Thứ bảy, 12/06/2010 10:14
Việt Nam với các Mục tiêu thiên niên kỷ
Trên con đường hoàn thành các Mục tiêu thiên niên kỷ (MDGs), Việt Nam đang chuyển dần vị trí từ nhóm nước nghèo nhất sang nhóm nước có thu nhập trung bình thấp. Đây là nhận định của Bộ Kế hoạch - Đầu tư tại dự thảo Báo cáo quốc gia MDG năm 2010. Cũng theo cơ quan này, dự kiến GDP của Việt Nam trong năm 2010 sẽ đạt khoảng 106 tỷ USD, gấp 3,4 lần năm 2000 và GDP bình quân đầu người năm đạt khoảng 1.200 USD, gấp 3 lần năm 2000.

Việt Nam đang trên đường hướng tới hoàn thành các
Mục tiêu thiên niên kỷ
Song hành với những chuyển động nhanh, ổn định, nền kinh
tế đã ghi nhận sự chuyển biến đáng kể trong cơ cấu với mục tiêu đưa
Việt Nam từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu thực hiện quá trình công
nghiệp hóa, thúc đẩy xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài. Theo Bộ Kế
hoạch - Đầu tư, tỷ trọng GDP của khu vực nông, lâm, ngư nghiệp, khai
thác mỏ giảm từ 24,5% vào năm 2000 xuống còn 21,2% vào năm 2010, trong
khi tỷ trọng của khu vực công nghiệp chế biến và xây dựng tăng từ 36,7%
vào năm 2000 lên 39,9% vào năm 2010. Cùng thời gian này, tỷ trọng GDP
của khu vực dịch vụ duy trì ở mức gần 38%. Đây là kết quả của một hệ
thống các chính sách cải cách sâu rộng nhằm xây dựng và phát triển các
thể chế thị trường.
Tăng trưởng kinh tế luôn đi đôi với các nỗ lực giảm nghèo là mục tiêu mà
Việt Nam đã đặt ra. Tám Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ được lồng
ghép trong các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và ở các
địa phương. Ngoài ra, Việt Nam bổ sung thêm vào hệ thống các Mục tiêu
phát triển thiên niên kỷ một số mục tiêu phát triển mang tính đặc thù
của đất nước (VDG). Trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, phấn đấu thực
hiện MDGs và VDG cũng chính là nỗ lực thực hiện mục tiêu thúc đẩy tăng
trưởng kinh tế, giảm nghèo và phát triển xã hội. Kết quả của những nỗ
lực này là việc Việt Nam đạt được những thành quả quan trọng trong mục
tiêu xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, chăm sóc sức khỏe cho nhân
dân, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ; tiếp tục đạt được những tiến bộ vượt
trội về bình đẳng giới. Tỷ lệ nghèo giảm mạnh từ 58,1% năm 1993 xuống
14,5% năm 2008. Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng từ 71 tuổi
năm 2002 lên 74,3 tuổi năm 2007. Thu nhập thực tế của mỗi người dân sau
10 năm tăng gấp 3,5 lần.
Việt Nam từng được xem là một ví dụ điển hình về sự thành công trong
việc xóa đói và giảm nghèo; trong đó giảm nghèo diễn ra ở tất cả các
nhóm dân cư, thành thị, nông thôn, dân tộc Kinh, các dân tộc thiểu số,
các vùng địa lý. Tuy nhiên, tỷ lệ nghèo còn khá cao ở một số địa bàn,
đặc biệt ở vùng tây bắc và nhóm dân tộc thiểu số. Tính đến cuối năm
2008, hơn 50% người dân tộc vẫn là người nghèo, chiếm tới hơn một nửa
tổng dân số nghèo Việt Nam.
Đầu tư cho giáo dục và đào tạo được Nhà nước quan tâm đặc biệt, coi đó
là đầu tư cho phát triển. Ngân sách chi cho giáo dục và đào tạo được
tăng lên hàng năm, đạt 20% tổng chi ngân sách nhà nước vào năm 2009.
Công tác xã hội hóa trong giáo dục đã thu hút nhiều nguồn lực từ các
tầng lớp nhân dân và cộng đồng tài trợ quốc tế. Tính đến năm 2000, Việt
Nam đã hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học và đang từng bước
nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học; tiếp tục đẩy mạnh phổ cập
giáo dục trung học cơ sở trong độ tuổi, đồng thời đặt ra mục tiêu cụ
thể cho việc thực hiện mục tiêu phổ cập trung học phổ thông. Thành tựu
về tăng cường bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ cũng được ghi
nhận. So với các quốc gia có cùng mức độ phát triển và thu nhập, Việt
Nam có các chỉ số về bình đẳng giới khá cao: chỉ số phát triển liên quan
đến giới (GDI) của Việt Nam đứng thứ 92/177 quốc gia theo Báo cáo phát
triển con người năm 2007/2008 của Liên hợp quốc. Việt Nam đã xoá bỏ được
những khác biệt về giới trong giáo dục ở tất cả các cấp học: tỷ lệ học
sinh nữ trong năm học 2008 - 2009 đạt 47,9% ở cấp tiểu học, 48,5% ở cấp
trung học cơ sở, 52,6% ở cấp trung học phổ thông và 48,5% ở cấp đại học.
Ngoài ra, bình đẳng về việc làm và thu nhập cũng đạt được những bước
tiến quan trọng. Trong số lao động mới tăng thêm hàng năm, nữ giới chiếm
khoảng 49%. Phụ nữ ngày càng bình đẳng hơn trong công tác quản lý lãnh
đạo, trong các vị trí đại biểu quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân,
lãnh đạo các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp.
Sức khoẻ của trẻ em tiếp tục được quan tâm và cải thiện đáng kể. Dù tốc
độ giảm các tỷ suất này có xu hướng chậm lại và không thay đổi trong vài
năm gần đây nhưng MDG4 có thể đạt được với những nỗ lực của Việt Nam
đến năm 2015. Chương trình tiêm chủng mở rộng được tiếp tục thực hiện
với quy mô rộng hơn và chất lượng hơn, mang lại hiệu quả cao. Tỷ lệ suy
dinh dưỡng của trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm nhiều.
Theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, với các kết quả trên, Việt Nam đã hoặc sẽ có
thể hoàn thành phần lớn Mục tiêu thiên niên kỷ cam kết trước cộng đồng
quốc tế. Tuy nhiên, thách thức đặt ra đối với Việt Nam trong thời gian
tới là đảm bảo các MDGs có thể đạt được đồng đều giữa các vùng và cho
tất cả các đối tượng, đặc biệt là với những nhóm như dân tộc thiểu số,
người nghèo nông thôn và người nghèo thành thị. Bên cạnh đó, những biến
động không thuận lợi của tình hình kinh tế toàn cầu cũng đang là một
thách thức đáng kể với Việt Nam trong việc duy trì bền vững các kết quả
giảm nghèo. Mặt khác, biến đổi khí hậu đang có xu hướng ngày càng trở
nên rõ ràng hơn và có tác động sâu rộng đến hoạt động kinh tế và đời
sống nhân dân. Là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất của
biến đổi khí hậu, Việt Nam có nhiều lý do để lo ngại rằng hiện tượng này
là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tái nghèo. Vì vậy, đảm bảo thành quả
bền vững trong thực hiện MDGs trong điều kiện đối mặt với các thách thức
mới gồm thách thức ngắn hạn (như tác động của khủng hoảng tài chính,
biến động giá lương thực, năng lượng) và dài hạn (như biến đổi khí hậu)
là một cuộc “vượt khó” với Việt Nam trong giai đoạn từ nay đến 2015 -
thời hạn hoàn thành quá trình thực hiện MDGs.
(Theo congan.com.vn)
|
|
|
|