Chuyện ngày xưa của Tô Hoài
Trong gần 500 trang sách, ông rủ rỉ với bạn đọc tất cả chuyện trên trời dưới đất, chuyện qua các đời, từ con người sống chung với con hổ, con gà, con kiến, con trâu tới chuyện ông bụt, ông trời và những cô tiên...
Bìa sách Chuyện ngày xưa -
Một trăm cổ tích
|
Trẻ con nào cũng thích nghe cổ tích từ bà từ mẹ, nhưng
nghe rồi thấm đẫm, rồi hoà tan chúng vào máu thịt để viết thành những
áng văn bay bổng, đầy cuốn hút thì khó ai qua được nhà văn Tô Hoài.
Nói về sự gắn bó giữa ngòi bút của mình với “chuyện
ngày xưa”, Tô Hoài kể: “Khi tôi biết cầm bút thì những chuyện ngày đêm
ám ảnh vẩn vơ này cứ tự nhiên là những chuyện trước nhất tôi viết ra.
Tôi viết cho tôi đọc chơi, có chuyện tôi đem ra gửi toà báo ngoài Kẻ
Chợ. Tuần báo chuyên văn sử Nước Non của ông Trần Trung Viên đã in của
tôi truyện Ông Dầu bà Dầu và truyện Ông Thánh Chú”…
Trong gần 500 trang sách, ông rủ rỉ với bạn đọc tất cả
chuyện trên trời dưới đất, chuyện qua các đời, từ con người sống chung
với con hổ, con gà, con kiến, con trâu tới chuyện ông bụt, ông trời và
những cô tiên... Những trang sách đầy bí ẩn, khơi gợi trí tưởng tượng,
mơ mộng qua giọng kể Tô Hoài còn dẫn dắt trẻ con tới những cắt nghĩa tồn
tại, sinh sôi, tới lòng tin và nghị lực và nhất niềm tin ở lòng tốt
muôn thuở trong con người.
Đọc Chuyện ngày xưa – Một trăm cổ tích, ta
nhận thấy mỗi câu chuyện, mỗi nhân vật của ông dù hoang đường đến đâu
đều thấm đượm ý nghĩa đời người, con người. “Nỗi niềm than thở hay ngàn
vạn ước mong đều vẫn nảy nở từ trong tấm lòng nhân nghĩa và đức tính lam
làm cùng với nụ cười thật hóm, thật duyên và phóng khoáng mọi nhẽ”, Tô
Hoài viết.
Cũng trong tập sách này, tác giả Dế Mèn phiêu lưu
ký còn tiết lộ rằng, nhiều tác phẩm khác của ông đều được lấy cảm
hứng từ thế giới cổ tích, như Đảo hoang (được gợi hứng từ Mai
An Tiêm và quả dưa đỏ) hay Nhà Chữ (từ truyền thuyết về Chử
Đồng Tử)…
Thời trẻ nhà văn còn có bút danh là
Vi Liên (Liên là tên của nhà văn khi mới sinh được ông ngoại đặt cho.
Còn chữ Vi là bóng dáng một truyện ngắn mang tên “ Bông hoa rừng” của
Trường Xuân. Còn cái bút danh Tô Hoài là chữ ghép từ tên sông Tô Lịch
với phủ Hoài Đức quê hương ông. Những người làm sách đã thể hiện sự chăm
chút trên từng trang sách qua sự in ấn và trình bày rất trang trọng,
các minh hoạ màu đẹp và phù hợp với trẻ thơ. |
(Theo Baomoi.com)