Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ năm, 20/05/2010 08:47
'Phạt triệt để, ý thức người tham gia giao thông sẽ nâng lên'
"Việc áp mức xử phạt gấp đôi chưa thể khiến tình hình giao thông của Hà Nội chuyển biến ngay, nhưng nếu làm triệt để thì ý thức của người dân sẽ được nâng lên", Thiếu tướng Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc công an Hà Nội trao đổi với VnExpress.net, chiều 19/5.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Nhanh. Ảnh: Xuân Tùng

- Từ 20/5 Hà Nội sẽ đồng loạt ra quân xử phạt vi phạm giao thông với mức gấp đôi theo nghị định 34. Ông kỳ vọng gì vào đợt ra quân này?

- Việc tăng mức xử phạt là ý tưởng của công an Hà Nội từ rất lâu và đã đề xuất nhiều lần với Chính phủ. Tuy nhiên, để giải bài toán giao thông của Hà Nội không chỉ có xử phạt mà cần rất nhiều biện pháp khác. Việc áp mức xử phạt gấp đôi chỉ là một trong những giải pháp chứ chưa thể khiến giao thông của Hà Nội chuyển biến ngay.

Khi nào Hà Nội có tàu điện ngầm, hệ thống giao thông công cộng và ý thức người tham gia giao thông giống như châu Âu... thì giao thông mới tốt được. Tuy nhiên, tôi tin nếu các lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông làm triệt để thì sẽ góp phần làm giảm ùn tắc, tai nạn giao thông và ý thức của người tham gia giao thông sẽ được nâng lên.

- Theo Nghị định 34, người chở trẻ em trên 6 tuổi không đội mũ bảo hiểm sẽ bị xử phạt. Cảnh sát căn cứ vào đâu để xác định độ tuổi trẻ em?

- Cảnh sát sẽ kiểm tra giấy tờ, hỏi bố mẹ để biết độ tuổi của trẻ. Thực tế cũng không tránh khỏi những trường hợp quên giấy tờ, hoặc cha mẹ phụ huynh cố tình nói dối... Nếu làm triệt để cảnh sát phải giữ người lại để xác minh.

Tuy nhiên, ở đây cũng có vấn đề là trong điều kiện nắng nóng 38-39 độ C, cháu bé đang trong giờ đi học thì không nhất thiết phải xử lý máy móc. Tùy theo tình hình có thể cảnh sát nhắc nhở nghiêm khắc phụ huynh để con vi phạm.

- Vào giờ cao điểm, tại các ngã tư có rất nhiều trường hợp vi phạm giao thông nhưng cảnh sát không xử lý. Tại sao lại có hiện tượng trên, thưa ông?

- Trong giờ cao điểm dòng xe đi lại rất đông cho nên CSGT phải tập trung vào việc phân luồng, giải tỏa ùn tắc. Trong những lúc như thế, nếu CSGT tập trung bắt giữ phương tiện thì việc phân luồng không đảm bảo dễ dẫn đến ùn tắc.

Vì thế, công an thành phố yêu cầu CSGT vào giờ cao điểm tập trung hướng dẫn phân luồng là chính, nhưng nếu phát hiện những trường hợp vi phạm nghiêm trọng sẽ kiên quyết xử lý.

Cảnh sát sẽ xử phạt cao gấp đôi tại 10 quận nội thành của 
Hà Nội. Ảnh: Xuân Tùng

Cảnh sát sẽ xử phạt cao gấp đôi tại 10 quận nội thành của Hà Nội. Ảnh: Xuân Tùng

- Nhiều người dân phàn nàn CSGT thường chặn bắt những trường hợp vi phạm là phụ nữ, trung niên... trong khi nhiều thanh niên đi xe tay ga SH, PS... không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ gây nguy hiểm lại bị bỏ qua?

- Tôi rất tâm đắc với ý kiến của thượng tướng Lê Thế Tiệm, Thứ trưởng Bộ công an. Nếu là tội phạm thì các lực lượng cảnh sát đang làm nhiệm vụ phải truy bắt đến cùng nhưng những lỗi vi phạm ở mức ít nghiêm trọng hơn thì không nhất thiết phải truy đuổi vì như thế sẽ xảy ra rất nhiều hậu quả. Khi truy đuổi sẽ xảy ra 2 trường hợp: cảnh sát có thể hy sinh hoặc khiến người tham gia giao thông bị thương do người trốn chạy sự truy đuổi đâm phải.

Với những trường hợp thanh niên con nhà giàu đi xe phân khối lớn SH, PS... chạy với tốc độ cao không đội mũ bảo hiểm không cần thiết phải truy đuổi. Cảnh sát có nhiều biện pháp khác để giải quyết, như sử dụng camera ghi hình, nhớ biển số xe.... sau này sẽ xác minh xử lý. Như vậy sẽ an toàn cho xã hội.

- Thời gian qua xảy ra nhiều vụ chống đối, hất cảnh sát lên capo. Theo ông, CSGT nên làm gì trong những tình huống này?

- Tôi đã đi nhiều nước châu Âu và thấy rằng hầu như không có việc đôi co hoặc chống đối khiến cảnh sát nhảy lên capo. Thứ nhất là luật của họ rất nghiêm, thứ hai là ý thức chấp hành giao thông của người dân rất cao. Cách đây một tháng tôi đi trên đường Pháp Vân, một xe ben phóng tốc độ cao lao thẳng qua dải phân cách để quay đầu xe. Tôi ghi nhớ biển số và yêu cầu đội CSGT gần đó truy đuổi và phạt lái xe 1,4 triệu đồng. Sau này, tôi được biết, do điểm quay đầu xe khá xa nếu tuân thủ pháp luật thì sẽ tốn thời gian, xăng. Ý thức tham gia giao thông như vậy theo tôi là không thể chấp nhận được.

Trong quá trình đào tạo tại trường, CSGT đã được huấn luyện cách đối phó với các tình huống chống người thi hành công vụ nhưng trong quá trình thực thi nhiệm vụ có muôn hình vạn trạng. Có những cán bộ, chiến sĩ khéo léo có thể giải quyết được vụ việc mà vẫn giữ an toàn cho bản thân. Vấn đề ở đây có thể chỉ là thái độ ứng xử với người vi phạm.

- Với khung phạt được nâng lên, nhiều người e ngại sẽ gia tăng tình trạng nhũng nhiễu, nhận hối lộ của lực lượng cảnh sát. Công an Hà Nội có biện pháp gì để hạn chế tình trạng trên?

- Chúng tôi có rất nhiều biện pháp như: lập đường dây nóng, thanh tra của ngành, các đợt kiểm tra đặc biệt, xử lý thông tin tố cáo của dân, phản ánh của báo chí. Tuy nhiên, người dân phải có ý thức chấp hành pháp luật, không nên vi phạm giao thông, rồi lại tạo điều kiện cho cảnh sát tiêu cực bằng cách đưa tiền. Còn những trường hợp cảnh sát nhũng nhiễu, nếu bị phát hiện dứt khoát sẽ bị xử lý nghiêm.

Chúng tôi cũng đang đề nghị Chính phủ cho phép nâng mức bồi dưỡng khi làm nhiệm vụ để cảnh sát yên tâm khi làm việc, hạn chế tình trạng nhũng nhiễu và hạch sách người dân.
 
 
 
 
 
(Theo Vnexpress.net)
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)