Hơn hai tháng nữa, cuộc trưng bày lớn này mới "khai màn", nhưng các đơn vị chủ nhân của các ấn phẩm dự kiến trình làng đã hết sức hối hả.
Thật ra, Triển lãm đã được ấn định 2 năm một lần từ dạo khai cuộc lần đầu năm 2005. Tuy nhiên, lần thứ ba này (lẽ ra diễn ra vào năm 2009 như định kỳ) đã được thống nhất lùi lại một năm để hòa nhịp với Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Cũng chính vì thế mà mảnh đất Nghìn năm văn hiến Thăng Long được lấy làm chủ đề cho hội cuộc ngộ lớn của giới xuất bản. Ông Lý Bá Toàn, Phó Cục trưởng Cục Xuất bản cho biết, ấn phẩm xuất bản kỷ niệmĐại lễ sẽ là phần trung tâm của triển lãm.
NXB Hà Nội cùng Cty Phát hành sách Hà Nội là những đơn vị chủ lực trong việc cung cấp, tổ chức các ấn phẩm về chủ đề này. Vậy là có thể hy vọng cuộc "ra quân" của ngành xuất bản lần này sẽ phô bày trước mắt công chúng cái nhìn toàn cảnh về xuất bản phẩm trước thềm Đại lễ. Điểm một vòng sơ qua các "dự án" xuất bản hiện có đã thấy nhiều kỳ vọng. Bởi "hùng hậu" nhất đã có Dự án "Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến" mà NXB Hà Nội làm chủ đầu tư. Dự án này cũng đã bước vào giai đoạn hoàn thiện với một số lượng ấn phẩm khổng lồ, cả bản in lẫn sách điện tử về Hà Nội, mà hết thảy đều đạt tiêu chuẩn quốc tế. Đến giờ đã có thể điểm tên các tác phẩm: "Lịch sử chính quyền thành phố Hà Nội", "Tìm hiểu lễ hội ở Hà Nội", "Ca trù Hà Nội trong lịch sử và hiện tại", rồi "Tục ngữ - ca dao - dân ca Hà Nội", "Hà Nội trong cuộc vận động giải phóng dân tộc cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX", bộ tiểu thuyết "Thăng Long - Hà Nội gồm 8 tập... Đấy là chưa kể bộ sách điện tử "Ca khúc Hà Nội thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI", rồi những trang sưu tầm từ Minh thực lục, Thanh thực lục của Trung Quốc… Và không chỉ NXB Hà Nội mà thời gian gần đây, độc giả cũng được đón nhận nhiều ấn phẩm công phu về Hà Nội. Có thể kể đến bộ Bách khoa thư đầu tiên về Hà Nội của NXB Thời đại, Tổng tập Nghìn năm văn hiến Thăng Long (NXB Văn hóa Thông tin)… Đấy là những cuốn sách về ảnh, kiến trúc, sân khấu… mang dấu ấn Thủ đô nghìn năm.
Triển lãm dự kiến có sự tham gia của 60 NXB trên cả nước, các công ty phát hành sách, các nhà sách, cơ sở in… cùng khoảng gần 30 đơn vị nước ngoài. Đây cũng là lần đầu tiên triển lãm mở ra trên diện tích 5.000m2 - điều thuận lợi để quảng bá với công chúng trong nước và quốc tế các ấn phẩm về mảnh đất thiêng nghìn tuổi, về đất nước, con người Việt Nam, về xuất bản, in ấn Việt Nam.Triển lãm là cơ hội đề cập sâu hơn tới câu chuyện hội nhập quốc tế, chống in lậu, giao dịch bản quyền của hoạt động xuất bản. Tiêu biểu là chuyện thúc đẩy thực hiện đăng ký mã vạch quốc tế (một thứ visa để sách Việt
Nam có thể được mua bán, giao dịch trên thị trường thế giới). Hay là chuyện nói "không" với việc mua sách lậu - một vấn đề có thể gọi là nan giải hiện nay, mà trách nhiệm không chỉ của riêng các nhà quản lý…
Nhiều kỳ vọng đang được đặt ra ở Triển lãm - hội chợ Sách quốc tế Việt
Nam lần thứ 3. Những người trong cuộc cũng đã nhắc đến Hội chợ Sách TP HCM vừa kết thúc để tìm ra những kinh nghiệm tổ chức cho cuộc ra quân quy mô, mang tầm quốc tế của ngành xuất bản tới đây.