức thấp
nhất là 22.000 đồng, cao nhất là 143.000 đồng… Mục tiêu của việc xây
dựng Đề án học phí với các mức nói trên là để bảo đảm công bằng trong
giáo dục, tạo điều kiện cho học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn sẽ
đóng học phí ở mức thấp nhất và những nơi không có điều kiện thu nhập
thì con em họ cũng không phải bỏ học vì không có tiền đóng học phí.
Cũng theo Sở GD-ĐT, mức thu học phí dự kiến này được
tính tương đương mức chi trả khả thi cho một học sinh đi học, chiếm
khoảng 5% thu nhập hộ gia đình, trừ đi chi phí học tập khác cho một học
sinh. Mức chi trả khả thi và mức học phí được tính dựa trên mô hình gia
đình bình quân có 4 người, trong đó có 2 con đi học mầm non hoặc phổ
thông. Chi phí học tập khác bao gồm chi phí cho SGK, vở viết, dụng cụ
học tập và một phần cho quần áo, giày dép…
Không thu thêm khoản nào ngoài học phí
Mức học phí hiện hành được xây dựng từ năm 1998 chưa
được thay đổi cho phù hợp với chi phí giáo dục hiện nay khi các chỉ số
giá cả tiêu dùng tăng tới 1,95 lần, mức lương tối thiểu cũng đã được
điều chỉnh tới 5 lần. Với hạn chế về khoản thu học phí, không ít trường
đã bị phản ánh bởi các khoản thu ngoài quy định, chưa minh bạch, gây bức
xúc trong phụ huynh, học sinh. Hà Nội được coi là một trong những đơn
vị đầu tiên trong cả nước chủ động xây dựng một mức thu học phí mới được
cho là đã bao gồm mọi khoản thu để phục vụ cho việc học tập của học
sinh theo chương trình chính khóa. Với nguyên tắc này, hầu hết các
trường đều đồng tình bởi các trường không cần phải đứng ra thu thêm các
khoản thu khác.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến băn khoăn về việc xây dựng
mức học phí phải xác định rõ được vai trò và mức chi từ nguồn ngân sách.
Ngân sách phải là nguồn thu chủ yếu của các trường mầm non và phổ thông
công lập đại trà, học phí chỉ là một phần đóng góp của người dân để
chia sẻ chi phí giáo dục với Nhà nước. Ông Nguyễn Hữu Độ cho biết, ban
soạn thảo sẽ tiếp thu những ý kiến đóng góp, hoàn thiện đề án và lấy ý
kiến dư luận trước khi trình HĐND thành phố vào tháng 7 tới để có thể
kịp thời áp dụng từ năm học 2010-2011 đến năm học 2012-2013 nếu được phê
duyệt. Mức thu này cũng có thể được điều chỉnh từ năm 2014 tùy theo
điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của thành phố.
(Theo Baomoi.com)