100 năm Ngày sinh nhà văn Nguyễn Tuân 10/7/1910 - 10/7/2010: Mậu Thân ở nhà bác Nguyễn Tuân
Năm
1968, giao thừa của cái năm gây sự kiện chấn động cả nước Mỹ, năm miền
Nam tấn công và nổi dậy khắp 120 thị thành làm rung chuyển Nhà Trắng và
cả thế giới, tôi và anh Tạo như thường lệ chuẩn bị chai rượu từ chiều
ngày 30, hễ nghe pháo giao thừa người người đi hái lộc quanh hồ Hoàn
Kiếm trước nhà tôi thì chúng tôi “xuống đường” đến thăm nhà bác Nguyễn.
Cuốn sách của nhà văn
Đoàn Minh Tuấn. |
Năm
ấy chúng tôi đến vào lúc 2 giờ sáng. Bác nằm trên ghế xếp giữa nhà, một
bóng điện tròn bé tí có chụp che vừa đủ tỏa sáng căn phòng nhỏ hơn mười
mét vuông, căn phòng giờ bác gái vẫn giữ làm “bảo tàng” cho nhà văn bậc
thầy tài hoa và nổi danh từ lâu khắp cõi từ Âu sang Á.
Cái cảnh
“gần chùa gọi bụt bằng anh”, chúng tôi lếu láo gọi anh Út Cả - từ của
anh em nhà văn miền Nam chúng tôi xưng hô với bác. Anh Út Cả mừng vui,
anh lấy một góc chưa đầy một phần năm chai cô-nhắc rót ra 3 ly nhỏ với 1
miếng pho-mát Nga xén ra trên đĩa gốm Bát Tràng...
- Mời, chúc gì
nhỉ?
- Kính chúc anh vạn hạnh!
Đối với chúng tôi, anh xem
như em út trong nhà nên không bao giờ anh nói nhiều, đêm nay anh chỉ
nhắc câu thơ của Cụ Hồ:
“Bao giờ kháng chiến thành công
Bắc
Nam cùng uống một chung rượu đào”.
Bây giờ kháng chiến sắp thành
công rồi, Bắc Nam sắp thống nhất, giang sơn một dải, năm nay cạn chén
nhe!
Chúng tôi đứng dậy, cảm động, tay run run cầm ly rượu nhỏ màu
nho cùng anh uống cạn...
Đêm ấy tôi có mang theo bánh pháo nhỏ,
bây giờ cuộc chiến tranh phá hoại, pháo đến 2 giờ sáng đã thưa thớt, chỉ
còn đì đoàng phía bên kia sông Hồng, gió tạt lại mùi nồng lạnh - tôi
xin phép anh đốt cho vui, thế là chúng tôi đều ra cái ban công nhà anh
rộng chưa đầy hai mét, ba anh em nhìn ra khoảng trời trống đầu ngõ hẻm
và đưa pháo ra đốt.
Chúng tôi vừa nhắm rượu vừa nói chuyện thời
cuộc. Năm ấy thấy bác Nguyễn vui, không như mọi năm đầu của thập niên,
giao thừa bác thường tắt đèn ngồi trầm ngâm độc ẩm với làn khói mỏng của
hương trầm đặc biệt mua ở chùa Quán Sứ!...
Bác nói vui với chúng
tôi, Thủ tướng Phạm Văn Đồng vừa công du ở Đông Âu về có gửi cho bác
chai rượu Tây ngon lắm, bác chờ ra Giêng có rượu thịt, hẹn có cả Tô Hoài
cho vui. Hồi ấy rượu cô-nhắc rất quý, pho-mát Nga đông cứng như bánh xà
phòng thế mà xem như của lạ.
Và bác lại tiếp vui!
- Sáng
nay hai thằng mày - bác gọi chúng tôi thế - có biết Út Cả vui về gì
không? Lại có một cha hay theo “giúp đỡ” anh em văn nghệ chúng mình đem
rượu và giò lụa đến đây uống với Út Cả. Anh ta bảo “Thưa bác! Cả năm nay
bác cháu chúng ta bình yên, chúng cháu lại đến liên hoan cùng bác”.
Anh
Nguyễn cười hóm:
- Thế hai thằng mày có thấy vui không?
Mà
vui thật, năm ấy anh Nguyễn vừa hoàn thành tác phẩm “Hà Nội ta đánh Mỹ
giỏi” đề nghị Văn Cao vẽ bìa, ngoài bìa có những chiếc hầm tròn như
những vại bia và hơi giống như mắt thần của bộ đội cao xạ nhìn thẳng vào
máy bay Mỹ.
Nhà văn Nguyễn Tuân
(người thứ 2 bên phải ảnh) và những người bạn. |
Năm
nay vui chớ, tể tướng (*) có ban rượu uống và “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi”
vừa viết xong...
Và năm nay Mai Văn Tạo phải hoàn thành “Củ Chi
đất thép”. Còn Đoàn Minh Tuấn phải xong cuốn tiểu thuyết lịch sử như đã
dàn dựng về ông Vua áo vải nhé! Thôi chúng ta cùng uống mừng đại thắng!
Chúng
tôi lại hỏi chuyện để níu thời gian thừa ở nhà anh lâu hơn:
- Thế
khi nào “Mỹ cút, Ngụy nhào” bác sẽ vào đâu trước?
- Tất nhiên là
Cà Mau rồi! Ta uống mừng đường ta đi mau tới Cà Mau!
Bác gái từ
nãy giờ cứ ra ra vào vào, xem chừng để châm nước và cũng vui theo chúng
tôi. Lúc đầu bác hơi ngại, mấy năm qua cụ ông đã gặp nhiều điều không
vui, nay hai thằng miền Nam này lại đến? Nhưng trên thần sắc bác gái đã
đỡ lo âu và vui lây. Chúng tôi càng yên tâm, vì sợ bác gái kiêng cữ và
cả năm dông thì chúng tôi khó ăn khó nói!
Có tiếng gà gáy - con gà
trống dưới tầng trệt cất tiếng ò ó o!
Chúng tôi tạm biệt ra về.
Bác Nguyễn tiễn chúng tôi xuống hết cầu thang, tôi lấy ở giỏ xe một chai
quốc lủi bỏ vào áo bành tô của bác gọi là quà.
Và ngay sáng hôm
ấy Đài Tiếng nói VN đã vang vang loan tin chiến thắng lớn ở Sài Gòn và
của các thị thành phương Nam.
(Theo suckhoedoisong.vn)