Sách giáo khoa, tạp chí… được bảo vệ quyền sao chép
Việc quản lý sản phẩm in ấn sao chép bất
hợp pháp một lần nữa được đưa ra mổ xẻ tại hội thảo bảo vệ quyền sao
chép đối với tác phẩm phi hư cấu do Hội Cựu giáo chức Việt Nam tổ chức
ngày 16-6 tại Hà Nội.
Sách giáo khoa đại học: Thiếu, tha hồ "luộc"
GS-TS Nguyễn Mậu Bành, Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức
Việt Nam, cũng thấy ngỡ ngàng khi công bố ra những con số về các tác
phẩm phi hư cấu: học sinh phổ thông có 3.120 đầu sách tham khảo, trong
đó lớp 12 dẫn đầu với 448 đầu sách, lớp 11 có 442 đầu sách, lớp 10 gần
400 đầu sách. Còn với nhóm trẻ em mới được coi là “chấm dứt tuổi cai sữa
mẹ” để bước vào lớp 1 cũng có tới 59 loại sách tham khảo. Và trung bình
mỗi môn học có đến 10 đầu sách tham khảo.
Ngược lại, cũng theo GS Bành, trong giáo dục đại học
và trung học chuyên nghiệp có hàng trăm môn học khác nhau nhưng lượng
sách lại không đủ để học tập và nghiên cứu. Chính vì vậy, sách giáo khoa
bị in lậu, in nối bản, sao chép… tại hàng trăm cửa hàng photocopy mà
không cần xin phép tác giả. Thậm chí có tình trạng “luộc” sách bằng cách
thay đổi bìa, thay tên tác giả. Nhiều tác phẩm phi hư cấu trong nhà
trường còn bị các mạng Internet như Google vô tư sử dụng. GS cũng đưa ra
ví dụ của sự “luộc” sách trắng trợn gần đây nhất là sách Tài chính
quốc tế.

Sách giáo khoa trong trường học là đối tượng bị
sao chép nhiều nhất. Ảnh minh họa: TỐ NHƯ
Người viết bệnh sĩ, người bán làm bừa
Phần lớn các tác giả khi thấy đứa con tinh thần của
mình tái bản không muốn nói đến nhuận bút. Tại sao? Với hơn 50 năm cầm
bút, là tác giả của trên 80 đầu sách, GS Phan Trọng Luận cho rằng tác
giả nào cũng mặc cảm khi đề cập vấn đề này với nhà xuất bản (NXB). Các
tác giả cứ ngại là tầm thường, nhỏ nhen, thấp kém, là không xứng đáng
với phẩm chất cao thượng của người trí thức khi lên tiếng đòi tác quyền.
Ngoài ra, GS Luận cho rằng tình trạng không minh bạch
của NXB cũng là lý do khó quản lý việc sao chép tác phẩm. Cách đây 15
năm, một cuốn sách của ông in tái bản nhiều lần, lần nào cũng ghi in
1.000 cuốn. Tuy nhiên, khi điều tra tại NXB này, ông phát hiện số liệu
trong máy tính là 10.000 cuốn. Năm 2009, ông ký hợp đồng viết sách cho
một NXB in 3.000 cuốn nhưng họ chỉ trả tiền 2.000 cuốn vì lý do “sách
chưa phát hành”. Đi tìm hiểu, GS Luận biết NXB đã phát hành hơn số lượng
ký hợp đồng với ông. “Có cách gì kiểm tra số lượng sách phát hành để
bảo đảm quyền lợi của tác giả không hay chỉ biết trông cậy vào lương tâm
của NXB?” - GS Luận đặt câu hỏi.
PGS-TS Trần Quang Nhiếp cho rằng nguyên nhân cũng bởi
nhận thức, quan niệm về quyền sao chép ở nước ta chưa được phổ biến
rộng rãi, cụ thể, minh bạch. Người sử dụng, người đi sao chép, người làm
nghề sao chụp cũng không hiểu bản chất công việc của mình làm nên không
thấy trách nhiệm và quyền lợi của mình ở chỗ này. Trong khi cơ quan
quản lý nhà nước chưa có cán bộ chuyên về công việc này, chưa có cơ chế,
thể chế, chế tài quản lý và xử lý những hành vi xâm phạm quyền sao
chép.
Cần phải quản lý tập thể
Ông Trond Andreassen, Tổng
Thư ký Hiệp hội Các tác giả và dịch giả phi hư cấu Na Uy, cho biết ở Na
Uy, thị trường sách được điều tiết bởi thỏa thuận giữa Hiệp hội Các NXB
sách và Hiệp hội Các nhà bán sách. NXB đặt giá bán sách và có mức chiết
khấu tối đa 12,5%. Ở đây, quyền sao chép được quản lý bởi một tổ chức có
tên Kopinor (gồm 17 hiệp hội tác giả và sáu hiệp hội xuất bản). Kopinor
được các thành viên ủy thác để đàm phán và thống nhất các thỏa thuận
tập thể về việc photocopy các tác phẩm đang được bảo vệ. |
Bà
Đoàn Thị Lam Luyến, Tổng Thư ký Hiệp hội Quyền sao chép VN, cho rằng
việc sao chép bất hợp pháp như trên sẽ gây nhiều ảnh hưởng như ngăn cản
các tác giả hưởng phần thù lao từ việc sử dụng tác phẩm, hủy hoại tính
sáng tạo và việc xuất bản các tác phẩm trong nước, gây rối loạn các chức
năng trên thị trường.
Ngoài chiếc máy photocopy ra thì công nghệ hiện đại
kỹ thuật số đang tạo điều kiện cho việc sử dụng trái phép các tác phẩm
phi hư cấu. Những chiếc máy này có thể quét, lưu trữ và truyền tải các
tác phẩm, thậm chí tốt hơn bản gốc. Chính vì vậy, cấp giấy phép tập thể
đối với việc sao chụp kỹ thuật số là việc làm rất cần thiết lúc này.
Bà Luyến đã đưa ra bài học của Na Uy. Từ nay, sách,
báo, tạp chí và các thể loại tương tự phải áp dụng quyền sở hữu sao
chụp. Có tổ chức tập thể bảo vệ quyền sao chép. Cộng đồng sở hữu quyền
tác phẩm cần phải đoàn kết nếu có việc trục lợi bất hợp pháp cũng như
trộm cắp qua công nghệ kỹ thuật mới.
(Theo Phapluattp.vn)