Hạn hán chưa qua, lại lo bão lũ
 |
Năm 2010 là năm đầy khó khăn cho sản xuất nông
nghiệp |
Khó khăn chồng chất
Năm 2010 được đánh giá là một năm đầy khó khăn đối với
sản xuất nông nghiệp. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhận định,
nông dân cả nước phải trải qua một vụ Đông Xuân hết sức khó khăn, một vụ
Đông Xuân ấm (nền nhiệt độ cao), thiếu nước nghiêm trọng trên diện
rộng, cùng với đó là sâu bệnh phát triển ngoài dự báo của ngành nông
nghiệp, đặc biệt ở miền Bắc. Cụ thể như, khu vực đồng bằng sông Hồng có
7/10 tỉnh, thành phố bị nhiễm dịch bệnh trên lúa, với hơn 28.000ha,
trong đó 22ha bị mất trắng. Trong khi đó, vụ Hè Thu (ở miền Trung) và vụ
Mùa ở miền Bắc theo dự báo sẽ tiếp tục phải đối mặt với tình trạng khô
hạn đầu mùa vụ, ngập úng về cuối mùa vụ.
Ông Bùi Minh Tăng - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng
thủy văn Trung ương cho biết, nhiệt độ trung bình 5 tháng đầu năm 2010
luôn đạt mức cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) và xu hướng này sẽ kéo
dài hết năm 2010. Bên cạnh đó, kể từ đầu năm đến nay, cả nước đã phải
trải qua 5-6 đợt nắng nóng trên diện rộng, với nền nhiệt độ lên cao nhất
đạt 41-42 độ C. Và dự báo từ nay đến cuối mùa nóng (kéo dài hết tháng
7), cả nước sẽ còn phải chịu 4-5 đợt nắng nóng gay gắt trên diện rộng
nữa.
Trong khi nắng nóng đến sớm, thì tình trạng khô hạn cục
bộ lại diễn biến nghiêm trọng. Theo ông Tăng, lượng mưa trong 5 tháng
đầu năm có nơi thiếu hụt tới 60-70% so với TBNN. Bên cạnh đó, dù đã có
một số trận mưa xảy ra song lượng mưa phân bố không đều, rải rác, không
đảm bảo phục vụ phát điện tại các hồ thủy điện. Ông Tăng cho hay, hiện,
mực nước hồ Hòa Bình, Tuyên Quang và Sơn La đều xấp xỉ mực nước chết.
Mặc dù vào cuối tháng 5 vừa qua đã có lũ tiểu mãn, song lưu lượng về các
hồ chỉ đạt 1.000m3/s, lại diễn ra trong thời gian rất ngắn, bởi vậy, xu
hướng của các hồ từ nay đến giữa tháng 6 sẽ tiếp tục cạn kiệt. “Chưa
năm nào khô hạn lại xảy ra khốc liệt như năm nay, với lượng mưa thấp kỷ
lục và đến muộn như vậy” - ông Tăng nhận định. Thường TBNN, vào tháng 5,
tháng 6, cả nước đã bước vào mùa mưa. Mặt khác, TBNN, chỉ tháng 3 đến
tháng 4, khu vực Thái Bình Dương đã bắt đầu xuất hiện bão, nhưng năm
nay, đã sang tháng 6 song vẫn chưa thấy dấu hiệu của bão xuất hiện.
Đầu mùa lo hạn, cuối mùa lo úng
Ông Tăng cho biết, số lượng bão, áp thấp nhiệt đới
trong năm nay vẫn hoạt động ổn định, nhiều hơn mức TBNN, tức khoảng 6-7
cơn. “Bão năm nay sẽ xuất hiện tập trung vào cuối mùa, cường độ mạnh
hơn, dồn dập hơn và có thể thường xuyên xuất hiện bão đôi. Do đó, khu
vực Bắc Trung bộ mưa sẽ tập trung vào khoảng từ tháng 7 đến tháng 9, có
thể kéo dài sang đầu tháng 10. Bởi vậy, Bắc bộ và Bắc Trung bộ sẽ tiếp
tục khô hạn ở đầu vụ mùa nhưng lại lo đối phó ngập úng vào cuối vụ” -
ông Tăng nói.
Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An Nguyễn Văn Lập cho
biết, vụ Đông Xuân Nghệ An gieo cấy trên 86.000ha thì có hơn 17.000ha bị
khô hạn, nhiễm mặn nặng. Trong khi đó, vụ Hè Thu đã đến, song, nông dân
vẫn phải chờ nước mới có thể gieo cấy. Theo ông Lập, vụ Hè Thu Nghệ An
dự tính gieo cấy khoảng 50.000ha, song đến nay mới được 13.000ha, diện
tích còn lại phải chờ mưa lấy nước. “Nếu từ nay đến 20-6 trên địa bàn
Nghệ An không có mưa to từ 100mm trở lên, thì hầu hết diện tích gieo cấy
vụ Hè Thu có nguy cơ bỏ không. Hầu hết các hồ chứa trên địa bàn tỉnh,
lượng nước hiện chỉ còn từ 20-40%, nếu gieo cấy muộn hơn thì chắc chắn
sẽ mất mùa vì bão lũ” - ông Lập lo lắng.
Tương tự, tỉnh Thanh Hóa vụ Đông Xuân vừa qua cũng phải
đối mặt với hạn hán và mặn xâm nhập nghiêm trọng trên diện tích
25.000ha. Ông Nguyễn Xuân Sang - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Thanh Hóa
băn khoăn, trong khi lượng nước dự trữ trên địa bàn tỉnh dần cạn kiệt
thì mưa lại ít, gần như trong tháng 5, trên địa bàn tỉnh không có mưa
to. “Hạn hán không những gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp mà còn
khiến cuộc sống sinh hoạt của bà con bị ảnh hưởng. Mặn hóa xâm nhập,
nước sản xuất khan hiếm, nước sinh hoạt cũng chật vật” - ông Sang cho
biết. Mặt khác, vụ Hè Thu, trong khi cần phải đẩy nhanh tiến độ mùa vụ
để kịp thu hoạch trước mùa lũ thì hiện tại, nông dân không có nước để
tiến hành gieo cấy.
Trước những khó khăn trên, tại cuộc họp trực tuyến với
các tỉnh, thành về kế hoạch triển khai vụ Hè Thu sáng qua 2-6, Bộ trưởng
Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, các tỉnh, thành cần căn cứ vào dự
báo về khô hạn, mưa lũ để chủ động gieo cấy trong vụ tới. Đặc biệt,
phải đẩy nhanh khung thời vụ để hạn chế tối đa tình trạng bỏ lúa chín
ngoài đồng vì bão, lũ.
(Theo anninhthudo.vn)