Ảnh: Internet
Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo.
Ngay từ nhỏ, do sống ở vùng nông thôn heo hút, ít tiếp xúc với cuộc sống
sôi động bên ngoài nên tôi cứ “ngây ngây thơ thơ”. Niềm vui của tôi là
làm bạn với trang sách từ những cuốn sách của người anh họ mà tôi mượn
được. Bởi vậy, dường như tôi trở nên… già trước tuổi. Những chuyện tôi
biết và nói ra không giống như những đứa trẻ khác nghĩ. Nhiều đứa bạn
coi tôi là một thứ “dị hợm”. Vào học cấp III, phần lớn lớp tôi là những
đứa con nhà khá giả, nỗi mặc cảm càng đè nặng trong tôi. Tôi thu mình
lại như con tằm tự chui vào chiếc kén do chính mình tạo ra và
tự xem mình là kẻ có “cái mặt không chơi được”.
Cuối cấp III, tôi thầm để ý một cô gái
lớp bên cạnh. Cô ấy xinh xắn lại học rất giỏi. Không chỉ tôi, mà nhiều
đứa khác cũng ngấp nghé. Nhưng tôi chưa bao giờ dám nói thật. Tôi chỉ
giãi bày tình cảm của mình trong trang nhật ký. Nhưng từ độ ấy, tôi tự
thấy rằng mình phải sống mạnh mẽ hơn, sống tốt hơn, học giỏi hơn để ít
nhất cũng “xứng đáng với người ấy”. Từ một người nhút nhát, tôi được bầu
làm lớp phó học tập, lớp trưởng, bí thư chi đoàn lớp. Mặc cảm tự ty
của tôi dần bị đẩy lùi. Nhưng tôi vẫn chưa một lần dám ngỏ với cô ấy. Có
lẽ tình cảm đơn phương đã giúp tôi có thêm nghị lực để phấn đấu.
Trong bốn năm đại học, tôi đã vài lần
viết thư ngỏ lời với cô ấy, nhưng tất cả những gì tôi nhận được là một
sự im lặng. Dù rất buồn, nhưng tôi nghĩ, cuộc đời vẫn còn nhiều thứ khác
để hướng tới. Dù sao thì chính tình yêu của tôi dành cho cô ấy đã giúp
tôi đạt được nhiều điều trong cuộc sống. Ra trường với tấm bằng loại
giỏi, tôi rất tự tin tìm việc làm… Đôi lúc nhớ cô ấy, tôi lại tự nhủ
lòng: Mình phải phấn đấu nhiều hơn nữa.
Bây giờ, tôi và cô ấy mỗi người đều có
gia đình riêng. Tôi nghiệm ra một điều rằng, chính tình yêu và trách
nhiệm đã giúp mọi người sống tốt hơn. Đừng bao giờ tự cho mình có “cái
mặt không chơi được”. .
(Theo phunuonline.com.vn)