Tranh Đông Hồ và Hành trình trở thành di sản thế giới
 |
Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế - người còn giữ được nghề
tranh
|
Mai một dòng tranh dân gian
Nằm ven sông Đuống, làng Mái, tên gọi xưa kia của làng
tranh Đông Hồ giờ suốt ngày tấp nập người, xe vào ra nườm nượp. Cũng
giấy cũng hồ, phẩm màu xanh đỏ, song đó là những xe chở đồ hàng mã đưa
lên thành phố. Nhìn cảnh ấy, những nghệ nhân cuối cùng của làng tranh
không khỏi thở dài, xót xa. Làng Đông Hồ giờ còn rất ít người kiên trì
giữ lửa nghề. Tuổi đã cao, tay đã run, nhưng nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam
vẫn giữ được nét tinh anh trong từng khuôn in, độ sắc nét của các mảng
màu, cái hồn trong những bức tranh mà ông in, con cháu ông giờ cố gắng
học tập cũng chưa có được.
Ông Sam có may mắn được sống trong thời tranh Đông Hồ
đang thịnh. Tranh lúc đó không sản xuất manh mún, chỉ thực hiện theo các
hợp đồng lớn ký kết với nước ngoài. Cả làng sống nhờ tranh. Song cũng
chính ông là người chịu tác động trực tiếp từ sự mai một của nghề tranh
Đông Hồ. Tình yêu và niềm tin về một dòng tranh lừng lẫy đã giúp ông
không nản chí. Trong cơn lốc của nghề hàng mã, nhà ông Sam vẫn trụ vững
với nghề đến tận hôm nay. Với ông Sam, tranh Đông Hồ không đơn thuần là
kỹ thuật mà là tổng hợp của rất nhiều kinh nghiệm, của tình yêu và sự
đam mê. Giờ đây, tình yêu tranh của ông đã truyền lại cho con trai và đó
là một trong hai gia đình cuối cùng còn lại của làng Hồ còn mở cửa và
sống nhờ tranh dân gian. Địa chỉ tranh Đông Hồ còn lại là của gia đình
nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế.
Sinh ra và lớn lên tại làng Đông Hồ, song ông Chế may
mắn được đào tạo trong môi trường nghệ thuật hiện đại, do đó hơn ai hết
ông cảm nhận và hiểu rõ nguy cơ mai một của nghề tranh truyền thống. Vì
thế, mặc dù trưởng thành trong giai đoạn làng tranh đang suy thoái, mình
ông vẫn tích cóp lương tháng, mua lại ván khắc, khuôn tranh quý bị vứt
mốc meo trong xó nhà. Và chính nhờ những ngày gian khó đó, giờ đây ông
đã có trong tay gần 1.000 tấm ván khắc quý, trong đó có bộ 4 bức của bộ
truyện tranh Thạch Sanh đã hơn 100 năm tuổi. Giờ đây, ông cùng gia đình
đã tạo dựng được một trung tâm bảo tồn tranh Đông Hồ và là một địa chỉ
quen thuộc cho những người yêu quý dòng tranh dân gian vốn đang lâm vào
nguy cơ thất truyền này.
Nơi đây lưu giữ, trưng bày các bản khắc cổ, các sản
phẩm hiện tại do gia đình ông đang sản xuất cùng với những sản phẩm vừa
được phục chế, đồng thời là nơi giúp các bạn trẻ được tìm hiểu, học hỏi
nghề. Song thực tế khi làm tranh vừa đòi hỏi cầu kỳ, nhiều công đoạn
phức tạp mà thu nhập lại không bằng làm hàng mã nên sau một thời gian
hiếu kỳ, số thanh niên trong làng đến với tranh Đông Hồ ngày một ít dần.
Nhiều người đã không ngần ngại đặt dấu hỏi nghi ngại liệu tranh Đông Hồ
có còn giữ được chất xưa khi tách khỏi cuộc sống làng xã, đưa vào khu
trưng bày trong khu bảo tồn. Song “có nụ mừng nụ, có hoa mừng hoa”,
trong khi tranh Đông Hồ không còn được vị trí vốn có trong lòng dân bản
xứ thì đó cũng là một cách để bày tỏ tình yêu đối với dòng tranh dân
gian quý.
Bảo tồn bằng cách lập hồ sơ di sản?
Đứng trước sự mai một của dòng tranh quý, Sở
VHTT&DL tỉnh Bắc Ninh đang xúc tiến từng bước, xây dựng Hồ sơ quốc
gia cho nghề tranh Đông Hồ, đệ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa
phi vật thể tiêu biểu của nhân loại. Đây được xem như cách để hồi sinh
làng tranh bên bờ sông Đuống. Có một thực tế, khi tiếp cận với những bức
tranh Đông Hồ bây giờ, nhiều người đã nhận ra rằng, dòng tranh ấy đã
thiếu đi những “nét tươi trong”, điều này một phần do, người làm tranh
không còn tuân thủ những bước pha màu cầu kỳ, kỹ lưỡng như trước kia mà
dần dà chuyển sang sử dụng màu công nghiệp, để hạ giá thành, tăng số
lượng sản xuất. Tiện cả đôi đường thật đấy, nhưng hồn cốt của mỗi bức
tranh đã dần xa cái gốc vốn có. Những nét vẽ sắc sảo, tinh anh không còn
thắm trên giấy điệp. Thứ đến, giờ có cả tranh Đông Hồ giả, nhiều bộ
tranh, chả biết từ đâu ra, cứ ngang nhiên “đội lốt” Đông Hồ để xuất hiện
trong những cửa hàng lưu niệm, bán cho du khách. Điều này đã làm ảnh
hưởng tới hình ảnh và uy tín của dòng tranh quý.
Theo ông Nguyễn Đăng Túc - Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh
Bắc Ninh, mới đây, Bắc Ninh đã tiến hành công tác kiểm kê đối với tranh
Đông Hồ. Tuy cùng xếp vào thể loại di sản phi vật thể như quan họ, song
việc kiểm kê đối với tranh dân gian Đông Hồ lại có nhiều thuận lợi hơn.
Bởi, bên cạnh giá trị phi vật thể thì tranh còn có những giá trị hiện
hữu rõ ràng trên mỗi bản khắc mộc, trên mỗi tác phẩm còn lưu lại. Cho
tới thời điểm này, qua báo cáo sơ bộ, những bản khắc tranh cổ mặc dù đã
bị hư hỏng, mất mát đáng kể theo thời gian song còn tới vài nghìn bản
khắc đang được các gia đình trong làng lưu giữ. Thêm đó, ngoài 2 gia
đình sản xuất và sống với nghề tranh, trong làng vẫn còn những nghệ nhân
của dòng tranh còn sống tuy phần lớn họ tuổi đã khá cao. Thời gian
không chờ đợi ai, việc lên lộ trình xây dựng hồ sơ di sản tranh dân gian
Đông Hồ đang được gấp rút thực hiện để kịp lên đường tới UNESCO vào năm
2011. Và Bắc Ninh có quyền hy vọng và chờ đợi sự trở lại rực rỡ của một
dòng tranh độc đáo, và những gì mà dòng tranh Đông Hồ đang hiển hiện,
xứng đáng được vinh danh.
(Theo Anninhthudo.vn)