Hàng nghìn người sơ tán khẩn cấp tránh bão
Hải Phòng là địa
phương được dự báo tâm bão sẽ đi qua. Theo ông Lê Văn Hiến, Phó giám
đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hải Phòng, chiều
nay, hầu hết tàu thuyền đã vào bờ, chỉ còn một số ít tàu thuyền của
huyện Thủy Nguyên vẫn hoạt động ven bờ. Lực lượng bộ đội biên phòng đang
gọi những tàu này sớm cập bờ. Nhà cửa, cần cẩu, bến bãi đã được tăng
cường chằng chống. Các cửa khẩu qua đê, kè cống cũng được đặc biệt chú
ý, nhất là tuyến đê biển ở huyện đảo Cát Hải.
 |
Dùng dây kiên cố lại lồng bè chuẩn bị phòng chống bão.
Ảnh: Phương Bắc. |
"Mối lo lớn nhất của chúng tôi là huyện đảo Cát Hải.
Với bão cấp 11, giật cấp 13 như hiện nay, nếu đổ thẳng vào Hải Phòng thì
các tuyến đê, kè của huyện này rất nguy hiểm", ông Hiến nói. Chính vì
vậy, việc sơ tán hàng nghìn dân tại đây đã được triển khai, ưu tiên là
các cụ già, em nhỏ. Chậm nhất đến trưa mai phải hoàn tất. Để giúp đỡ
người dân, 100 bộ đội thuộc trung đoàn 50 đã được huy động cùng các
phương tiện cần thiết của hải quân.
Ngoài ra, với gần 600 lồng bè nuôi trồng thủy sản của
người dân, trị giá mỗi lồng vài tỷ đồng, thành phố đang gấp rút có các
phương án đối phó trong trường hợp bão đổ bộ.
Tại Quảng Ninh,
theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn, đến sáng nay
hơn 10.000 tàu thuyền đã về nơi trú bão an toàn. Cảng tàu khách du lịch
Bãi Cháy đã dừng cấp phép cho các tàu, thuyền hoạt động đưa khách tham
quan vịnh Hạ Long. Hiện các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra,
kiểm soát trên biển cũng như triển khai các biển pháp di chuyển ngư dân
sống trên các nhà bè trên vịnh Hạ Long vào nơi tránh trú án toàn.
 |
Thuyền nhỏ được buộc nối vào đuôi thuyền lớn cùng di
chuyển đến khu tránh, trú bão. Ảnh: Phương Bắc. |
Nam Định là tỉnh
được dự báo nằm trong vùng tâm bão. Trao đổi với VnExpress.net qua điện thoại, Chi cục trưởng
Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão tỉnh Đỗ Văn Khánh cho biết đang
cùng một phó chủ tịch tỉnh thị sát 3 huyện ven biển gồm Giao Thủy, Nghĩa
Hưng, Hải Hậu để chỉ đạo bà con tập trung tránh bão.
"Tỉnh đã có hai công điện yêu cầu các cấp và người dân
cảnh giác cao độ, thực hiện theo đúng phương án phòng chống lụt bão đã
được xây dựng từ đầu mùa. Đến chiều nay tất cả tàu thuyền của tỉnh đã
được thông báo về hướng di chuyển của bão, số gần bờ đã về đất liền, số
xa bờ đã có phương án trú tránh. Người dân trên các lều canh vạng, nuôi
tôm vùng ven biển đã về hết đất liền", ông Khánh thông tin.
Tháng 9/2005 Nam Định từng xảy ra vỡ đê biển, gây thiệt hại nặng nề nên
công tác hộ đê được đặc biệt chú trọng. Ông Khánh cho biết 91 km đê
biển, trong đó có 45 km trực diện với biển cơ bản đã được tu bổ vững
chắc, chống được bão cấp 10. Hiện còn một số đoạn đê biển trong quá
trình kiên cố hóa, tỉnh đã chỉ đạo đơn vị thi công có phương án bảo vệ
tuyến đê cũng như người và phương tiện.
Điều lo nhất của ông Khánh là khả năng mưa trong và
sau bão sẽ gây ngập diện rộng, nhất là ở những huyện phía bắc rất trũng
như Vụ Bản, Ý Yên. "Hiện toàn tỉnh mới cấy được 80% diện tích lúa hè
thu, nếu có mưa lớn thì khả năng úng ngập, hư hại là rất lớn. Vì thế
chúng tôi đã cho tiêu thoát hết nước ở các kênh mương, đồng thời chỉ đạo
điện lực kiểm tra phương tiện, đường dây, sẵn sàng cấp điện để tiêu
thoát nước", ông Khánh nói.
 |
Hơn 4.000 tàu bè ở Nghệ An đã vào nơi neo đậu an toàn.
Ảnh: Trường Long. |
Tại Thanh Hóa,
ông Nguyễn Trọng Hải, Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão
tỉnh cho biết, bộ đội biên phòng đã tổ chức kêu gọi hơn 8.000 tàu thuyền
và 25.200 lao động vào nơi trú ẩn an toàn. Tuy nhiên, hiện vẫn còn gần
1.000 phương tiện với trên 5.000 người hoạt động trên biển đang trên
đường về hoặc tìm nơi trú ẩn tại tỉnh khác.
Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh đã yêu cầu các
địa phương, các đơn vị bộ đội biên phòng tuyến biển tổ chức kiểm tra,
kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện ra khơi, không cho tàu thuyền đi
khai thác xa bờ, phối hợp với ban quản lý các bến bãi, cảng cá hướng
dẫn, sắp xếp cho tàu thuyền vào nơi neo đậu an toàn.
6 huyện ven biển của tỉnh đã chuẩn bị tốt các phương
án di dời dân và đối phó với các tình huống xấu khi bão đổ bộ. Hiện lực
lượng quân sự, công an và các sở ba ngành được chỉ đạo thường trực
24/24h, sẵn sàng vào cuộc hỗ trợ người dân vùng bão đi qua.
Chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão Conson, chiều nay,
UBND tỉnh Nghệ An đã họp khẩn cấp.
Theo đó, tất cả thành viên Ban chỉ huy phòng chống lụt bão được chia
xuống 20 huyện thành thị trực tiếp chỉ huy công tác phòng chống bão với
nhân dân. Một số huyện xung yếu, ven biển được chỉ đạo chủ động di dời
dân khỏi các vùng nước dâng, lở đất nếu cần thiết và đảm bảo tuyệt đối
an toàn cho tất cả tàu bè hiện đã vào được nơi trú ẩn.
Hiện toàn tỉnh có hơn 4.000 tàu bè neo đậu tại các
bến; 240 tàu, thuyền với hơn 1.600 lao động đang đánh bắt ở khu vực biển
Hải Phòng đến Hà Tĩnh chưa về được đất liền, tập trung chủ yếu ở các
huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu và thị xã Cửa Lò. Các tàu này đã nhận được
tín hiệu về hướng đi của cơn bão và hiện đang tích cực tìm nơi trú ẩn an
toàn.
Nghệ An đang hạn hán khốc liệt, tất cả hồ đập đều cạn
nước. Tại cuộc họp chiều nay, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh đã
yêu cầu các công ty thủy lợi, ban quản lý các công trình thủy lợi thường
trực 24/24h để vừa tranh thủ tích nước, vừa làm tốt công tác chống bão,
đề phòng các hồ đập bị vỡ khi có mưa lớn.
 |
Dự báo đường đi và khu vực ảnh hưởng của bão Conson.
Ảnh: NCHMF. |
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương,
16h chiều 16/7, tâm bão Conson cách bờ biển các tỉnh Hải Phòng - Nghệ An
khoảng 450 km về phía đông nam và mạnh lên một cấp, đạt cấp 12 (118-133
km mỗi giờ), giật cấp 14. Đêm nay và ngày mai, bão di chuyển theo hướng
giữa Tây Tây Bắc - Tây Bắc, tốc độ 20 km mỗi giờ, ảnh hưởng trực tiếp
đến vùng biển vịnh Bắc Bộ.
Khoảng trưa và chiều ngày 17/7, vùng tâm bão sẽ đi vào
địa phận các tỉnh từ Hải Phòng đến Nghệ An. Đến 16h ngày 17/7, tâm bão
ngay trên địa phận các tỉnh Hải Phòng - Nghệ An. Sức gió mạnh nhất vùng
gần tâm bão giảm còn cấp 9, giật cấp 11. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh
nguy hiểm có bán kính tới 250 km.
Từ đêm nay (16/7), vùng ven biển các tỉnh Quảng Ninh
đến Quảng Bình gió sẽ mạnh dần từ cấp 7 lên cấp 9. Từ sáng 17/7, các
tỉnh phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ có gió mạnh cấp 7, vùng gần tâm
bão cấp 9, giật cấp 11. Ven biển các tỉnh Quảng Ninh - Thanh Hóa cần đề
phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao 2-4 m. Ở Bắc Bộ và Bắc
Trung Bộ sẽ có mưa vừa đến mưa rất to.
(Theo VnExpress.net)