Đừng dùng lăng kính người lớn khi viết cho thiếu nhi
 |
Một số đầu sách của Alpha Books ra mắt phục vụ các em thiếu nhi nhân dịp 1/6(Ảnh minh hoạ) |
Tuổi thơ hiện lên trọn vẹn và đầy đủ trong từng cốt truyện, từng bài thơ đẹp như tranh. Nhớ lại những bài thơ “thần đồng” Trần Đăng Khoa viết khi anh còn ở trong tuổi thơ của mình, tất cả đều lấp lánh một màu huyền diệu. Đọc những tác phẩm như vậy, bất cứ ai cũng trở nên trong trẻo và hồn nhiên hơn...
Trong sáng là “thương hiệu” của văn học thiếu nhi
Nhiều người lớn muốn tìm lại sự bình yên, thanh lọc suy nghĩ bộn bề của đời sống hằng ngày khi đọc những sáng tác dành cho thiếu nhi. Không lạ khi thấy một phụ nữ trung niên, một bác ngoài thất thập say sưa bên những trang sách chỉ dành cho lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng. Họ đọc say sưa, khúc khích cười, cuốn theo những diễn biến của cốt truyện. Như Dế mèn phiêu lưu ký một thời; Cái Tết của mèo con, những bài thơ trong Góc sân và khoảng trời của Trần Đăng Khoa... Tất cả những sáng tác ấy không có tuổi, vĩnh cửu cùng thời gian vì sự trong sáng trong từng câu văn, tứ thơ. Ngôn từ dùng hồn nhiên, dung dị và rất “thiếu nhi”.
Văn học Việt Nam thì vậy, nhìn sang văn học thế giới, “thương hiệu” trong sáng của văn học dành cho thiếu nhi vẫn là “phong cách chung” được sử dụng ở hầu khắp những tác phẩm nổi tiếng đã đi vào lịch sử. Như Không gia đình nổi tiếng, Những cuộc phiêu lưu của Tôm Xoi-ơ, rồi Bu-ra-ti-nô...
Và mới đây nhất, Anne tóc đỏ dưới chái nhà xanh của nhà văn L.M. Montgomery vừa được Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn ấn hành. Những dẫn dắt câu chuyện hồn nhiên, như lối kể của trẻ em khi trò chuyện với bạn mình. Vô lo, vô nghĩ. Tác giả đặt mình trong lăng kính của cô bé mười một tuổi đến khi trở thành thiếu nữ mười sáu tuổi. Một Anne Shirley quyến rũ và vui nhộn truyền cảm hứng về tình yêu cuộc sống mãnh liệt cho những người thân yêu sống quanh cô. Thực chất, chính là tác giả đã đóng vai nhân vật chính của mình để làm trong trẻo bạn đọc.
Nhưng cũng chỉ những tác phẩm văn học đích thực dành cho trẻ em mới đạt được độ truyền cảm như vậy. Khi đọc những tác phẩm này, người đọc cũng hòa nhịp cùng suy nghĩ, lo lắng, cảm xúc của lứa tuổi thiếu nhi trong từng câu chuyện. Nhiều tác phẩm viết cho thiếu nhi dù được giải quốc tế vẫn đang gây tranh cãi về sự không phù hợp trong phong cách viết, ngôn ngữ diễn tả “người lớn hóa” những suy nghĩ của thiếu nhi. Và như vậy, những tác giả, tác phẩm ấy đã làm giảm bớt sự trong sáng của văn học thiếu nhi.
Đừng sử dụng lăng kính người lớn để viết cho thiếu nhi
Rất nhiều tác phẩm viết cho thiếu nhi hiện nay đã không giữ được nguyên vẹn thương hiệu “trong sáng”. Đơn cử như tập truyện Người mẹ và con quỷ do một NXB vừa ấn hành.. Ngoài bìa đề rõ Truyện thiếu nhi, nhưng cách hành văn, lựa chọn cốt truyện, câu từ trong từng truyện đều không phù hợp với sự ngây thơ của bạn đọc nhỏ tuổi. Đọc những câu văn, như: “Trái tim người mẹ chết lặng bên đứa con trai. Nó không bị cắt chân, cụt tay như hai thằng bé chọc lỗ dế...”, hay “Một đứa đâm xéo thanh sắt xiên vào lỗ, bảo thằng kia bê mảng bê tông của chiếc thánh giá vỡ trên gõ thật mạnh vào đầu cây sắt “Xiên cho nó chết đi !” – thằng ấy bảo bạn như vậy, thấy rõ chất văn đầy bạo lực, mô tả những hành động mạnh không khác trong những truyện viết về đề tài ma dành cho người lớn...
Để ra ngoài những yếu tố in ẩu, lỗi mô-rat cẩu thả với vô vàn những chữ thiếu dấu, đánh máy sai, ngay cả cách tiếp cận lăng kính trẻ thơ trong những truyện được gắn mác “truyện thiếu nhi” của tác giả cũng không hề phù hợp với bạn đọc thiếu nhi. Nếu không muốn nói, đây có thể coi là một tập truyện nhiều hình ảnh và ngôn ngữ “kinh dị”. Đề tài về quỷ, phù thủy, thần thánh được khai thác trong những truyện ngắn, nhưng các nhân vật từ chính đến phụ đều sử dụng cách diễn đạt hoàn toàn không mấy trong sáng. Có cảm giác, tác giả ép mình viết về thiếu nhi trong khi lăng kính nhìn chủ đề hoàn toàn là của người lớn.
Gấp lại tập truyện thiếu nhi không phù hợp với phần bìa thiết kế chỉ nhìn thôi đến người lớn cũng sợ, tôi chợt nhớ tới những câu thơ thanh khiết, trong trẻo của nhà thơ Trần Đăng Khoa vào năm 1966. Rồi lại nghĩ, cũng khó có thể cầu toàn khi người sáng tác cho thiếu nhi là người lớn. Sẽ có được tác phẩm ý nghĩa dành riêng cho thiếu nhi nếu những tác giả sáng tác văn học cho thiếu nhi gột rửa được hoàn toàn lăng kính người lớn để hóa mình thành nhân vật trong sáng tác thiếu nhi của mình.
(Theo Baovanhoa.vn)