Hãy thay dân làm "người thông thái"
Song nếu chỉ sơ sơ thống kê các vụ vi phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích của NTD được phát hiện những năm gần đây như vụ xăng pha aceton, vụ nước tương nhiễm chất 3-MCPD gây ung thư, vụ gian lận xăng dầu, hay gần đây nhất là việc phát hiện sữa nghèo đạm, sữa nhiễm melamine gây sạn thận bán tràn lan hay vụ nhiều cơ sở kinh doanh mỡ động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ… mới thấy quyền và lợi ích hợp pháp của NTD bị vi phạm ngày càng nhiều.
Không phải là không có ai, không có cơ quan nào đứng ra bảo vệ NTD, bởi hiện cả nước có 30 tổ chức bảo vệ quyền lợi NTD, bao gồm 29 Hội Bảo vệ NTD ở 29 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD Việt Nam (VINASTAS). Ngoài ra, còn có rất nhiều các cơ quan nhà nước như quản lý thị trường, thanh tra chuyên ngành... Và trên hết, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá, Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi NTD và Nghị định 55/2008/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết việc thi hành Pháp lệnh này đã đi vào cuộc sống. Thể chế và cơ quan bảo vệ NTD những tưởng như thế là không ít, nhưng thực tế NTD Việt Nam chỉ luôn nhận được lời khuyên "Hãy là NTD thông thái" - câu nói cửa miệng của các nhà quản lý. Song để trở thành NTD thông thái nghe chừng khó lắm thay, muốn lắm đấy, mà "lực bất tòng tâm". Lẽ thứ nhất, ở nước ta, đa phần hàng hoá do các doanh nghiệp tự công bố chất lượng, cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện chức năng hậu kiểm. Và rồi chưa bao giờ các "thượng đế" có được những khuyến cáo một cách rộng rãi, công khai từ cơ quan chức năng rằng hàng X, hàng Y không đạt chuẩn. Vậy là giữa rừng hàng hoá, NTD chẳng biết "bấu víu" vào đâu để mà … thông thái, chỉ biết mua hàng bằng… kinh nghiệm truyền miệng và … niềm tin. Lẽ thứ hai, người Việt còn nghèo, hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc giá thường rất rẻ, phù hợp với ví tiền mỏng manh của đa phần "thượng đế". Dù có thông thái đến mấy mà không dày ví thì vẫn cứ phải mua về dùng.Lẽ thứ ba, xuất phát từ thực tế thời gian qua, nhiều vụ vi phạm mà đến các cơ quan quản lý còn chưa biết "đâu được, đâu không" thì các "thượng đế" làm sao phân biệt được để dám nói đến hai chữ… "thông thái".
Hẳn 100% NTD không ai muốn mua phải hàng giả, hàng xấu, nhưng cũng cam đoan 100% rằng không có NTD nào dám chắc mình "thông thái" trên thương trường hàng hóa. Chính vì thế NTD gửi gắm niềm tin vào kỳ họp Quốc hội lần này, các đại biểu đại diện cho người dân hãy là những "người thông thái" để Luật bảo vệ NTD sớm đi vào cuộc sống.