Như vậy năm nay nhà văn 82
tuổi. Trong phần tiểu sử còn cho biết: "Viết báo Cứu quốc sau Cách mạng
tháng 8 năm 1945". Vậy có phải bản dịch "Trên sông Đông êm đềm" công bố
trên báo Cứu quốc số ra ngày 4/5/1946 là của chàng trai Hà Văn Trường mà
sau này viết báo, viết văn lấy bút danh Hồng Hà, trở thành cái tên quen
thuộc trong giới văn chương, báo chí và cả trong hàng ngũ cán bộ lãnh
đạo chính trị?
Dù sao đi nữa tôi vẫn phân vân.
Vào thời điểm đó, năm 1946, chàng trai Nam Định Hà Văn Trường mới 18
tuổi và hình như một tài liệu nào đó có cho biết cụ thể hơn là nhà báo
Hồng Hà bắt đầu sự nghiệp trên báo Cứu quốc từ 1948. Vậy thì ông khó có
thể là dịch giả bản dịch ra năm 1946.
Điểm lại các cây bút thường
xuất hiện trên báo chí cách mạng thời kỳ này, tôi lẩy ra một số người
ngoài sáng tác, còn xuất hiện tên ở cuối bài dịch tư liệu hoặc tác phẩm
nước ngoài: Hải Triều, Học Phi, Xuân Diệu, Nguyễn Huy Tưởng (Thao
Trường), Như Phong… thì phát hiện ra: Nhà văn Như Phong (1917-1985) tên
khai sinh là Nguyễn Đình Thạc, sinh tại Hà Nội, có cái bút danh Hồng Hà
bên cạnh mấy bút danh khác nữa như Lam Vũ, Nguyễn Kiên Trì.
Như vậy, bút danh Hồng Hà ở bản
dịch "Trên sông Đông êm đềm" xuất hiện trên báo Cứu quốc năm 1946 có
thể là của nhà văn Như Phong. Chàng trai Hà Nội Nguyễn Đình Thạc tham
gia Cách mạng từ năm 1937, hoạt động trong Đoàn Thanh niên Dân chủ. Năm
1938, anh phụ trách phần văn nghệ báo Thế giới, sau này có tham gia xây
dựng Hội Văn hóa Cứu quốc. Với bút danh Như Phong, Nguyễn Đình Thạc đã
sáng tác nhiều truyện ngắn đăng trên báo chí công khai ở Hà Nội khi đó.
Truyện ngắn của Như Phong đã làm cho anh con trai Hà Nội khác là Nguyễn
Sen (tên khai sinh của nhà văn Tô Hoài) rất mến mộ.
Nhà văn Tô Hoài nhớ lại trong
hồi ký của mình: "Trong những cây bút viết truyện ngắn thời kỳ này mà
tôi thường đọc, tôi không thích những truyện ngắn nhẹ nhàng của Khái
Hưng, Nhất Linh, mà trong lớp trẻ viết truyện ngắn như Nguyên Hồng, Cao
Thọ Ân, Nguyên Xuân Huy, Ngọc Giao, Thanh Châu, Nguyễn Văn Xuân, Phạm Dụ
tôi yêu truyện ngắn Cao Thọ Ân và Như Phong hơn cả, mặc dầu Như Phong
viết không nhiều. Truyện ngắn Như Phong gọn thoáng, mới lạ, khơi gợi
nhiều đối với một người đương tìm học và tìm lẽ sống như tôi". Tô Hoài
kết luận: "Hình ảnh lý tưởng về con người cầm bút khá hấp dẫn đến lúc ấy
đối với tôi là Như Phong và Nguyên Hồng, những người gần gũi xấp xỉ
trên tuổi tôi một chút".
Chính bản thân nhà văn Như
Phong sau này cũng đã tâm sự: "Sức mạnh kỳ diệu của văn nghệ, đó là một
điều có thật trong cuộc sống, những cuốn tiểu thuyết hay những bài thơ
đã từng định đoạt cho phương hướng cả một đời người. Tôi nói một điều mà
tôi biết rõ. Nhìn lại những chặng đường tư tưởng của mình, tôi thấy
rằng tôi đã trở nên tôi như bây giờ xấu có, tốt có, nhưng không đến nỗi
mù mịt về con đường mình đi, chính là nhờ ở những đêm nào đó hồi mười
sáu tuổi thao thức không ngủ với tập "Tái sinh" của Lev Tolstoi, trong
khi gió mùa đông nói những chuyện gì bát ngát, bao la trên những mái nhà
cũ của thành phố… Tất nhiên, sau đó còn bao nhiêu cái khác do cuộc sống
mang lại, sau đó còn những nỗi bất bình chua chát trong một xã hội đen
tối và ngột ngạt, còn phong trào những năm 36, 39, còn ánh sáng của
Đảng, nhưng tôi nghĩ rằng sự lựa chọn lớn nhất của đời tôi đã bừng sáng
lên rồi trong những đêm bắt đầu biết yêu ghét mạnh mẽ và rõ ràng như
vậy".
Những ngày Cách mạng tháng Tám,
Như Phong có chân trong ban lãnh đạo khởi nghĩa ở Hà Nội, là một trong
những cây bút chủ chốt của các báo chí cách mạng như Cứu quốc, Tiên
Phong, Sự Thật…
Đến đây tôi càng có thêm cơ sở
để tin điều phỏng đoán tác giả bản dịch "Trên sông Đông êm đềm" với bút
danh Hồng Hà là nhà văn Như Phong. Tuy nhiên để khẳng định chắc hơn, tôi
đã mang theo bản sao chụp số báo Cứu quốc 231 ra ngày 4/5/1946 tìm đến
hỏi chuyện nhà văn Tô Hoài ở khu tập thể Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, Hà
Nội).
Trên trang 4, trang văn nghệ,
bắt đầu đăng kỳ 1 bản dịch "Trên sông Đông êm đềm" lại có cả bài "Đêm
mưa nghe tiếng ngâm thơ" của chính nhà văn Tô Hoài. Nhà văn cầm xem, tủm
tỉm cười vui khi tôi hỏi xem ông có nhớ lại tác phẩm của mình không và
khi tôi chỉ xuống bản dịch "Trên sông Đông êm đềm", hỏi người dịch có
bút danh Hồng Hà là ai, thì nhà văn càng cười vui, trả lời ngay: "Như
Phong chứ ai". Ông cho biết, bấy giờ theo yêu cầu ra những trang văn
nghệ, Như Phong đã nhận dịch tác phẩm của văn hào Nga Xôviết Mikhain
Sholokhov. Dịch đến đâu in đến đấy, đều đặn hàng ngày.
Bấy giờ nhà văn Như Phong đảm
nhận chức kiểm duyệt ở Sở Thông tin tuyên truyền. Và có lần chính ông
kiểm duyệt lại tự cắt bỏ một vài đoạn trong bản dịch của mình đưa in
thường kỳ trên báo Cứu quốc này…
Sau buổi được tiếp kiến nhà văn
Tô Hoài thì tôi có thể khẳng định chắc chắn người đầu tiên dịch tác
phẩm tiểu thuyết trường thiên của nhà văn hào Nga Mikhain Sholokhov
"Trên sông Đông êm đềm" ra tiếng Việt in trên báo Cứu quốc bắt đầu từ số
231 ra ngày 4/5/1946 ký tên Hồng Hà chính là nhà văn Như Phong. Tôi
thật sự vui mừng và tự hào còn vì nhà văn Như Phong có thời gian dài làm
Giám đốc Nhà xuất bản Văn học (1965-1980), nơi tôi đã được làm việc gần
như suốt cả cuộc đời công tác của mình
