Một số người trong cái ngõ nhỏ của tôi nhận ra ông. Có người nhận ra
ông là ủy viên Bộ chính trị Nguyễn Khoa Điềm, có người nhận ra ông là
nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm và có người thấy ông quen quen hình như có lên
tivi. Tôi biết được điều này bởi hôm sau mấy người hàng xóm hỏi tôi về
ông. Những người biết được ông là ủy viên Bộ chính trị thì rất "nể" tôi
quen được cả lãnh đạo cao cấp đến như thế.
Tôi cười bảo: "Cao cấp nhưng không lãnh đạo nữa". Những người
yêu thơ biết được ông thì tỏ ra xúc động và phấn khích. Nhưng điều giản
đơn nhất và ấn tượng nhất vẫn là một nhà thơ đã rời những ngôi nhà đầy
uy quyền ở thủ đô để đến thăm một nhà thơ trú ngụ trong một ngôi nhà nhỏ
ở một thị xã nhỏ nhất trong các thị xã phía Bắc trong một chiều cuối
thu nắng đẹp như mộng ở thế gian quá nhiều trần tục này.
Đã qúa lâu rồi tôi mới tiếp xúc với ông. Lần gần nhất là khi ông nhận
chức Bộ trưởng Bộ VHTT. Nhà văn Nguyễn Quang Lập, nhà thơ Nguyễn Thành
Phong và tôi đến thăm ông. Lúc đó ba chúng tôi đang làm tờ Văn Nghệ Trẻ
và ông là Tổng thư ký Hội nhà văn Việt Nam. Tôi nhớ trong buổi lễ kỷ
niệm một năm ra đời của Văn Nghệ Trẻ, Tổng thư ký Nguyễn Khoa Điềm đã
phát biểu: "Văn Nghệ Trẻ ra đời và trở thành niềm tự hào của Hội nhà
văn. Văn Nghệ Trẻ xin ra bốn kỳ một tháng nhưng chúng tôi chưa đồng ý vì
để tờ Văn Nghệ "già" còn cơ hội phát triển. Nhưng lịch sử không thể chờ
nhau lâu được ".
 |
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, Ảnh tapchisonghuong |
Nhà văn Nguyễn Quang Lập đã đứng vụt dậy reo lên vì câu nói ấy. Nhiều
năm sau này, mỗi khi nhắc tới những ngày đầu tiên của Văn Nghệ Trẻ,
Nguyễn Quang Lập vẫn nhắc lại câu nói đó và rất xúc động. Nhưng sự chờ
nhau của lịch sử nhiều khi kéo dài đến 100 năm. Và mấy tháng sau lễ kỷ
niệm một năm Văn Nghệ Trẻ, tôi thôi Trưởng ban Văn Nghệ Trẻ. Tất nhiên
Trưởng ban của tôi ngày ấy ở báo Văn Nghệ cũng được chỉ định bằng miệng
cho vui chứ có quyết định, có tiêu chuẩn gì đâu. Mà ngày ấy tôi đã hai
lần làm Trưởng ban kiểu "cho vui" như thế (ban Văn học nước ngoài và ban
Văn Nghệ Trẻ).
Thậm chí, hai lần làm trưởng ban mà tôi cũng chỉ được ăn lương thực
tập biên tập sáu năm liền mà tôi đâu có biết. Chỉ khi nhà thơ Trương
Vĩnh Tuấn nói thì tôi mới hay. Cũng chỉ biết thở dài một tiếng chứ biết
nói gì.
Rồi nhà thơ Trương Vĩnh Tuấn tìm cách điều chỉnh lương cho tôi.Và từ
ngày ấy đến bây giờ tôi mới gặp lại ông. Sau khi ông không làm Bộ Chính
trị nữa, tôi gọi điện mời ông gửi thơ cho báo Văn Nghệ. Ông đã gửi cho
tôi ba bài thơ. Đấy là chùm thơ đầu tiên của ông xuất hiện sau khi ông
dời chính trường về Huế.
Tôi đã viết mấy dòng sapo cho chùm thơ ấy theo lời đề nghị của TBT
Nguyễn Trí Huân. Có mấy dòng sapo giản đơn nhưng nhà văn Nguyễn Trí Huân
vẫn phải suy nghĩ rất kín kẽ rồi cắt bớt đôi câu. Thế mà khi in ra vẫn
có một, hai ông nhà văn viết thư phản đối mấy dòng sapo đó. Tôi thật sự
kinh hãi vì chuyện này. Kinh hãi không phải vì sợ mà kinh hãi bởi cho
đến bây giờ mà vẫn còn kiểu suy nghĩ như thế.
Nghe chuyện ấy, lòng tôi buồn vu vơ mãi. Thơ ông đã in ra và chúng ta
đã đọc. Nghĩ không cần phải nói thêm gì nữa. Bởi như tôi nói với ông
rằng lý lịch tối thượng của nhà thơ chính là những văn bản thơ.
Cũng như bao khách văn chương khác, ông cùng chúng tôi uống trà, xem
tranh và bàn luận chuyện văn chương. Mươi ngày trước đó, mấy anh em nghệ
sỹ trú ngụ tại Hà Đông như đạo diễn sân khấu, nhà thơ Lương Tử Đức, nhà
thơ Dương Kiều Minh, nghệ sỹ rối nước Chu Lượng và tôi mời ông thử
"lang thang" về phía Hà Đông một buổi xem sao.
Bây giờ, ông cũng hay "lang thang" như thế. Có những ngày ông đạp xe
sang tận bên kia sông Hồng. Vừa đạp xe thanh thản vừa suy ngẫm về những
gì ông nhìn thấy và nghe thấy. Cảnh vật và con người những ngày này có
lạ lẫm với ông không? Bởi trong thời gian làm Bộ trưởng Bộ VHTT và sau
đó làm Bộ Chính trị ông không thể có thời gian và điều kiện đạp xe như
thế.
Dù lúc đó, lòng ông có muốn nhưng chức vị ông đang đảm nhiệm đã cản
trở ông. Tôi muốn hỏi ông rằng tự đáy lòng ông thì làm quan hạnh phúc
hay làm thi sỹ như bây giờ hạnh phúc. Nhưng tôi đã không hỏi. Đấy cũng
là câu trả lời khó cho tất cả những người làm quan không chỉ thời này mà
ở mọi thời. Bởi có bao nhà thơ nhà văn khát khao làm quan. Nhưng đó
cũng là khát khao chân chính nếu muốn làm quan để làm cho đời một cái gì
đó có ích. Còn làm văn chương để mượn danh làm lợi cho cá nhân mình và
làm cho người đọc nhầm hiểu cái đẹp thì còn có tội hơn làm một quan
tham.
Nhà thơ giả Nobel quốc tịch Mỹ gốc Nga - J. Brodsky - có nói về hai
nhà thơ Nga rằng: một người lừa đảo về nội dung, còn người kia lừa đảo
về Mỹ học. Cái người lừa đảo về nội dung làm cho bạn đọc lạc đường chỉ
một thế hệ. Nhưng người lừa đảo Mỹ học có thể làm cho bạn đọc có thể lạc
đường mười thế hệ. Những điều tôi nói đây có thể là sáo mòn, có thể là
ai cũng biết cả rồi. Nhưng biết vậy chứ làm được hỏi thiên hạ có mấy
người.
Có người làm quan rồi không gỡ được cái bả làm quan. Về hưu rồi mà
chỉ ngong ngóng ở cửa xem có ai mời đi họp đi hành không. Nghĩ thế mà
thấy lòng vừa thương vừa buồn. Tôi đã chứng kiến một người làm quan vừa
vừa thôi. Sau này bị bệnh tâm thần, người ấy suốt ngày cầm một cái que
ký xuống đất. Mỗi lần ký xong lại nói một câu đầy mãn nguyện: "Duyệt".
Tôi đã đứng nhìn người bệnh tâm thần kia và thấy cái danh quyền nó
ghê gớm đến nhường nào. Nhiều lúc nó làm con người lú lẫn cho đến chết
vẫn không tìm được lối thoát.
Tôi nghĩ Nguyễn Khoa Điềm đã rành mạch được chuyện vô cùng khó khăn
ấy. Tôi biết có không ít người sẽ không đồng ý với tôi. Nhưng chúng ta
đang tập làm người của tự do và dân chủ mà. Ông đã rời Triều và về quê.
Về đúng ngôi nhà của cha mẹ mình. Về với cái sân ấy, mảnh vườn ấy và
về với những câu thơ ấy. Về để làm một sinh linh giản dị trong cây lá
bình dị mà vĩnh cửu. Về với cái giá trị tinh thần vĩnh hằng của mọi kiếp
người. Bởi trong tận đáy sâu của tâm hồn ông, thi ca và cái đẹp vẫn trú
ngụ.
Không hiểu sao tôi nghĩ Nguyễn Khoa Điềm là một người may mắn. Bởi
khi ông rời chính trường thì có thi ca và bạn văn đón ông. Trong sapo
viết để giới thiệu chùm thơ của ông, tôi nói đại ý bây giờ ông được viết
những văn bản đích thực của tâm hồn mình. Có thể khi ông làm quan có
những điều tôi cũng bất đồng quan điểm với ông. Nhưng mà bởi ông làm
quan mà. Bây giờ ông đã cảm nhận được cát bụi, nắng gió cũng như mùi
hương tinh khiết bất diệt của những ngọn cỏ bên bờ Hương Giang. Chính
cái cảm nhận đó có thể chỉ mình ông biết. Nhưng chỉ mình mình biết đã đủ
làm cho mình thanh thản đến khi rời bỏ thế gian rồi. Cái hạnh phúc thực
sự bền vững là hạnh phúc chỉ mình mình biết trong cõi vô tận của lòng
mình.
Hạnh phúc mà cứ phải để cho cả thiên hạ biết, thiên hạ bàn luận và cả
thiên hạ đồng ý đâu phải là hạnh phúc. Bởi trong cái gọi là hạnh phúc
ấy vẫn chứa đựng dục vọng.
Buổi tối đó ông ăn tối cùng chúng tôi tại nhà riêng của nghệ sỹ Chu
Lượng. Một bữa tối giản dị, quây quần và đầm ấm. Chúng tôi vẫn nói về
thi ca, về hội hoạ và âm nhạc.Tôi mời ông gửi thơ Tết cho báo Văn Nghệ.
Ông lấy ngay trong túi một bài thơ đưa cho tôi.
Nhà thơ Dương Kiều Minh đã đọc bài thơ ấy cho mọi người cùng nghe.
Bài thơ nói về một người đi qua cầu Long Biên. Cầu Long Biên như cánh
tay mở ra tiễn một người rời thành phố trong tĩnh lặng. Chỉ có tiếng
chuông chùa Bồ Đề lan toả xoá nhoà ranh giới hai bờ con sông. Có thể
người đi qua cầu Long Biên đó là ông. Có thể là tôi, là bạn. Nhưng là ai
đâu phải chuyện quan trọng. Quan trọng nhất là đã có một người qua cầu
với một tinh thần ấy.
Khi tôi hỏi ông có ý in một tập thơ mới không. Ông nói ông phải chuẩn
bị kỹ lưỡng thì mới in. Ông vốn là một người rất kỹ lưỡng. Kỹ lưỡng
trong cả một nụ cười. Sau này, tôi hỏi nhà thơ Dương Kiều Minh ấn tượng
nhất của anh trong buổi gặp gỡ nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm là gì, anh nói: đó
là nụ cười Nguyễn Khoa Điềm. Vì từ trước đến bây giờ Dương Kiều
Minh mới thấy Nguyễn Khoa Điềm cười.
Còn đạo diễn, nhà thơ Lương Tử Đức thì ấn tượng nhất là khi nhìn thấy
những con rối cười ngặt ngẽo trong nhà Chu Lượng thì nhà thơ Nguyễn
Khoa Điềm nói mấy ông kia vui quá hỉ. Còn nghệ sỹ Chu Lượng lại xúc động
bởi trước khi rời Hà Đông, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm nhắc vợ đừng quên
chai rượu ông mang vào cho tôi.
Chúng tôi đón ông là đón một nhà thơ như đã từng đón các nhà thơ ở
nhiều miền của đất nước và từ nhiều nước trên thế giới ở cái thị xã nhỏ
bé nhất trong các thị xã phía Bắc này.
Một đêm cuối năm gió lạnh tôi viết tản mạn đôi điều về ông, một trong
những nhà thơ xuất sắc nhất trong thi ca Việt của những năm chiến
tranh. Đấy là sự thật. Bởi nếu bây giờ ông vẫn đang làm Bộ Chính trị
thì dù có thân thiết đến đâu, quý trọng đến đâu tôi cũng không viết. Bởi
dù có viết chân thành thế nào thì thiên hạ cũng có người nói: "Nó
nịnh cấp trên đấy".
Ôi, đã là nhà thơ thì làm gì có cấp
trên, chỉ có cái nhân gian lúc cười lúc khóc này thôi. Ôi, ở cái xứ
mình, đôi khi một sự chân thành và công bằng nhiều lúc cũng bị ngờ vực.
Nhưng dù thế nào thì cũng đâu quan trọng. Bởi chỉ có mình mới biết lòng
mình thế nào. Nghĩ như thế cũng là đủ. Chẳng cần phải nói thêm gì nữa.