Thiết kế, mở đường công cuộc đổi mới
Sau
khi tổ quốc thống nhất, đồng chí Nguyễn Văn Linh 3 lần được Đảng trao
trách nhiệm Bí thư Thành uỷ TPHCM (1976, 1981, 1982). Đi sát thực tiễn,
tổng kết thực tiễn từ chính nơi này, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã "có
những đóng góp tích cực và có hiệu quả vào việc thiết kế đường lối,
chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước" góp phần mở ra thời kỳ đổi mới
trong xây dựng CNXH ở nước ta.
Tháng 12. 1986, tại Đại hội lần
thứ VI của Đảng, được bầu là Tổng Bí thư BCHTƯ, đồng chí Nguyễn Văn Linh
trở thành Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng lãnh đạo tổ chức thực hiện sự
nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng, mở ra thời kỳ đổi mới trong xây
dựng và bảo vệ tổ quốc xã hội của nghĩa ở Việt Nam.
Phải thấy
hết những khó khăn mọi mặt của đất nước vào thời gian này, với lạm phát 3
con số, đời sống khó khăn, sự bao vây cấm vận của kẻ thù, sự khủng
hoảng ngày càng sâu sắc bên bờ sụp đổ của các nước XHCN bắt đầu tác động
vào nước ta, lòng tin của nhân dân vào Đảng và chế độ suy giảm, mới
thấy hết yêu cầu của lịch sử đối với vị trí của người đứng đầu BCHTƯ
Đảng trước vận mệnh của chế độ, của Đảng và dân tộc.
Trong lịch
sử của mình, có hai lần Đảng ta dùng đến chữ hiểm nghèo để nói về tình
thế của cách mạng nước ta: Lần thứ nhất là năm 1945-1946 và lần này ở
lúc đã hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ trong cả nước, đất nước
thống nhất đã được 10 năm. Đó là một thử thách khắc nghiệt của lịch sử
và việc đưa con thuyền cách mạng Việt Nam “vượt qua những bước hiểm
nghèo” đó cho thấy bản lĩnh chính trị vững vàng, trí tuệ sáng suốt của
Đảng ta và của người đứng đầu BCHTƯ trước tình thế đó.
Năm năm
đầu tiên vừa mở đường, vừa tiến lên, với những thành công toàn diện trên
các lĩnh vực, còn là sự chuẩn bị tốt nhất, đầy đủ nhất cơ sở lý luận và
thực tiễn cho Đảng ta, với sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh
chuẩn bị Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở
nước ta và hoạch định Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế đến năm
2000 và được thông qua ở Đại hội VII năm 1991.
Thành công trong
thực hiện Chiến lược kinh tế và sự đúng đắn của Cương lĩnh năm 1991 tác
động tới hiện nay đã chỉ rõ năng lực tiên phong, sáng tạo trong tư duy
khoa học và tài năng tổ chức thực hiện và trách nhiệm của những người
cộng sản Việt Nam đứng đầu là đồng chí Nguyễn Văn Linh.
Khắc
phục khuynh hướng Đảng bao biện, làm thay
Trên phương
diện tổ chức vĩ mô, đồng chí cho rằng, cần phải tiếp tục phân định rõ
chức năng của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể quần chúng. Để làm tốt công
tác này, theo đồng chí, "trước hết phải khắc phục khuynh hướng Đảng bao
biện làm thay công việc Nhà nước và lãnh đạo theo lối áp đặt, đồng thời
chống khuynh hướng buông lỏng lãnh đạo phó mặc hoàn toàn cho Nhà nước".
Theo đồng chí, phát triển dân chủ, nhưng phải ngăn chặn những
biểu hiện dân chủ cực đoan, vô nguyên tắc, nặng về đòi hỏi mở rộng dân
chủ, nhẹ về tôn trọng kỷ luật, kỷ cương và pháp luật. Tuy nhiên, vấn đề
cốt lõi, như đồng chí Nguyễn Văn Linh đã viết: "Để thực hiện dân chủ hoá
xã hội, trước hết phải dân chủ hoá trong Đảng. Từ BCHTƯ, Bộ Chính trị,
Ban Bí thư cho đến các tổ chức Đảng cơ sở phải là tấm gương mẫu mực
trong việc thực hiện dân chủ.
Đồng chí Nguyễn Văn Linh rất nhấn
mạnh vai trò của đoàn kết thống nhất trong Đảng trước mỗi sự chuyển đổi
của tình hình và nhiệm vụ cách mạng. Từ chiến tranh sang hoà bình xây
dựng là sự chuyển đổi rất to lớn thì cuộc đấu tranh giữa cái riêng với
cái chung diễn ra trong từng người càng gay gắt hơn.
Trong điều
kiện như vậy, vai trò của việc hoạch định đường lối, chính sách đúng
đắn, thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc sinh hoạt Đảng, đấu tranh chống
chủ nghĩa cá nhân cũng như phát huy và thể hiện trên thực tế tính giai
cấp, tính tiền phong của đảng viên là những vấn đề hết sức quan trọng
nhằm nâng cao sức chiến đấu của Đảng.
Mặt khác, Đảng phải tăng
cường kỷ luật, phải chấm dứt các hiện tượng sâu mọt làm hại uy tín của
Đảng và phải "cấp bách củng cố tổ chức cơ sở Đảng và đẩy mạnh cuộc vận
động làm trong sạch Đảng và tổ chức bộ máy nhà nước, làm lành mạnh các
quan hệ xã hội".
Luôn xuất hiện không ồn ào ở những địa điểm,
thời điểm khó khăn và cả trong những bước ngoặt của cách mạng để tổ chức
thực hiện thành công các nghị quyết của Đảng ta trong cách mạng, trong 2
cuộc kháng chiến và ở những năm đầu khởi nghiệp đổi mới, đồng chí
Nguyễn Văn Linh đã thể hiện nổi bật phẩm chất của nhà lãnh đạo: Kiên
định về chính trị và trí sáng tạo, sự tận tụy và lòng trung thành, tài
năng tổ chức của một nhà hoạt động chính trị chuyên nghiệp luôn "giữ
vững nguyên tắc trong quan điểm, đồng thời linh hoạt trong chính sách,
luôn luôn gắn bó với thực tiễn đất nước, đồng cảm với đồng bào, chiến
sĩ".
Tấm gương của người cộng sản Nguyễn Văn Linh mãi toả
sáng!
Thực tiễn là ông thầy phán xét.
Nhắc đến cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh là nhắc đến công cuộc đổi mới -
bước ngoặt có ý nghĩa lịch sử cho cách mạng Việt Nam. Quan điểm của
ông rất rõ ràng: “Mọi vấn đề đều có thể tranh luận quyết liệt, nhưng đã
quyết rồi thì phải theo đa số, rồi thực tiễn sẽ là ông thầy phán xét”.
Ông cũng không ngần ngại khi nói rõ quan điểm: “Đổi mới là cuộc cách
mạng sâu sắc, triệt để: Đổi mới tư duy, đổi mới chính sách, đổi mới tổ
chức, đổi mới cán bộ...Người lãnh đạo mà bảo thủ, sai lầm, không chấp
nhận đổi mới thật sự thì không thể lãnh đạo được”.
V.H
“Nguyễn
Văn Linh - người cộng sản mẫu mực, sáng tạo” - triển lãm ảnh
diễn ra từ 29.6 tại Nhà văn hoá Thanh Niên TP.HCM, giới thiệu 88 ảnh tư
liệu và các bảng trích, được trưng bày theo 2 chủ đề riêng: “Đồng chí
Nguyễn Văn Linh – những năm tháng kháng chiến” và “Đồng chí Nguyễn Văn
Linh với công cuộc đổi mới đất nước”. Đây là một trong các hoạt động
được tổ chức nhân kỷ niệm 95 năm Ngày sinh của cố Tổng Bí thư (1.7.1915 –
1.7.2010) nhằm khẳng định công lao to lớn của ông với sự nghiệp cách
mạng, tôn vinh tấm gương đạo đức, trí tuệ sáng ngời của ông - người đã
khởi xướng và cùng toàn Đảng lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước.
Â.T
(Theo Laodong.com.vn)
|