 |
Với hơn 240 trang sách khổ 13x20,5cm,
không có lời bạt hay lời tựa, 29 bài viết trong tập tạp bút là 29 câu
chuyện đầy trải nghiệm, giàu cảm xúc trước cuộc sống của nhà văn vốn có
tiếng từng trải này. Vẫn lối viết dung dị và chân thực, có khi bạo liệt
song tiết tấu luôn thay đổi tùy theo tình huống của sự kiện và thể tài.
Đó là đặc trưng của văn phong ông bấy nay, giờ tái hiện rõ hơn trong tập
sách mới ra này.
Nguyễn Văn Thọ không nhắc nhiều về Hà Nội. Cái sự thật ở "Mưa thành
phố", trong các bài viết, kí sự, chân dung nhân vật, tạp văn lại dẫn ta
tới những miền đất tại Đức hay người Đức tại Việt Nam. Nhiều câu chuyện
được mở rộng về thời gian và không gian. Đó là những câu chuyện từ Đức
với chiếc bánh Doene Gebap và sự tự vấn "Tôi không phải là kẻ cắp". Rồi
việc giáo dục đào tạo học trò ở xứ người khác Việt Nam ra sao ("Chuyện
học xứ người")… Đó là "những cơn mưa" trong cuộc đời tác giả được ông
viện dẫn, như thể muốn khẳng định một điều: "Với tôi, mưa mỗi nơi một
khác. Mưa Hà Nội không dữ dội như mưa rừng, không chợt đến, chợt đi như
mưa Sài Gòn, không dai dẳng như mưa miền Trung, không lạnh buốt như mưa ở
Đức, nhưng chưa khi nào tôi quên được những cơn mưa thành phố của tôi,
với biết bao hình ảnh mà khi nhớ lại, lòng cứ xôn xao... ("Mưa thành
phố"). Bảng lảng đó đây, phiêu du khắp chốn rồi tác giả lại quay ngược
về quá khứ xa xăm của người lính Hà Nội (30-4, anh ở đâu?), rồi đề cập
đến thân phận của chính cha ông, một họa sĩ có thể đại diện cho lớp trí
thức cũ Hà Nội trong "Chuyện tình của cha tôi". Tạp bút ấy như truyện
ngắn xuyên suốt một đời người mang tính thân phận xã hội...
"Mưa thành phố" giống như những hạt mưa theo thời gian bốn mùa đọng trên
khuôn mặt Hà Nội. Những nét riêng đó để nhận ra một tấm lòng của nhà
văn tuổi đã lục tuần, phiêu bạt đến vậy mà vẫn đăm đắm một niềm yêu
thương Hà Nội. Có lẽ tiếp theo tập kí "Đào ở xứ người", quyển tạp bút
thứ hai này của Nguyễn Văn Thọ sẽ bổ sung thêm cho bạn đọc cái nhìn về
đời sống cũng như sáng tạo nghệ thuật rất lạ mà có người gọi là "sử dụng
chất liệu trong truyện ngắn và tiểu thuyết để viết tạp văn".
(Theo Hanoimoi.com.vn)