 |
Nạo vét, khơi thông dòng chảy trên sông Tô
Lịch. Ảnh: Đàm Duy |
Có chuyển biến nhưng chưa rõ nét
Khi đề án được HĐND TP thông qua, UBND TP Hà Nội đã có nhiều cuộc họp và
triển khai mạnh mẽ đến các sở, ban, ngành và địa phương. Tuy nhiên, đến
nay kết quả đạt được vẫn không rõ nét. Ông Phạm Văn Khánh, Phó Giám đốc
Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cho biết, đến nay đã có 3 cơ sở
được chứng nhận ra khỏi danh sách các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng, 4
cơ sở đã được hướng dẫn và đang xem xét, thẩm định để đưa ra khỏi danh
sách. Hiện nay, còn duy nhất Bệnh viện Đa khoa Đống Đa chưa xây dựng
xong trạm xử lý nước thải. Sở Y tế lý giải nguyên nhân là do có sự thay
đổi về địa điểm đặt trạm và thay đổi công nghệ xử lý nên đến tháng
3-2010, UBND TP Hà Nội mới có văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư ngừng
dự án cũ chuyển sang dự án mới. Sở đang làm thủ tục trình thành phố phê
duyệt báo cáo đầu tư.
Đó chỉ mới là một trong những phần việc được đặt ra trong đề án. Tình
trạng ô nhiễm sông, hồ ở nội thành vẫn là vấn đề gây nhiều bức xúc. Với
việc xử lý khẩn cấp một đoạn đầu nguồn sông Tô Lịch để phục vụ Đại lễ kỷ
niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, hiện tại đã có 3 đơn vị nộp hồ sơ
đăng ký tham gia thử nghiệm là Công ty Dịch vụ Anders, Công ty cổ phần
Xanh, Viện Hợp tác châu Âu, châu Phi và Mỹ La tinh phối hợp với Trung
tâm Tư vấn công nghệ môi trường. Sở TN-MT đang tổng hợp để báo cáo UBND
TP Hà Nội. Trong phần việc này, chỉ có kết quả thí điểm xử lý ô nhiễm
nước tại 7 hồ đạt kết quả khả quan. Thành phố đã chọn phương án công
nghệ của Công ty cổ phần Xanh và Viện Hóa học để nhân rộng trên 6 hồ
trong năm 2010.
Hàng loạt phần việc như xử lý nước thải khu công nghiệp tập trung, xử lý
nước thải y tế, nước thải làng nghề, giảm thiểu ô nhiễm không khí do
bụi và khí thải giao thông đều có chuyển biến nhưng cũng chưa rõ nét.
Trong khi đó, ở ngoại thành, rác thải nông thôn cũng trong tình trạng
tương tự, một số huyện, xã đã có mô hình thu gom rác thải nhưng việc đổ
rác bừa bãi và chôn lấp chưa hợp vệ sinh vẫn tồn tại.
Phải quyết liệt, tập trung
Ông Phạm Văn Khánh, Phó Giám đốc Sở TN-MT thừa nhận, đến nay
khối lượng công việc còn rất nhiều, cần sự tham gia tích cực của các
ngành, các cấp và toàn xã hội. Theo ông Phạm Văn Khánh, nguyên nhân
chính của sự chậm trễ nêu trên do một số sở, ngành, quận, huyện chưa
quan tâm đúng mức đến công tác bảo vệ môi trường; một số chương trình,
dự án thực hiện chậm. Sự phối hợp giữa các ngành, các cấp chưa chặt chẽ.
Đặc biệt, cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập, thủ tục đầu tư quá phức
tạp khiến cho tiến độ thực hiện các dự án chậm.
Về việc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo vẫn chưa nạo vét
toàn tuyến sông Nhuệ mặc dù Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo đã có chỉ
đạo từ năm ngoái. Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh yêu cầu: Khẩn trương nạo
vét toàn tuyến, khơi thông dòng chảy để bảo đảm thoát nước đề phòng mưa
lớn trong mùa bão lũ. Đồng thời Sở NN&PTNT có trách nhiệm phối hợp
chặt chẽ với các địa phương giải quyết, xử lý dứt điểm, kiên quyết những
trường hợp lấn chiếm đất đai hai bờ sông Nhuệ. Phó Chủ tịch UBND TP
nhấn mạnh, phải xử lý kiên quyết, dứt điểm những vi phạm về đất đai dọc
hai bờ sông Nhuệ.
Không hài lòng trước tình trạng xe chở đất, cát không tuân thủ quy định
gây bụi bẩn khắp phố phường, Phó Chủ tịch yêu cầu lực lượng chức năng
phạt nặng những trường hợp vi phạm và sẽ phạt lũy tiến với trường hợp cố
tình tái phạm. Việc quy hoạch các điểm rửa xe vào nội thành cũng phải
khẩn trương hiện thực hóa, tránh việc chỉ dừng lại ở ý tưởng.
Để các dự án kịp tiến độ, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh yêu cầu
thời gian tới, các sở, ban, ngành, quận, huyện cần rà soát lại các đầu
việc trên cơ sở đề án, xem việc nào đã làm, việc nào chưa làm và vướng
mắc ở đâu phải báo cáo ngay để tìm hướng tháo gỡ. Phó Chủ tịch nhấn
mạnh, nếu không khẩn trương, không quyết liệt, không tập trung thì sẽ
không thể hoàn thành đề án kịp thời hạn. Các đơn vị cần đẩy mạnh công
tác quản lý nhà nước, tập trung thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những
trường hợp cố tình vi phạm và công bố trên các phương tiện truyền thông
đại chúng.
Khu xử lý
chất thải Sóc Sơn giai đoạn 2:
Quý III-2010 bắt đầu triển khai đền bù, giải phóng mặt bằng
Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn
Văn Khôi về tiến độ triển khai dự án này. Theo Ban QLDA hạ tầng đô thị
(Sở Xây dựng), đến nay tư vấn đã hoàn thành việc đo đạc bản đồ tỷ lệ
1/500 với tổng diện tích 160ha tại khu vực phía Bắc và Nam thuộc xã Bắc
Sơn và Nam Sơn; đang đo đạc bản đồ tỷ lệ 1/2000 thuộc xã Bắc Sơn. Ban
QLDA đã phối hợp với 2 xã điều tra xã hội học thuộc phạm vi nghiên cứu
dự án.
Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi yêu cầu, ngày 15-6 tới phải
duyệt xong chỉ giới đường đỏ; Sở Tài nguyên - Môi trường phải xong thủ
tục thu hồi, giao đất để sang tháng 7-2010 UBND huyện và chủ đầu tư bắt
đầu lên phương án. Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng sẽ tập trung làm
trong quý III-2010.
Lương Ninh Giang |