Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ ba, 29/06/2010 08:53
Nghi thức rước trong Lễ hội Tứ trấn Thăng Long - Hà Nội
Lễ hội là một hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng có tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt Nam. Sau một thời gian có sự gián đoạn nhất định vì nhiều lý do khác nhau, đến nay, sinh hoạt văn hóa này đã được khôi phục, mở lại ở hầu hết các địa phương với nhiều cấp độ khác nhau, trở thành phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt Nam. Lễ hội đã thu hút và có tính chất xã hội rộng rãi đối với mọi người. Khi đến với bất cứ lễ hội nào, chúng ta đều được chứng kiến và tham dự các cuộc rước lễ cung nghênh các vị thần mà địa phương thờ phụng. Đây cũng là dịp mà mọi người đi hành hương, gửi gắm ý nguyện, cầu xin ban phúc với các vị thần thánh.

 

 Lễ Tiễn Xuân Ngưu mới được phục dựng lại vào đầu năm 2010

Tứ trấn Thăng Long - Hà Nội là nơi thờ 4 vị thần đã được nhiều sắc phong qua các thời kỳ tôn là “Thượng đẳng phúc thần”, ở tại 4 di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng tiêu biểu của Thủ đô. “Tứ trấn” được xây dựng từ rất sớm, gắn liền với việc ra đời của kinh đô Thăng Long thời Lý (1010). Tứ trấn Thăng Long - Hà Nội thường tổ chức lễ hội vào mùa xuân, vào ngày đản Thánh, với việc dâng hoa, hương, trà, rượu, rước kiệu và diễu hành. Ở các lễ hội này có nhiều điểm giống nhau, nhưng cũng có nhiều nét độc đáo riêng. Cũng là rước kiệu, nhưng mỗi lễ rước ở đây lại khác nhau, kiệu đi nhanh, đi chậm, đi trước, đi sau, trục đường đi và cách sắp xếp lực lượng tham gia rước cũng khác nhau.

1. Đền Bạch Mã, đây là ngôi đền thờ thần Long Đỗ, vị thần được vua Lý Thái Tổ phong làm Thành hoàng của Kinh thành Thăng Long. Lễ hội này gắn liền với nghi lễ tiễn Xuân Ngưu (lễ dâng trâu mùa xuân) được duy trì từ thế kỷ XVII, có bách quan và toàn dân tham gia. Lễ hội diễn ra vào ngày 12-13 tháng 2 âm lịch. Đến đầu thế kỳ XIX, trong “Lịch triều hiến chương loại chí” Phan Huy Chú cũng đã khảo về Lễ tiễn Xuân Ngưu vào ngày lập xuân - đây là một phong tục vừa có tính nghi thức cung đình, vừa có tính tín ngưỡng dân gian của Kinh thành Thăng Long. Lễ hội tồn tại suốt thời Hậu Lê. Cho đến khoảng năm 1906, hội đều có đám rước, thu hút trên 500 người đi từ đền Bạch Mã, qua Mã Mây, dừng bước ở đền Bà Kiệu, sau đó đi vòng quanh bờ Hồ qua Hàng Đào, Hàng Buồm rồi trở về đền. Ngày nay, lễ hội đền Bạch Mã vẫn được tổ chức hàng năm nhưng với quy mô nhỏ hơn.

2. Đền Voi Phục thờ Đức thánh Linh Lang Đại vương, vị thần trấn phía Tây với tư cách là thần linh của cả một vùng rộng lớn. Lễ hội chính của đền Voi Phục, diễn ra vào ngày 10 tháng hai âm lịch, có thể kéo dài từ 3 cho tới 10 ngày tùy theo sự đóng góp của nhân dân. Hội tổ chức lớn lần cuối cùng vào khoảng những năm 1921, có 13 làng trại tham gia rất đông đảo. Ngày 10 tháng 2, mở đầu là đoàn rước của đền Voi Phục - Thụy Khuê vào lễ Thánh, tiếp theo là đoàn Thủy Lệ và các nơi chung thờ Thánh.  Những năm mở đại hội, đám rước thật linh đình, Vạn Phúc làm chủ tế, Thủ Lệ đọc chúc văn. 

Ngày chính tiệc của đại lễ tổ chức 5 năm một lần. Kiệu Ngọc Lộ được rước từ đình làng Tổng Vạn Phúc về Thủ Lệ và được đặt ở sân rồng trước tam quan. Kiệu bát cống do trai làng khiêng qua những đồi gò Miếu Trắng, Gò Nhót, Gò Đất, Núi Rùa (Núi Trúc) muốn giữ thăng bằng, các đô tùy phải vừa khiêng vừa bò, vừa cử người giữ nhịp để cho kiệu và đồ thờ khỏi đổ. Chỗ đỗ kiệu là dốc Núi Bò - gần Đại sứ quán Thụy Điển. Mỗi lần đại hội, Tây trấn Thăng Long lại tưng bừng, không chỉ có Thập tam trại mà mấy tỉnh cũng cử đoàn về dự như Bồng Lai, Chí Trung, Tăng Non, Đình Vĩ (Hà Tây cũ), Đình Bảng (Bắc Ninh), Thọ Vực (Hưng Yên).

3. Đình Kim Liên, thờ thần Cao Sơn (vị thần trấn phía Nam). Đình nguyên ở trên đất phường Kim Hoa (sau thuộc phường Đông Tác) huyện Thọ Xương cũ, nay thuộc Phương Liên, Đống Đa. Di vật quan trọng nhất tại đình là tấm bia đá “Cao Sơn Đại vương từ bi minh” do sử thần Lê Trung soạn năm 1510 nói về công lao của thần Cao Sơn trong việc giúp vua giành ngai vàng từ tay ngoại thích. Lễ hội chính diễn ra vào ngày đản Thánh 16-3 Âm lịch. Trước đây khi làng vào đám thì dân 2 làng Yên Ninh (Ba Đình) và Phương Liệt (Thanh Xuân) rước về đình Kim Liên hội lễ, lễ vật đặc biệt ở đình Kim Liên là mâm cỗ 7 tầng được chế biến rất cầu kỳ.

4. Đền Quán Thánh (Quán Trấn Vũ), thờ Huyền Thiên Trấn Vũ - vị thần trấn giữ sự yên bình cho Kinh thành Thăng Long ở phía Bắc. Tượng Huyền Thiên Trấn Vũ là pho tượng đồng lớn vào bậc nhất ở miền Bắc do các nghệ nhân Ngũ Xá đúc vào năm 1677. Thánh Trấn Vũ được xem như thần Thành Hoàng các làng xung quanh đó như: Yên Quang, Thụy Chương, Yên Thái, Yên Phụ. Ngay từ đời Lê, mỗi năm dân làng Yên Quang phải cử hành hai kỳ rước (Tuần hồ), trước khi rước đọc sắc tuyên của nhà vua.

Cho đến nay, một số lễ hội ở Hà Nội đang được phục hồi. Người dân tham gia vào các nghi thức rước lễ truyền thống gồm đủ mọi thành phần, lứa tuổi. Đây là dịp để mọi người tìm đến với nhau, trong không gian văn hóa tâm linh và cùng tham gia vào một hình thức sinh hoạt cộng đồng có truyền thống lâu đời. Thông qua đó, mọi người thể hiện lòng tự hào về quê hương đất nước, địa phương của mình và bày tỏ lòng thành kính với công đức của những vị anh hùng dân tộc có công lớn trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước.



(Theo anninhthudo.vn)

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)