Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ bảy, 17/07/2010 09:35
"Tư duy làng" từ dự án cổng chào Hà Nội
Cuối cùng thì lãnh đạo Hà Nội đã lắng nghe công luận, kiến nghị Thủ tướng dừng triển khai Dự án cổng chào vì “Khó đạt được sự đồng thuận khi thời gian đến kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long không còn nhiều” (trích ý kiến chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo).



Đây là dự án gây nhiều tranh luận, bức xúc trong nhân dân thủ đô cũng như cả nước thời gian qua và “nóng” không kém một siêu dự án quốc gia bị Quốc hội “bác” mới đây. Công luận đánh giá cao sự dũng cảm, cầu thị của UBND Thủ đô, như ý kiến của một vị đại biểu HĐND TP. Hà Nội, ngày 13/7:"Thành phố dừng cái này sẽ có uy tín lớn”.  Đây là một bước tiến đáng mừng nữa nữa của xu hướng dân chủ hóa đời sống chính trị nước nhà trong quá trình xây dựng một xã hội dân sự và nhà nước pháp quyền.

Tuy nhiên qua việc dừng Dự án cổng chào Hà Nội cũng cho chúng ta nhiều bài học thực tiễn sâu sắc trong việc “ứng xử” với mảnh đất ngàn năm văn hiến mà một trong số đó là: tư duy, tầm nhìn của một số người có trách nhiệm cao nhất của thủ đô vẫn quẩn quanh với “ao làng” mà chưa mang “cảm hứng đại dương”, chưa phù hợp với tiến trình hội nhập quốc tế trong xu thế toàn cầu hóa vốn đang thay da đổi thịt đất nước hàng ngày.

Sự vụ hóa công tác điều hành, quản lý của Thủ tướng

Đành rằng xây dựng cổng chào thủ đô là việc không đơn giản nhưng đây chính là một trong những nhiệm vụ được phân cấp của UBND TP. Hà Nội. Những người lãnh đạo thủ đô tự mình có thể xử lý công việc này mà không cần phải có sự can thiệp hành chính của Thủ tướng. Khi "đẩy" Dự án này cho Thủ tướng phê duyệt, một số lãnh đạo Hà Nội không những "đá quả bóng trách nhiệm" của mình cho người khác mà vô hình trung còn sự vụ hóa công tác điều hành, quản lý của người đứng đầu chính phủ. Hàng ngày Thủ tướng phải lo bao nhiêu chuyện ở tầm vĩ mô, chuyện đại sự quốc gia, vậy còn thời gian và tâm trí đâu mà phê duyệt dự án mấy cái cổng chào. Phải chăng khi làm điều này một số vị lãnh đạo thủ đô muốn pháp lý hóa cái dự án phiêu lưu của mình bằng quyết định hành chính của Thủ tướng để khi vấp phải phản ứng của dư luận xã hội thì giải đáp theo kiểu "cả vú lấp miệng em": việc này Thủ tướng đã quyết rồi, phải thực thi thôi.

Ngoài ra khi UNBD TP. Hà Nội trình Thủ tướng xin dừng triển khai Dự án lại  sinh ra một bất cập nữa về vi phạm tính nghiêm minh của kỷ cương phép nước. Đành rằng khi một chủ trương, chính sách không hợp lòng dân thì việc điều chỉnh cũng là bình thường trong một thể chế dân chủ nhưng trong trường hợp cụ thể Dự án này, những người lãnh đạo Thủ đô vẫn có thể tránh được hậu quả không mong muốn nói trên này nếu thực thi đúng những quy định của pháp luật hiện hành.
    
Không tuân thủ trình tự pháp luật

Đại biểu HĐNĐ TP.Hà Nội Nguyễn Việt Hưng phản ánh, cử tri khắp nơi rất bức xúc khi Hà Nội " đùng một cái" công bố dự án 5 cổng chào trong khi chỉ còn khoảng 100 ngày nữa là Đại lễ 1000 năm Thăng Long. "Nếu nói Thủ tướng đã phê duyệt từ năm 2008 thì sao từ ấy đến nay không làm theo quy trình là lấy ý kiến nhân dân và tổ chức thi phương án kiến trúc?", ông Hưng gay gắt. Điều đáng trách hơn cả là thực thi một công việc có ảnh hưởng đến diện mạo kiến trúc của thủ đô nhưng những người có trách nhiệm của Hà Nội dường như không hề tham khảo ý kiến tư vấn của các chuyên gia, của hội nghề nghiệp chuyên ngành. KTS. Nguyễn Tấn Vạn, chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam nói: "Tôi không hiểu tại sao Hà Nội lại quyết định các thiết kế cổng chào trước khi Hội gửi ý kiến đóng góp". Một việc lớn của thủ đô mà lại làm việc theo kiểu "tiền trảm hậu tấu", không minh bạch như trên kể cũng lạ. Phải chăng ngoài "quyết tâm chính trị" còn lý do nào khác mà một số người lãnh đạo thủ đô quyết triển khai bằng mọi giá bất chấp sự phản ứng của dư luận.

Ngẫu hứng

Không biết ai và từ đâu sinh ra ý tưởng cổng chào Hà Nội. Nhưng chắc chắn nó sản sinh không dựa trên các luận cứ khoa học, lịch sử .., mà dựa trên sự ngẫu hứng thể hiện ở nhiều góc độ.

Ngẫu hứng ở thời điểm trình Dự án. Tại sao UBND TP.Hà Nội không trình Dự án trước đó cả năm mà lại chọn thời điểm chỉ còn không đầy 100 ngày nữa. Phải chăng họ hồn nhiên tin rằng với "bảo bối" là quyết định phê duyệt của Thủ tướng nên bây giờ trình cũng chưa muộn và "nước đến chân rồi" nên chẳng còn ai dám "nhảy" lên phản đối trong khi nhiệm vụ chính trị Đại lễ 1000 năm Thăng Long là quan trọng hơn cả.  

Ngẫu hứng ở việc chọn số cổng chào. Đầu tiên chọn là 5 (chắc là tương xứng với 5 cửa ô xưa) nhưng có người cắc cớ: 5 cửa ô của Hà Nội xưa chính là 5 cổng chào rồi, còn chào ở đâu nữa. Thế là bỏ cổng chào ở đường 5 đi Hải Phòng để còn 4. Vậy vẫn chưa yên vì có người ý kiến: Cổng chào số số 4 là đúng cửa tử (sinh, lão, bệnh tử), sao lại trái khoáy vây? Tóm lại, các vị chủ trương dự án lâm vào cảnh "đẽo cày giữa đường" vì làm ngẫu hứng chẳng có luận cứ khoa học gì cả.

Ngẫu hứng ở "bệnh" hoành tráng, nghĩa là chỉ có Hà Nội là nhất vì có tới …5 cổng chào to "vật vã". Những người sinh ra dự án này muốn "lưu phả" với một Thăng Long có các cổng chào hoành tráng hơn đứt Khải hoàn môn ở Paris hay cổng Bradenburg ở Berlin. Ông Sơn, một công dân Thái Thịnh, Quận Đa hài hước: mấy ông làm vậy khác nào biến Hà Nội thành cái làng?

Ngẫu hứng ở việc đặt vị trí các cổng chào ở Hà Nội. Theo tập tục Việt Nam ngàn đời nay, cổng làng thường đặt ở đầu làng là nơi bắt đầu vào làng, nghĩa là thường đặt ở "biên giới" làng. Chẳng ai vào làng đến "vài cái quăng dao" rồi mới gặp   cổng làng. Theo Dự án xây dựng cổng chào Hà Nội, vị trí các cổng chào dường như đặt ở lối vào Hà Nội trước khi mở rộng. Hà Nội giờ mở rộng lắm rồi. Đã là cổng chào thì phải đặt ở lối bắt đầu vào Hà Nội chứ sao đi vào Hà Nội đến nửa ngày trời mới gặp cổng chào?  Về điều này, bác Hà ở Quận Hoàn Kiếm nửa đùa nửa thật nói: Chắc làm vậy để sau này có tách về Hà Nội xưa thì khỏi phải xây mới.

Ngẫu hứng ở việc có ý kiến đề xuất làm cổng chào luôn ở những trạm thu phí giao thông. Về vấn đề này, KTS. Nguyễn Văn Tất, phó chủ tịch Hội KTS Việt Nam cho biết:   "Đây lại là một thứ kệch cỡm khác. Không thể được chào đón bằng một nỗi bực dọc là phải móc ví ra. Phản cảm lắm!"

Ngẫu hứng ở việc không thi tuyển thiết kế rộng rãi mà "đùng một cái" UBND TP.Hà Nội đưa ra vài đồ án thiết kế để "lấy ý kiến nhân dân". Về mấy đồ án này, KTS Nguyễn Trực Luyện,  nguyên chủ tịch Hội KTS Việt Nam nhận xét: "Về mặt kiến trúc, có thể nói không hình tượng nào "ổn" cả, vì nhàm chán và sáo rỗng. Trống đồng, chim lạc, rồng hay bãi cọc Bạch Đằng đều là những sự gắn kết khiên cưỡng với lịch sử và những giá trị của Thăng Long. Rồi việc đưa trống đồng, một linh vật của dân tộc ra trải dưới đường cho phương tiện đi lại (cổng chào trên tuyến quốc lộ 1 Hà Nội - Lạng Sơn) là không thể chấp nhận về phương diện văn hóa. Đó là chưa kể, dân mình rất phong phú trong suy nghĩ, sẽ "xuyên tạc" những hình tượng mà ta chọn không cẩn thận". Nhân chữ "xuyên tạc" mà ông Nguyễn Trực Luyện dùng, xin đề cập đồ án cổng chào lấy hình tượng cọc Bạch Đằng làm điểm nhấn mà nhiều người nói vui rằng nó mang dáng dấp của Linga. KTS Nguyễn Văn Tất, phó chủ tịch Hội KTS Việt Nam thì cho rằng "đó là những sản phẩm của sự mơ mộng và chơi sang thôi". Giới kiến trúc trong nước đã chỉ ra tính "phản cảm" của các đồ án trên - hậu quả của lối làm việc ngẫu hứng (nếu không muốn nói là tùy tiện) của một số lãnh đạo Thủ đô.

Lãng phí

Theo dự toán, mỗi cổng chào được xây dựng kiên cố, cao khoảng vài chục thước (tương đương với tòa nhà cao 4 đến 5 tầng)  và tốn khoảng 10 tỷ đồng, chưa kể tiền giải phóng mặt bằng. Số tiền 50 tỷ đồng đầu tư cho những công trình khổng lồ kiểu này, dù là tiền của doanh nghiệp hay tiền của nhà nước, cũng là sự lãng phí rất lớn trong khi đất nước còn nghèo.

Chị Vân ở Giảng Võ cho biết: "Mỗi lần ra Hồ Gươm, tôi đều khó chịu bởi xú khí. Sao không dùng số tiền đó mà đầu tư những toilet để góp phần làm trong lành môi trường Hà Nội. Đó chẳng phải là những công trình thiết thực và mang tính nhân văn hay sao mà phải chạy theo những cổng chào hoành tráng vô bổ làm gì" ?

Bà cụ Hà buôn bán nhỏ ở chợ Đồng Xuân buồn bã: "Tôi phải chầu chực từ hai giờ sáng để xin cho cháu vào trường Mầm Non mà không được. Dùng tiền ấy mà xây trường là thực tế hơn cả".

Hà Nội còn nhiều người nghèo khổ, quá thiếu những công trình dân sinh như bệnh viện, trường học... Nếu những người lãnh đạo Thủ đô tập trung cho những công trình đó thì sẽ tạo ra không chỉ 5 mà rất nhiều cổng chào trong tâm thức mà người dân dựng lên để dành cho lãnh đạo của họ cũng như cho một chính quyền vì dân. Thiết nghĩ điều đó sẽ ý nghĩa hơn nhiều cái khối vật chất vô cảm, vô nghĩa gọi là cổng chào mà người ta phải chui qua nó hàng ngày dù muốn hay không.



(Theo www.tamnhin.net)
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)