Hằng năm, các cấp hội phụ nữ đều tổ chức tập huấn "Đẩy mạnh CVĐ Học tập
và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", "Tư tưởng tấm gương đạo đức
Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu",
"Sửa đổi lối làm việc", "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa
cá nhân"… tới toàn thể cán bộ chuyên trách, báo cáo viên cơ sở. Từ đó,
các chi hội, tổ phụ nữ tổ chức hàng ngàn cuộc tuyên truyền cho hơn 1,5
triệu lượt hội viên. Phụ nữ sôi nổi tham gia các buổi sinh hoạt, tọa
đàm, kể chuyện, viết về Bác, thảo luận và đăng ký cho bản thân và gia
đình làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nhiều quận, huyện đã chủ
động triển khai các biện pháp tuyên truyền sâu rộng, có sức lan tỏa.
Diễn đàn Kể chuyện làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, phong trào
Tuần lễ vàng tiết kiệm vì phụ nữ nghèo, tiết kiệm trong việc cưới, việc
tang, báo công dâng Bác… đã lôi cuốn các tầng lớp phụ nữ Thủ đô.
 |
Hội viên Hội LHPN thành phố Hà Nội đi bộ, quyên
góp ủng hộ phụ nữ nghèo. Ảnh: Nhật Nam |
Cùng với việc cụ thể hóa nội dung CVĐ
thành các chỉ tiêu thi đua hằng năm để chỉ đạo trong các cấp hội, Hội
LHPN Hà Nội đã lồng ghép phong trào thi đua với các nhiệm vụ trọng tâm:
Giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc, giải quyết việc làm, giữ gìn vệ
sinh môi trường, phòng chống tệ nạn xã hội, xóa đói giảm nghèo… Bên cạnh
đó, Hội còn lồng ghép những tiêu chuẩn về đạo đức, lối sống theo tấm
gương Bác Hồ trong đăng ký thực hiện phong trào "Phụ nữ Thủ đô tích cực
học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc", tạo
được khí thế thi đua và ý thức phấn đấu cho từng hội viên. Nhờ vậy, CVĐ
đã đi vào các nội dung cụ thể, sát với hoạt động của các cấp hội, giúp
hội viên nhận thức sâu sắc về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của CVĐ.
Nhiều mô hình theo gương Bác
Không ngừng tu dưỡng và rèn luyện theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh,
phụ nữ Thủ đô ứng dụng nội dung CVĐ vào từng công việc cụ thể, phù hợp
với hoàn cảnh và môi trường công tác, học tập, lao động của mình. Qua 3
năm triển khai CVĐ, nhiều mô hình làm theo tấm gương của Bác đã xuất
hiện. Tiêu biểu nhất là các mô hình tạo thói quen tiết kiệm trong mỗi
gia đình, cá nhân như mô hình "lợn nhựa", "ống tre", "Quỹ phiên chợ
nghĩa tình"... của phụ nữ các quận, huyện thu được gần 54 tỷ đồng; phong
trào tiết kiệm điện ở Ứng Hòa, Đống Đa, tiết kiệm 13.500 KW điện; vận
động tiết kiệm trong lễ cưới, lễ tang (quận Hà Đông)…
Chị Triệu Thị Lương (51 tuổi, người dân tộc Dao, ở thôn Hợp Sơn, xã Ba
Vì, huyện Ba Vì) cho biết, hình ảnh Bác vô cùng giản dị, gần gũi với gia
đình chị, làm nghề trồng rừng, nhận thầu chăm sóc vườn quốc gia. Tuy
hoàn cảnh khó khăn, con đông, năm 1995, vợ chồng chị nhận nuôi bé Dương
Thị Quỳnh, 3 tuổi. Chị tâm sự: "Thấy cháu có hoàn cảnh khó khăn, bố bỏ
đi, mẹ ốm đau, một nách nuôi 3 con nhỏ. Tôi rất thương cháu. Tuy mình
vất vả hơn, nhưng cháu có cơ hội được học hành". Gần đây, chị lại nhận
nuôi cụ Trần Thị Chẩn, 93 tuổi, cô đơn. Chị cười: "Nuôi trẻ, nuôi già
đều vất vả, khó nhọc. Bác Hồ dạy phải tương thân tương ái. Mình thấy cụ
Chẩn, bé Dương đều đáng được yêu thương, nên mình coi như người nhà".
Chị luôn tâm niệm, làm như vậy là đã thực hiện theo lời dạy của Bác.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Hợi (sinh năm 1947, ở Sóc Sơn), tấm gương của
Bác luôn chiếu sáng mọi hành động, suy tư trong cuộc đời bà. Thời trẻ,
bà là y tá một đơn vị TNXP. Vâng lời bác dạy "Lương y như từ mẫu", bà
vượt qua mọi khó khăn, nguy hiểm, luôn hoàn thành nhiệm vụ. Năm 1970, về
quê, chồng mất sớm, bà vượt khó nuôi dạy 2 con. Là Trưởng ban Công tác
nữ cựu TNXP huyện Sóc Sơn, bà luôn nhủ: Mình phải gương mẫu, đưa tập thể
nữ cựu TNXP gương mẫu về mọi mặt. Ba năm nay, chị em đã có nhiều mô
hình sáng tạo giúp đỡ hội viên thoát nghèo. Tùy theo hoàn cảnh gia đình,
mỗi lần đi chợ, các chị tiết kiệm khoảng 1 ngàn đến 10 ngàn đồng, xây
dựng Quỹ phiên chợ nghĩa tình. Dần dần, mô hình quỹ được nhân lên ở hàng
chục tập thể, có hàng trăm triệu đồng hỗ trợ phụ nữ nghèo trong huyện.
Năm 2008, sau quá trình nghiên cứu, phụ nữ cựu TNXP huyện Sóc Sơn thực
hiện mô hình nuôi giun quế. Vốn ít, dễ làm, tận dụng được lao động người
già, trẻ em, mô hình nuôi giun quế đã nhanh chóng lan ra nhiều xã, giúp
hội viên cải thiện đời sống gia đình một cách bền vững. Liên tục sáng
tạo, mới đây, các chị xây dựng mô hình nuôi thỏ tại 8 hộ gia đình. Bước
đầu, các chị đã cung cấp thực phẩm sạch cho các gia đình, cửa hàng nhỏ.
Nhờ hoạt động hiệu quả, 80% chị em đã tự nguyện tham gia các mô hình
phát triển kinh tế, tương trợ lẫn nhau. Đến nay, quỹ của các chị đã có
hơn 300 triệu đồng, liên tục bổ sung vốn (vay không lãi) cho hội viên,
giúp phụ nữ nghèo, hỗ trợ người khuyết tật. Qua 3 năm thực hiện CVĐ, đã
có 17/30 gia đình hội viên thoát diện nghèo. Bà Hợi tâm niệm: "Chúng tôi
luôn thấm nhuần lời dạy của Bác "tương thân tương ái", tích cực tuyên
truyền, thực hiện những việc nhỏ để làm việc lớn, giúp đỡ hội viên phát
triển kinh tế, xây dựng đời sống no ấm, văn minh".
Chị Đỗ Thị Huyền, Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật huyện Từ Liêm cũng
là một tấm gương sáng làm theo lời Bác. Bị liệt hai chân từ nhỏ, chị đã
phấn đấu hoàn thành chương trình đại học, hiện là Phó ban Tài chính của
Học viện Tài chính. Chị còn đoạt học bổng thạc sĩ của Quỹ Ford, điều
hành nhiều dự án hỗ trợ người khuyết tật. Theo chị, tấm gương lớn của
Bác đã giúp chị vững bước vượt mọi khó khăn. Kiên trì từ việc nhỏ đến
việc lớn, thành công đã đến với chị.
Tự giác học tập, rèn luyện theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã trở
thành nhu cầu tự thân của nhiều tầng lớp phụ nữ Thủ đô, thành động lực
thúc đẩy chị em phát huy tài năng sáng tạo, đóng góp công sức cho sự
nghiệp đổi mới Thủ đô và đất nước.
(Theo Hanoimoi.com)