Vua Lê Thánh Tông dưới con mắt các nhà khoa học
Nhiều ý kiến ủng hộ
GS, NGND Nguyễn Đình Chú cho biết: “Trước đây
thầy giáo của tôi là cụ Cao Xuân Huy (Một nhà nghiên cứu chuyên về lịch
sử tư tưởng Triết học Phương Đông, cũng là người có đóng góp to lớn
trong việc đào tạo các nhà nghiên cứu Cổ học Việt Nam) đã coi Lê Thánh
Tông và Tự Đức là hai nhà văn hoá bậc nhất thời trung đại. Bản thân tôi
cũng cho rằng, vua Lê Thánh Tông là nhà văn hoá hàng đầu từ xưa tới
nay”.
Theo GS Nguyễn Đình Chú, muốn hiểu được về nhà
văn hoá Lê Thánh Tông phải có cách hiểu chứ không thể theo cách thông
thường. Trước tiên phải quan niệm thế nào là văn hoá. Văn hoá có hàng
ngàn nghĩa, có nghĩa rộng có nghĩa hẹp. Nếu theo nghĩa rộng thì nó chính
là tất cả những gì của sự sống mà đạt được chất lượng cao và trở thành
tư tưởng thì là văn hoá. Vua Lê Thánh Tông không chỉ để lại rất nhiều
sản phẩm về văn hoá như các công trình, thư tịch... có giá trị. Đó chính
là những thứ có vai trò thúc đẩy lịch sử phát triển. Tuy nhiên, nếu chỉ
dừng lại đây thì chưa thể gọi là nhà văn hoá.
“Vua Lê Thánh Tông là ông vua duy nhất trong
lịch sử Việt Nam thời phong kiến đưa đất nước trở nên thực sự cường
thịnh và ngang tầm với các nước trong khu vực. Ông cũng cho xây dựng đất
nước trên một nền tảng Nho giáo và xây dựng nhà nước pháp quyền phong
kiến rất tuyệt vời. Ông từng ra đề thi cho các thí sinh phê bình ông.
Tôi nghĩ đó chính là những nét rất đổi mới. Ông cũng là người đề ra vấn
đề nữ quyền trong bộ luật Hồng Đức. Đây là người đầu tiên đề cập đến vấn
đề nữ quyền ở nhà nước phong kiến” - GS Nguyễn Đình Chú nói.
Giáo sư Chú cho biết thêm, càng đọc về vị vua
này, ông càng thấy có nhiều điều mới mẻ và thú vị. Ông cho rằng vua Lê
Thánh Tông chính là một bông hoa đẹp mà thế giới cần có những bông hoa
đẹp như thế!
Phố Lê Thánh Tông là
một trong những con đường thân quen của người dân Hà Nội. |
GS Hà Đình Đức - Hội Khoa học Lịch sử khi biết
về ý tưởng đề xuất Lê Thánh Tông là danh nhân văn hóa thế giới cũng rất
đồng tình. Ông cho rằng, vua Lê Thánh Tông rất xứng đáng trở thành danh
nhân văn hoá thế giới. “Vua Lê Thánh Tông đã đóng góp cho văn hoá Việt
Nam rất lớn. Và đóng góp cho văn hoá Việt Nam cũng là đóng góp cho văn
hoá thế giới. Nếu so sánh với các vị danh nhân văn hoá thế giới của Việt
Nam đã được công nhận thì vua Lê Thánh Tông cũng rất xứng tầm. Vị vua
này đã có công rất lớn trong việc “trị quốc – bình thiên hạ” và để lại
nhiều tư tưởng vẫn có giá trị cho đến ngày nay” – GS Hà Đình Đức nói.
Chuyện không thể vội
vàng
“Nếu muốn vua Lê Thánh Tông trở thành danh nhân văn
hoá thế giới thì trước hết phải là danh nhân văn hoá của dân tộc Việt
Nam và được dân tộc Việt Nam tôn vinh”. - GS Trần Lâm Biền |
Mặc
dù rất ủng hộ với ý tưởng đề xuất vua Lê Thánh Tông trở thành danh nhân
văn hoá thế giới nhưng giáo sư Hà Đình Đức vẫn cho rằng đây là việc làm
không đơn giản. Câu chuyện trên thực tế mới chỉ dừng lại ở ý tưởng nên
việc này cần có sự tham vấn của các nhà chuyên môn một cách cẩn trọng,
tỉ mỉ và tập hợp được kho tư liệu, chứng cứ vững chắc.
Chúng tôi cũng đã tham khảo ý kiến của GS Vũ
Ngọc Khánh về vấn đề này. GS Khánh cũng là người dành nhiều thiện cảm
với vua Lê Thánh Tông. Tuy nhiên, Giáo sư cho rằng, nếu phong vua Lê
Thánh Tông là danh nhân văn hoá thì được nhưng nếu là danh nhân văn hoá
thế giới thì ông thấy chưa ổn. Theo vị giáo sư này, những đóng góp của
vua Lê Thánh Tông mang tầm quốc gia chứ chưa có tầm của nhân loại.
Còn GS sử học Trần Lâm Biền cũng đồng ý về mặt ý
tưởng. Tuy nhiên, ông đưa ra khuyến cáo chúng ta chưa có những nghiên
cứu về Lê Thánh Tông một cách đầy đủ. Việc nghiên cứu không thể chỉ qua
một cuộc hội thảo mà cần có nhiều cuộc hội thảo. Và cần đặt vấn đề này
với các cơ quan chuyên môn như Hội Khoa học lịch sử, Bộ VH,TT&DL...
để cùng bàn bạc.
(Theo giadinh.net.vn)