Dân trí đã có cuộc trao
đổi với ông Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy
văn TƯ, xung quanh vấn đề này:
Đã sang đến tháng 7 (vào mùa mưa)
nhưng cả Bắc Bộ và Trung Bộ vẫn phải đương đầu với nắng nóng kéo dài bất
thường, có lúc vượt 40 độ C. Hiện tượng này có phải là nguyên nhân
khiến ngành khí tượng phải triệu tập cuộc họp bất thường để đưa ra những
dự báo mới về diễn biến thời tiết từ nay đến cuối năm?
Trên thực tế, năm nay mọi diễn biến thời tiết đều dị biệt so với mọi
năm. Nếu mọi năm, bắt đầu từ tháng 5 đã xuất hiện bão và áp thấp nhiệt
đới (ATNĐ) thì năm nay hiện tượng này xuất hiện rất muộn. Thay vào đó,
trong 2 tháng đầu mùa lại tiếp tục xảy ra 6 đợt nắng nóng khá gay gắt và
kéo dài hơn so với cùng cùng kỳ năm 2009. Đặc biệt, trong tháng 6 đã
xảy ra 1 đợt nắng nóng gay gắt, trên diện rộng và kéo dài kỷ lục tính
trong gần 50 năm trở lại (từ ngày 8-20/6) tại các tỉnh Bắc Bộ và Trung
Bộ, đặc biệt tại khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Trước những diễn biến này cùng những nghiên cứu khác, chúng tôi đã
phải họp bàn để đưa ra dự báo điều chỉnh cho mùa mưa bão sắp tới. Bởi
nhiều khả năng, năm nay mưa bão sẽ đến muộn, nhưng lại diễn biến rất
phức tạp khó lường.
Ông Lê Thanh Hải cảnh báo: Sau nắng nóng, hạn hán
gây ra bởi El. NIno, bão lũ có thể đến dồn dập (Ảnh: TT)
Nguyên nhân của những đợt nắng nóng bất thường này từ đâu thưa ông?
Ông dự đoán sẽ còn xảy ra bao nhiêu đợt nóng trong tháng 7 này tại Bắc
Bộ và Trung Bộ?
Do ảnh hưởng của El. Nino đã tác động đến Việt Nam từ năm ngoái,
khiến mùa mưa kết thúc sớm trên cả nước, hệ thống sông hồ đều rơi vào
tình cảnh thiếu nước. Đến tháng 5/210, nó vẫn tác động đến nhiều quốc
gia trong đó có VN, gây nắng nóng kéo dài và bất thường, càng khiến tình
trạng khô hạn thêm nghiêm trọng. Tuy nhiên hiện tượng El. Nino đang có
xu hướng dần chuyển sang La Nina. Nên đợt nắng gay gắt trong đầu tháng 7
vừa qua được nhận định là do chịu ảnh hưởng quá trình chuyển tiếp của
trạng thái thời tiết.
Tuy nhiên, chỉ đến giữa tuần sau (khoảng 14-15/7) miền Bắc sẽ chấm
dứt những đợt nắng nóng gay gắt và kéo dài. Thay vào đó là các đợt mưa
xen kẽ giữa những đợt nắng nóng ngắn ngày. Dự báo các đợt mưa lớn có khả
năng xảy ra tập trung trong cuối tháng 7 và tháng 8/2010.
Nhưng nắng nóng tại miền Trung vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Từ nay
đến cuối tháng 7, chưa nhìn thấy dấu hiệu vùng này sẽ xuất hiện mưa. Vì
thế, tình trạng khô hạn tại miền Trung trong thời gian tới rất đáng
ngại.
Bão lũ có thể đổ về dồn dập bởi hiện tượng LaNina.
(Ảnh: TT)
Cơ quan khí tượng lại đưa ra dự báo rất đáng lo: Sau nắng nóng, hạn
hán diện rộng, mùa mưa, bão, lũ năm 2010 có khả năng chuyển sang trạng
thái La Nina, với diễn biến phức tạp, bão mạnh, lũ lớn, lũ quét, sạt
lở đất dồn dập đổ về. Khu vực nào được cảnh báo có thể xảy ra nhiều
bão, lũ nhất và bắt đầu từ bao giờ, thưa ông?
Dự báo năm 2010, số lượng bão và ATNĐ hoạt động trên khu vực Biển
Đông có khả năng thấp hơn một ít so với trung bình nhiều năm (TBNN),
khoảng 10- 12 cơn (TBNN khoảng 14 - 15 cơn). Tuy nhiên, số cơn bão và
ATNĐ ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam lại tăng, từ 6 - 7 cơn (TBNN là 5 -
6 cơn). Đáng lưu ý là bão sẽ đến muộn và nhiều khả năng sẽ dồn dập đổ
về khu vực miền núi thuộc Bắc Bộ, khu vực miền Trung và tiến sâu vào Tây
Nguyên.
Các tỉnh Bắc Trung Bộ cần đề phòng khả năng có mưa lớn đến muộn vào
các tháng 9 - 11.
Cụ thể, đỉnh lũ cao nhất năm 2010, trên các sông chính ở Bắc Bộ có
khả năng xuất hiện vào tháng 8; trên các sông ở Thanh Hóa, Bình Thuận
vào tháng 8 và 9; trên các sông từ Nghệ An đến Quảng Bình và Tây Nguyên
vào tháng 9 và 10, các sông từ Quảng Trị đến Ninh Thuận vào tháng 10 và
11 và trên sông Tiền, sông Hậu vào đầu tháng 10.
Xin cảm ơn ông!
La Nina là hiện tượng biển lạnh đi ở trung tâm
Thái Bình Dương và khi hiện tượng này xảy ra, sẽ mưa nhiều hơn, ẩm nhiều
hơn ở vùng lục địa. Hệ quả là Việt Nam và các nước trên bán đảo Đông Dương sẽ xuất hiện mưa
là lũ nhiều hơn bình thường. La
Nina xuất hiện cũng sẽ ảnh hưởng đến cơ chế của bão.
|
Phạm Thanh