Ngày ấy chúng tôi đang học phổ thông. Các trường thời đó thường có
những buổi họp để học tập các gương anh hùng vừa được tuyên dương. Tôi
vẫn còn nhớ hôm đó thầy giáo của chúng tôi lên kể chuyện về anh hùng Lê
Mã Lương với câu nói nổi tiếng: Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến
đánh quân thù. Trong cuộc họp ấy lần đầu tiên chúng tôi được nghe bài
hát "Dáng đứng việt Nam" của mấy thầy cô giáo về trường thực tập. Trong
trí óc non trẻ của mình tôi đồng nhất những anh hùng cũng chính là Dáng
đứng Việt Nam mang đậm nét hồn Việt, một tính cách Việt, một truyền
thống Việt.
Tôi không chắc là các bạn trẻ bây giờ có hát (và có biết) bài hát
Dáng đứng Việt Nam hay không nhưng thế hệ những người cầm súng qua chiến
tranh như chúng tôi đều thuộc lòng bài thơ và sau đó được nhạc sỹ
Nguyễn Chí Vũ phổ nhạc thành bài hát. Bài thơ đó, bài hát đó là hình ảnh
của một Việt Nam anh hùng. Truyền thống anh hùng đó được đúc kết qua
những giá trị lịch sử ngàn năm của dân tộc. Và Dáng đứng ấy chỉ có ở một
dân tộc mà "thà chết chứ quyết không làm nô lệ".
Trong chúng ta anh như những thiên thần: Anh ngã xuống đường băng Tân
Sơn Nhất, Nhưng Anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng, Và Anh
chết trong khi đang đứng bắn, Máu Anh phun theo lửa đạn cầu vồng. Chợt
thấy Anh, giặc hốt hoảng xin hàng, Có thằng sụp xuống chân Anh tránh
đạn, Bởi Anh chết rồi, nhưng lòng dũng cảm, Vẫn đứng đàng hoàng nổ súng
tiến công.
Nhà thơ Lê Anh Xuân khắc họa thật tài tình cái tư thế của người chiến
sỹ, cái tư thế ấy tượng trưng cho dáng đứng của cả một dân tộc không
chịu "quỳ gối làm tỳ thiếp người" như Bà Triệu khi xưa và "Thà làm quỷ
nước Nam còn hơn làm vua đất Bắc" hoặc ung dung ra pháp trường với bông
hoa gài tóc...