Cần có biện pháp hữu hiệu giúp nông dân
vượt qua mùa nắng hạn kỷ lục
Ảnh:
THÁI AN
Thiếu điện do thời tiết
Hơn một tháng qua, đã có tới 3 lần cả EVN và Bộ Công thương đều “đồng
thanh” khẳng định: Sang tháng 7, tình hình cung ứng điện sẽ khả quan
hơn, sẽ bớt căng thẳng hơn. Phó Giám đốc EVN Đặng Hoàng An từng khẳng
định như đinh đóng cột rằng qua 20-6, điện sẽ ổn định do lũ tiểu mãn về.
Đến 20-6, lũ không về, “nhà đèn” lại một lần nữa hứa: Sau ngày 1-7, sẽ
không tái diễn cảnh cắt điện luân phiên, đặc biệt là cắt điện vào buổi
tối.
Tuy nhiên, thực tế đã và đang diễn ra những ngày qua đã phủ định những
lời hứa hẹn của “nhà đèn”, khi các khu vực nội, ngoại thành Hà Nội như
Phú Xuyên (quận Hà Đông) Cổ Nhuế , Yên Hoà (quận Cầu Giấy), Nhân Chính,
Nguyễn Quý Đức (Thanh Xuân)... từ đầu tháng 7 đến nay, liên tục điện bị
cắt. Đơn cử như, khu vực quận Thanh Xuân, trong ngày 6-7, bị cắt điện
gần 3 tiếng từ 17h30 đến 20h30. Ngày 7 -7, cắt từ 22h20 đến gần 24 h.
Khu vực Yên Hoà, Cầu Giấy, ngày 8-7, cắt điện từ 7h đến gần trưa. Khu
vực quận Hoàng Mai cắt từ 1h tới sáng... Cho dù những khu vực này không
nằm trong lịch cắt điện của Tổng công ty Điện lực Hà Nội.
Đưa ra lý do cho việc vẫn tiết giảm điện, trong một cuộc họp báo mới
đây, Phó giám đốc Tổng công ty Điện lực Hà Nội Vũ Quang Hùng vẫn đổ lỗi
cho “Ông Trời”. Theo ông Hùng, do diễn biến thời tiết thất thường, nắng
nóng và khô hạn xảy ra trên diện rộng khiến nhu cầu dùng điện tăng đột
biến. “Nhà đèn” không còn cách nào khác phải tiết giảm điện, bằng việc
cắt điện luân phiên. Một lý do nữa mà lãnh đạo Điện lực Hà Nội đưa ra là
do phải sửa chữa, bảo dưỡng đường dây định kỳ, hoặc mất điện do trạm
biến áp quá tải... Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là, ngoài lý do khách quan
tại “Ông Trời” thì những lý do còn lại ngành điện hoàn toàn có thể tự
mình khắc phục.
Ông Đào Văn Hưng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập Đoàn Điện lực Việt
Nam (EVN) đã từng đưa ra lời khẳng định chắc chắn rằng: “Khi EVN đã đưa
ra quyết định không cắt điện thì sẽ thực hiện đúng như cam kết”. Tuy
nhiên, ngay sau đó ngành điện cho rằng lưới điện cục bộ ở từng địa
phương trong điều kiện trời nắng nóng như thế này thì bản thân thiết bị
và khả năng mang tải thiết bị cũng bị giảm. Việc điện bất ngờ bị cắt đã
và đang diễn ra ở một số địa phương chủ yếu là do sự cố về lưới điện,
do đường dây, trạm biến áp và rơle quá tải... Đây phải chăng là những
“lý do chính đáng” mà ngành điện có thể đưa ra bất cứ lúc nào? Có lẽ,
cũng bởi tại Ông Trời không thể phản ứng gì, nên ngành điện cứ tha hồ đổ
lỗi cho Ông Trời. Trong khi còn biết bao nhiêu lý do chủ quan có thể tự
mình khắc phục được thì không thấy nhắc đến. Như việc: Tại sao không
mua điện của các nhà máy điện tư nhân, không tận dụng các nguồn điện
khác mà lại cứ trông chờ vào thuỷ điện...

Chủ động sửa chữa máy bơm, sẵn sàng phục vụ sản
xuất
Ảnh: HL
Nắng nóng còn khốc liệt, thuỷ điện vẫn chờ
Trời!
Theo tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Trung
ương, nắng nóng vẫn còn tiếp tục kéo dài, đặc biệt trong hai
ngày 7 và 8-7 ở khu vực Bắc và Trung Trung bộ xảy ra nắng nóng gay gắt
diện rộng, nhiệt độ cao nhất phổ biến là 36 – 39oC, nhiều nơi ở Bắc bộ
và Bắc Trung bộ nhiệt độ cao nhất lên tới trên 400C độ như: Lạc Sơn (Hòa
Bình); Minh Đài (Phú Thọ) 410C; Phủ Lý (Hà Nam) 400C; Tĩnh Gia (Thanh
Hóa) 410C; Quỳ Hợp, Tây Hiếu (Nghệ An) 410C... Dự báo nắng nóng gay gắt ở
Bắc bộ sẽ kéo dài đến hết ngày 11-7, sau đó nền nhiệt độ cao nhất sẽ
giảm xuống dưới 370C.
Tiến sỹ Nguyễn Lan Châu, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ
văn Trung ương cho biết: Chưa chắc đây đã phải là đợt nóng nhất trong
năm nay. Bắc bộ và Trung bộ còn phải trải qua 6-7 đợt nắng nóng nữa. Với
trạng thái thời tiết bất thường như hiện nay, có khả năng nắng nóng còn
diễn ra khốc liệt hơn.
Bà Lan Châu cho biết: Thời điểm này, lũ tiểu mãn đã xuất hiện 3 đợt
từ cuối tháng 6 đến nay đã cải thiện chút ít cho tình trạng nước ở
các sông, hồ. Tuy nhiên, do mực nước đã xuống dưới mực nước chết từ
nhiều tháng trước đó, lại thiếu mưa nên tình hình không cải thiện được
bao nhiêu. Thêm vào đó, việc các nhà máy thuỷ điện hoạt động ở Trung
Quốc cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến phần lưu vực sông phía Việt Nam
khiến cho lượng nước khan hiếm hơn bao giờ hết.
Đặc biệt, ngay đầu những tháng mùa khô đã xảy ra ít nhất ba đợt
nắng nóng khá bất thường tại các tỉnh miền Bắc, một số nơi nhiệt độ cao
nhất trong chuỗi số liệu lịch sử quan trắc. Nhiệt độ không khí cao làm
tăng lượng nước bốc hơi từ mặt đất, thảm thực vật, hồ ao làm tổn thất
dòng chảy lớn, nhất là dòng chảy ngầm.
Lượng nước ngầm suy giảm nhanh tại nhiều khu vực còn do nguyên nhân
chất lượng rừng đầu nguồn bị suy giảm dẫn tới khả năng giữ nước của rừng
không cao. Tại nhiều địa phương như Sơn La, Lai Châu, Lao Cai... tỷ lệ
che phủ rừng tăng nhưng diện tích rừng nguyên sinh, rừng nhiều tầng,
rừng phòng hộ đầu nguồn và các loại rừng có khả năng giữ nước, sinh thuỷ
đã giảm sút, làm mất đi khả năng điều tiết nước, giữ nước của lưu vực
sông dẫn tới tình trạng khi có mưa, nước sông lên nhanh, khi không mưa,
sông cạn nước.
Theo kết quả kiểm tra của các cơ quan chuyên môn, do nhu cầu sử dụng
tài nguyên nước tăng, nên trong khoảng 10 năm gần đây mỗi năm nước ngầm ở
Hà Nội đã giảm khoảng 1m. Tại khu vực ở Thành phố Hồ Chí Minh, tính từ
đầu năm đến nay, mực nước ngầm ở một số khu vực bị tụt xuống xấp xi
0,8m so với những tháng trước. Tình hình khô hạn và thời tiết khắc
nghiệt chắc chắn sẽ lại là một nguyên nhân được ngành điện nhắc tới để
giải thích cho việc cắt điện chưa có dấu hiệu ngừng như hiện nay.
(Theo daidoanket.vn)
|