Theo nghiên
cứu của các nhà khoa học, ở Việt Nam trong 50 năm qua (1951-2000), nhiệt
độ trung bình năm đã tăng khoảng 0,7 độ C và mực nước biển đã dâng
khoảng 20cm. Hiện tượng El-Nino, La-Nina ngày càng tác động mạnh mẽ đến
Việt Nam dẫn đến thiên tai, mà đặc biệt là bão, lũ, hạn hán ngày càng ác
liệt. Đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là một trong năm nước
sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng của BĐKH và nước biển dâng, trong đó vùng
đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long bị ngập chìm nặng nhất. Nếu mực
nước biển dâng 1m sẽ có khoảng 5% diện tích và 11% dân số bị ảnh hưởng
trực tiếp, tổn thất đối với GDP khoảng 10%. Nếu nước biển dâng 3m sẽ có
khoảng 12% diện tích, 25% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất đối
với GDP lên tới 25%. Nếu mực nước biến dâng 5m sẽ có khoảng 16% diện
tích, 37% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất GDP lên tới trên
40%.
Tác động của BĐKH đã ảnh hưởng và tác động nghiêm trọng đến môi trường,
phát triển các ngành công nghiệp, cơ sở hạ tầng giao thông, nhà ở, dịch
vụ công cộng và đặc biệt là tác động mạnh tới ngành nông lâm nghiệp. Do
BĐKH, hệ sinh thái rừng bị ảnh hưởng theo các chiều hướng khác nhau.

Do biến đổi khí hậu, hiện tượng xâm mặn làm cho việc nuôi trồng thủy
sản trên sông Tiền ngày càng gặp nhiều khó khăn
Hiện tượng nước biển dâng và ngập mặn gia tăng dẫn đến các hậu quả:
nước mặn lấn sâu vào nội địa, làm mất nơi sinh sống thích hợp của một số
loài thuỷ sản nước ngọt. Rừng ngập mặn bị thu hẹp, ảnh hưởng đến hệ
sinh thái của một số loài thuỷ sản. Hậu quả của các tác động trên cùng
với nguy cơ nguồn nước sông bị suy giảm về lưu lượng, dẫn đến việc giảm
năng lực nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt ở trên đất liền các vùng đồng
bằng sông Cửu Long và sông Hồng. BĐKH cũng gây ra nhiều tác động tiêu
cực tới trữ lượng các bãi cá và nghề đánh cá trên các vùng biển nước ta.
Cường độ mưa lớn làm cho nồng độ muối giảm đi trong một thời gian ngắn
dẫn đến sinh vật nước lợ và ven bờ, đặc biệt là nhuyễn thể hai vỏ
(nghêu, ngao, sò...) bị chết hàng loạt do không chống chịu nổi với nồng
độ muối thay đổi. Mặc dù BĐKH đang đặt ra những thách thức lớn đối với
Việt Nam song cho đến nay, chưa có nhiều nghiên cứu về biến đổi khí hậu ở
Việt Nam, đặc biệt là còn thiếu các nghiên cứu dưới góc độ kinh tế.
Hiện mới có nghiên cứu do Ngân hàng thế giới thực hiện được công bố
chính thức; tuy nhiên, nghiên cứu này mới chỉ tập trung vào tác động của
mực nước biển chứ chưa phân tích các tác động khác của biến đổi khí
hậu. BĐKH là một trong những vấn đề nóng bỏng nhất trên phạm vi toàn cầu
trong giai đoạn hiện nay có ảnh hưởng đến nhiều quốc gia trong đó Việt
Nam là một trong năm quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới.
Việt Nam đã và đang triển khai một số chương trình dự án liên quan đến
BĐKH, tuy nhiên khái niệm về BĐKH cũng như tác động tiềm tàng của BĐKH
và tính chất cần thiết của việc triển khai áp dụng các biện pháp thích
ứng với BĐKH vẫn chưa được người dân Việt Nam nhận thức một cách đầy đủ.
Các nghiên cứu phân tích kinh tế về BĐKH ở Việt Nam trong thời gian tới
nên tập trung làm rõ về ảnh hưởng của BĐKH đến các ngành kinh tế, đến
mục tiêu phát triển, đặc biệt là đến mục tiêu xóa đói giảm nghèo. Các
nhà nghiên cứu cũng cần triển khai nhanh nhằm xác định các biện pháp
thích ứng có hiệu quả nhất trong ngắn hạn, dài hạn và xác định chiến
lược để đảm bảo sự tăng trưởng kinh tế bền vững, thực hiện thành công
mục tiêu xóa đói giảm nghèo và đảm bảo cuộc sống ấm no cho người dân.
Đặc biệt, chiến lược và các biện pháp thích ứng cần được tích hợp một
cách đầy đủ vào chương trình phát triển kinh tế xã hội của các địa
phương và của nhà nước để có thể được triển khai một cách hiệu quả nhất.