Mức xử phạt quá thấp!
Đại diện NXB Trẻ, ông Phạm Sĩ Sáu, Trưởng ban Biên
tập khai thác đề tài và giao dịch tác quyền NXB Trẻ, tuyên bố: “Giám đốc
của chúng tôi mới đây đã tuyên bố thôi không tham gia chống in sách lậu
nữa mà phải sống chung với sách lậu. Vì số tiền chúng tôi bỏ ra cho
việc chống in lậu quá tốn kém mà hiệu quả không bao nhiêu. Năm rồi tốn
cả trăm triệu đồng và bao nhiêu thời gian, công sức chúng tôi mới phát
hiện ra hai vụ in lậu lớn sách của mình. Khi báo cho cơ quan chức năng,
cơ sở in lậu chỉ bị phạt có vài triệu đồng…”.
Bức xúc của NXB Trẻ là bức xúc của hàng loạt NXB khác
khi việc in sách lậu hiện nay chỉ bị xử phạt hành chính với mức phạt
cao nhất là 500 triệu đồng trong khi chỉ cần in lậu một cuốn sách như Harry
Potter có thể lời cả tỉ đồng. Đại diện NXB Giáo dục ví von chuyện
phạt tiền này như dân buôn lậu đi buôn 10 chuyến, bị bắt hai chuyến vẫn
lời tám chuyến nên có những “đầu nậu” in lậu vừa mới bị phạt xong đã vi
phạm bị phát hiện lại ngay.

Các nhà xuất bản trưng bày sách giả đối chứng với
sách thật trong “Hội nghị chống in lậu 2010. Ảnh: HÒA BÌNH
Đại diện các NXB đều đưa ra yêu cầu sửa luật, xem in
lậu là tội làm hàng giả, lũng đoạn kinh tế, cần phải phạt tù những đối
tượng tổ chức in lậu và rút giấy phép hành nghề đối với các nhà in, cơ
sở in lậu, thậm chí tịch thu luôn máy in. “Cần có một hành lang pháp lý
an toàn về việc liên thông phát hiện-xử phạt kịp thời, hiệu quả việc
in-tiêu thụ sách lậu” - đại diện các NXB mong mỏi.
Phải chống ngay từ trong nhà
Ông Phạm Sĩ Sáu phẫn nộ: “Chính các NXB cũng ăn cắp
của các NXB khác. Chúng tôi vừa mất của vừa suýt bị kiện ra quốc tế vì
làm thất thoát bản quyền quyển sách Đời thay đổi khi ta thay đổi
của một tác giả nước ngoài. Dù chúng tôi đã công khai việc mua bản quyền
xuất bản tác phẩm này ở Việt Nam nhưng có đến bốn NXB trong nước đã bán
giấy phép cho tư nhân in quyển sách này khiến chúng tôi bị đối tác nước
ngoài kiện. Chúng tôi phải thuê luật sư, theo đuổi pháp lý hết một năm
rưỡi mới tránh được vụ kiện này. Ngay chính chúng tôi cũng vi phạm bản
quyền của một NXB khác khi bị một đối tác liên kết lấy danh nghĩa của
mình in lậu sách của nơi khác. Thế nên việc chống in lậu không phải chỉ ở
bên ngoài mà phải chống từ ngay trong nhà giữa các NXB với nhau”.
Để giải quyết việc trên, tất cả các NXB đều đồng
thuận việc lập hiệp hội chống sách giả, sách lậu để có sự bắt tay giữa
tất cả đơn vị xuất bản. Hoạt động dự tính của hiệp hội này là cùng tẩy
chay những đại lý, cơ sở tiêu thụ ấn phẩm in lậu; cùng báo cho nhau nếu
phát hiện các vụ in lậu, tiêu thụ sản phẩm in lậu của bất cứ đơn vị nào
trong hiệp hội; thống nhất giá chiết khấu trong hiệp hội để cạnh tranh
với giá sách lậu…
Mua sách lậu là đồng phạm trộm cắp!
Các NXB cùng nêu thực trạng: Sách lậu đang hiện diện
khắp nơi nhưng có một hình thức phổ biến mà chưa được tính là sách lậu
đó là bản photocopy. Ông Phạm Sĩ Sáu cho biết theo luật, mỗi bản sách
chính bản người mua chỉ được quyền photo một bản để phục vụ cho việc
nghiên cứu của mình. Song hiện nay, hàng chục ngàn tiệm photocopy trong
nước là hàng chục ngàn điểm in lậu công khai mà không chịu bất cứ chế
tài nào. Và đang có hàng chục ngàn thầy cô, sinh viên, học sinh xài bản
photo mà không ý thức rằng mình đang xài hàng giả. “Đừng vì việc mua rẻ
một quyển sách được một ít tiền mà biến mình thành đồng phạm trộm cắp
bản quyền sở hữu trí tuệ của người khác” - ông Phạm Sĩ Sáu lên án.
Bên cạnh việc kêu gọi ý thức nơi người mua sách, các
NXB cũng hứa sẽ nỗ lực giảm giá sách để sách thật dễ đến tay người mua.
Thưởng nóng cho người báo tin in lậu
Đó là đề xuất của
giới xuất bản tại hội nghị. Kèm theo đề xuất này là sáng kiến thành lập
đường dây nóng về in lậu, cùng việc bảo đảm bí mật, an toàn cho người
báo tin, tố cáo việc in lậu để tránh bị trả thù.
Các NXB cũng đề
nghị quyết liệt dẹp các chiếu sách lề đường vì hơn 90% sách bày bán ở
đấy là sách giả với giá bán... cao hơn sách thật! Các nhà làm sách cho
biết hiện giới “đầu nậu” sách lậu bán ở chiếu sách vỉa hè thường dùng
chiêu nâng giá bìa thật cao, rồi treo bảng giảm chiết khấu thật nhiều để
dụ người mua. Song tính lại, giá sách giả dạng này vẫn đắt hơn sách
thật mà chất lượng in lẫn nội dung sách giả lại kém, cẩu thả, sai sót
hơn hẳn ấn phẩm thật. |
(Theo Phapluattp.vn)