Vào dịp này, người làng lại hàn huyên cùng nhau cái thưở cụ
Nguyễn Đình Khánh khai trương hiệu ảnh Khánh Ký ở phố Hàng Da (năm
1892), sau ông mở thêm hiệu ảnh ở Nam Định. Thợ giúp việc cho cụ toàn
người trong dòng họ làng Lai Xá. Cửa hàng Khánh Ký có lúc lên tới vài
chục người vừa học vừa làm, hình thành nên một đội ngũ những người thợ
ảnh, mà người hướng dẫn, đào tạo là cụ Nguyễn Đình Khánh. Vì thế, người
dân làng Lai Xá từ đó tới nay vẫn tôn thờ cụ Nguyễn Đình Khánh là ông tổ
nghề ảnh của làng. Hiệu ảnh Khánh Ký không những là cái nôi đào tạo
thợ ảnh trong làng, ngoài nước, mà còn tạo cho mình một nét riêng trong
cách chụp ảnh chân dung, ảnh thờ. Đó là chụp toàn thân, mặt hướng thẳng,
ngồi ghế hai tay đặt trên đầu gối xoè đủ 10 ngón tay, rõ mặt rõ hình,
trăm năm sau vẫn không phai ố, khiến con cháu suốt đời bày tỏ được tấm
lòng hiếu nghĩa. Một thời nét riêng ấy đã được đặt tên: "kiểu chụp chân
dung Khánh Ký".

Cụ Nguyễn Đình Khánh (x) và những thợ ảnh
người làng Lai Xá. |
Cụ Nguyễn Đình Khánh
ngoài kinh doanh ảnh, đào tạo nhiều thợ ảnh, còn là một nhà yêu nước,
tích cực tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Nhưng sau bị lộ, cụ
phải lánh sang Pháp mở hiệu ảnh ở Toulouse (1910-1911). Sau đó cụ còn mở
một hiệu ảnh nữa trên đại lộ Malesherbe ở Paris (1911-1912). Bức ảnh
Tổng thống Pháp Raymond Poincare do Khánh Ký chụp đẹp nhất, được tờ báo
Illustration chọn in trên trang bìa. Nhờ đó cụ nổi tiếng, hiệu ảnh ngày
càng đông khách, làm ăn phát đạt. Sau Cách mạng Tháng Tám, cụ Nguyễn
Đình Khánh có ý định trở về quê hương sinh sống. Nhưng ý định chưa thành
thì cụ đột ngột qua đời (31/5/1946), lúc đó cụ 72 tuổi. Trong chuyến
thăm Pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1946, mặc dù vô cùng bận rộn,
song Bác đã dành thời gian đến thắp hương viếng mộ cụ Nguyễn Đình Khánh,
là người có công giúp đỡ Bác trong những ngày đầu Bác đặt chân lên đất
Pháp hoạt động cách mạng.
Ông Đặng Tích người làng Lai Xá, hiện
lưu giữ rất nhiều tư liệu và hình ảnh của cụ Nguyễn Đình Khánh và các
chủ hiệu ảnh người làng Lai Xá. Ông kể: "Từ sau 1892 trở đi, người dân
Lai Xá nối tiếp nhau mở các hiệu ảnh hầu khắp các tỉnh, thành trên dọc
dài đất nước từ Lào Cai đến Bến Tre. Khoảng giữa thế kỷ 20 là thời kỳ
các hiệu ảnh Lai Xá phát triển mạnh nhất, cả nước có tới 150 hiệu và
khoảng 2.000 người làng làm ảnh. Tập trung đông nhất ở Hà Nội, có 34
hiệu ảnh, Sài Gòn và các tỉnh phía Nam có 35 hiệu ảnh, Hải Phòng có 16
hiệu… Đặc biệt, những hiệu ảnh của người Lai Xá thường được đính kèm chữ
"Ký" hoặc "Lai" như: An Ký, Thịnh Ký, Thiện Ký… hay Phúc Lai, Mỹ Lai,
Đan Lai…".
Với nét đặc thù của làng nghề nhiếp ảnh, người làng cứ
phải đi tứ tán tới các tỉnh, thành phố để làm nghề, cho nên mãi tới
ngày 26/1/2000, những cựu thợ ảnh Lai Xá mới tập hợp, họp bàn và lập ra
được Ban làng Nghề, cụ Nguyễn Doãn Ứng (nguyên chủ hiệu ảnh Kim Lai)
được cử làm Chủ tịch. Giờ đã là 10 năm. Nhưng suốt thời gian ấy, bằng
tình yêu quê hương và ý thức trách nhiệm, Ban làng nghề cùng dân Lai Xá
đã đồng tâm hiệp lực mở được lớp dạy nghề nhiếp ảnh Nguyễn Đình Khánh ở
Lai Xá với giáo viên là các nhà nhiếp ảnh có trình độ, kinh nghiệm và
tâm huyết của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Hà
Nội (năm 2002). Năm 2003, họ có CLB nhiếp ảnh Nguyễn Đình Khánh. CLB có
28 thành viên, sau 7 năm hoạt động giờ đã có 2 người là hội viên Hội
Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam, 6 người là hội viên Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Hà
Nội. Chính trong năm này, Lai Xá cũng vinh dự được nhận danh hiệu làng
nghề.
Ông Đặng Tích không giấu được niềm tự hào của người Lai Xá:
"Hiện phố Lai có 8 hiệu ảnh của người làng, riêng hiệu ảnh Sơn Hà của
ông Nguyễn Minh Nhật ở phố Lai còn có 5 cửa hiệu vệ tinh của các con ông
nằm rải rác quanh vùng". Thật mừng cho người Lai Xá, mừng cho một làng
nghề truyền thống của Thăng Long - Hà Nội.