Giao thông Hà Nội: Chưa giải pháp nào hoàn hảo
 |
Càng xây thêm nhà cao tầng, giao thông nội đô càng
quá tải |
- PV: Mới đây Sở GTVT Hà Nội đã tháo rào chắn tại 3
ngã tư, ông có đánh giá gì về vấn đề này?
- Ông Nguyễn Quang Toản: Lẽ ra, theo
tôi, việc mở các ngã tư này phải được ngành giao thông Hà Nội thực hiện
từ lâu rồi. Ngay từ đầu, khi Hà Nội rầm rộ, vội vàng triển khai bịt
nhiều ngã tư, tôi đã khẳng định rằng không phải chỗ nào cũng có thể áp
dụng giải pháp này. Tôi cho rằng, giải pháp đó chỉ nên áp dụng trên
những tuyến đường rộng. Còn ở đường lớn thì phạm vi mở nhánh quay đầu xe
cũng phải cân nhắc, tính toán hợp lý. Nếu mở quá xa thì mật độ giao
thông ở khu vực ấy sẽ tăng lên quá mức. Dù tránh được ùn tắc nhưng người
tham gia giao thông sẽ mất thêm thời gian và chưa chắc lúc đi vòng có
thể thông thoáng hơn.
Sở GTVT Hà Nội để quá lâu mới quyết định dỡ bỏ rào
chắn ở các điểm trên thực sự gây lãng phí lớn. Tôi xin nhấn mạnh rằng
lãng phí ở đây không chỉ là 27 tỷ đồng mà Hà Nội đã bỏ ra để tổ chức
giao thông thời gian qua mà là số tiền người dân phải bỏ thêm ra để trả
tiền taxi, tiền xăng xe, tiền khấu hao máy móc khi phải đi thêm một đoạn
đường, chưa kể ô nhiễm môi trường do khí thải. Số tiền dù rất nhỏ đối
với mỗi người tham gia giao thông nhưng nhân với hàng triệu lượt phương
tiện thì chắc chắn là rất đáng kể...
- PV: Vậy, giải pháp nào là thích hợp nhất với Hà
Nội?
- Ông Nguyễn Quang Toản: Hiện tại,
chưa ai đưa ra một giải pháp hoàn hảo cho giao thông Hà Nội. Giải pháp
nào cũng chỉ là tình thế, đúng với một thời điểm nhất định và trong một
hoàn cảnh nhất định. Hạ tầng giao thông không thể cải thiện trong một
sớm một chiều. Một hợp đồng tín dụng thì sẽ ký nhanh nhưng để xây dựng
công trình lại cần rất nhiều thời gian, chưa kể lại chiếm dụng thêm cả
diện tích giao thông, ảnh hưởng đến giao thông khu vực đó. “Cái khó ló
cái khôn” - tổ chức giao thông vào thời điểm này thì hiệu quả dù có cũng
không thể nhiều.
Giải pháp tốt nhất cho Hà Nội nói riêng và những
thành phố lớn khác trong cả nước nói chung không gì khác hơn chính là
vận động. Đường có từng ấy, ngã tư có từng ấy, nếu toàn dân phải lo cho
giao thông, lo đến việc đi lại của mình và tự điều chỉnh, nhường nhau
thì trước mắt, giao thông vẫn có thể đảm bảo ở mức độ chấp nhận được…
Đối với ngành giao thông Hà Nội, không nên thấy ùn tắc đã vội vàng tổ
chức lại giao thông, cũng cần phải nói có cái sai của người tham gia
giao thông đã gây sức ép đối với đội ngũ làm công tác ATGT. Kết quả là
lực lượng này cũng vội vàng tìm biện pháp khắc phục...
Hà Nội cũng cần tập trung vào những dự án giao thông
nhỏ, chính những dự án này phát huy hiệu quả cao. Giải quyết tốt giao
thông ngõ, xóm để tăng cơ hội lựa chọn cho người tham gia giao thông.
- PV: Theo ông, lâu nay ta hay nói xây dựng văn hóa
giao thông, vậy cụ thể văn hóa giao thông là gì?
- Ông Nguyễn Quang Toản: Nói chung,
người Việt Nam không có thói quen giao thông hiện đại, tức là thói quen
chờ đợi. Đối với văn hóa giao thông là nhường nhau đi, người tham gia
thấy rõ được trách nhiệm của mình trong đó. Văn hóa giao thông thể hiện
từ những việc nhỏ trong tham gia giao thông, từ người đi bộ qua đường
cũng cần phải có thao tác chuẩn tránh gây hại cho mình và cả người khác.
Văn hóa giao thông cần phải được giáo dục từ bậc tiểu học, từ khâu đào
tạo lái xe...
(Theo Anninhthudo.vn)