Từ khi con người xuất hiện là
bắt đầu có văn hóa, và những câu ca dao, tục ngữ truyền miệng đầu tiên
cũng ra đời. Tiếp đó là những truyện thần thoại, cổ tích. Con người ngày
một trưởng thành, văn hóa ngày một phát triển và văn học cũng lớn dần
lên. Mối quan hệ biện chứng này được lịch sử dân tộc ta cũng như lịch sử
nhiều dân tộc khác trên thế giới chứng minh rất rõ. Dân tộc nào có nền
văn hóa phát triển thì nền văn học cũng phát triển theo.
Thời cổ đại, nền văn hóa Trung
Hoa có "Kinh thi", nền văn hóa Ai Cập có "Nghìn lẻ một đêm", nền văn hóa
Hy Lạp có "Yliát" và "Ôđixê", nền văn hóa Việt Nam có truyền thuyết các
vua Hùng… Nền văn hóa phong kiến Trung Quốc có thơ Đường, thơ Tống và
các tiểu thuyết cổ điển. Nền văn hóa Phục Hưng phương Tây có các tác
phẩm của Sếchxpia, Vônte, Gơttơ… Nền văn hóa cổ điển Việt
Nam có
những giai đoạn văn học rực rỡ thế kỷ thứ X - XV và thế kỷ XVII - XVIII.
Có thể có những nền văn hóa phát triển nhưng văn học không có những
đỉnh cao, mà những đỉnh cao lại nằm ở kiến trúc, hội họa, âm nhạc, triết
học… Nhưng không thể có dân tộc nào có nền văn học phát triển mà lại
không có nền văn hóa phát triển.
Tuy nhiên, nói mối quan hệ giữa
văn hóa và văn học là một mối quan hệ biện chứng, nhưng cũng không nên
hiểu một cách máy móc, cứ thời kỳ nào văn hóa phát triển thì văn học
cũng phát triển theo và ngược lại. Nói mối quan hệ biện chứng giữa văn
hóa và văn học ở đây là nói trong cả một quá trình phát triển, chứ không
phải chỉ trong một giai đoạn. Bởi vì với đời sống tinh thần có khi nhân
ở giai đoạn này lại kết quả ở giai đoạn sau. Chẳng hạn, ở Việt Nam,
thời đại Hồng Đức là một thời đại thịnh trị, văn hóa phát triển đã nảy
sinh hẳn một Tao Đàn đầu tiên của văn học Việt Nam, nhưng giá trị văn
học của thời kỳ này lại mờ nhạt lắm. Vậy mà triều đại nhà Nguyễn với một
nền chính trị phản động, duy trì một nền văn hóa tiêu cực nhưng nền văn
học thì lại phát triển rực rỡ với các đại kiệt tác "Truyện Kiều",
"Chinh phụ ngâm". Và hiện nay chúng ta đang phấn đấu xây dựng một nước
Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng văn minh với một nền văn
hóa phát triển tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhưng chưa chắc có
ngay được một nền văn học lớn với nhiều tên tuổi và những tác phẩm lớn.
Mà có khi phải vài chục năm sau mới có được, thậm chí có khi phải hàng
vài thế kỷ sau. Những tác phẩm tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc: "Tam quốc
diễn nghĩa", "Thủy hử", "Đông Chu liệt quốc"… cũng chỉ được hoàn thiện
khi lịch sử đã đi qua hàng mấy trăm năm, thậm chí hàng nghìn năm. Cuộc
chiến tranh vệ quốc của nước Nga từ đầu thế kỷ XIX (năm 1812) mà đến
cuối thế kỷ mới có được tiểu thuyết "Chiến tranh và hòa bình" của
L.Tônxtôi. Văn hóa và văn học phát triển biện chứng nhưng không phải bao
giờ cũng là những đường thẳng song song.
Cho nên việc tiến hành chiến
lược xây dựng nền văn hóa là cần thiết, nhưng sốt ruột đòi hỏi nền văn
học phải có nhiều tác phẩm lớn ngay lập tức thì lại không biện chứng và
khoa học. Quy luật của thiên nhiên là những cây chăm bón nhanh để sớm có
trái thì thường không phải là trái quý. Và bài học triết lý luyện thuốc
linh đan hàng nghìn năm mới được một hạt thì có thể là thuốc quý nhất
cải lão hoàn đồng, trường sinh bất tử. Tất nhiên nếu không có chiến lược
xây dựng nền văn hóa thì không thể có chuyện ngồi trông đợi cả những
mùa gặt ngắn và những mùa gặt dài.
Còn văn học thúc đẩy và tôn cao
nền văn hóa ra sao? Điều này, không biết trên thế giới thế nào, chứ ở
Việt Nam thì quá rõ. Mỗi người Việt Nam được hình thành nhân cách bắt
đầu từ lời ru của người mẹ. Lời ru ấy là những câu thơ lục bát, những
câu Kiều… Nguyễn Khoa Điềm đã viết "Khúc hát ru những em bé lớn trên
lưng mẹ": "Con mơ cho mẹ được thấy Bác Hồ/ Mai sau con lớn làm người
tự do". Lâm Thị Mỹ Dạ thì viết: "Sữa mẹ trắng trong con ơi hãy uống/
Ngày mai khôn lớn con ơi hãy nghĩ những điều trắng trong". Những
câu thơ được phổ nhạc này đã nói được nhiều điều. Bài thơ "Nam quốc sơn
hà" đã góp phần đẩy lùi quân xâm lược Tống, Nguyễn Trãi với "Quân trung
từ mệnh tập" có sức mạnh hơn mười vạn quân.
Đồng chí Trường Chinh có kể
chuyện trong thời gian hoạt động cách mạng bí mật, đọc những câu thơ của
Huy Cận "Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp/ Con thuyền xuôi mái
nước song song" lòng càng thêm yêu quê hương đất nước. Những câu
thơ dậy sóng của Phan Bội Châu đã thiêu đốt trái tim thế hệ thanh niên
đầu thế kỷ XX đi làm cách mạng. Rồi những vần thơ của Tố Hữu suốt mấy
chục năm qua thực sự là tiếng hát của dân tộc trên mọi chặng đường cách
mạng. Đặc biệt lời thơ chúc tết năm 1968 của Hồ Chủ tịch đã trở thành
khẩu hiệu của cuộc kháng chiến chống Mỹ: "Tiến lên toàn thắng ắt về ta".
Ở Việt Nam văn học mà tiêu biểu là thơ đã trở thành sức mạnh vật chất
trong chiến đấu, văn học là vũ khí, trong hòa bình văn học là nguồn sữa
mát nuôi dưỡng tâm hồn bao thế hệ.
Nước ta, những nhà thơ, nhà văn
lớn đồng thời cũng là những nhà văn hóa lớn, tiêu biểu là: Nguyễn Trãi,
Nguyễn Du và Hồ Chí Minh đã được tổ chức văn hóa thế giới của Liên Hiệp
Quốc công nhận là những danh nhân văn hóa thế giới và tổ chức kỷ niệm.
Những tác phẩm lớn của văn học dân tộc đồng thời cũng là những đỉnh cao
của nền văn hóa: "Quân trung từ mệnh tập", "Hoàng Lê nhất thống chí",
"Thượng kinh ký sự", "Truyện Kiều", "Chinh phụ ngâm", "Lục Vân Tiên",
"Nhật ký trong tù", Thơ Tố Hữu…
Trong rất nhiều truyền thống
quý báu của dân tộc ta, tôi thấy hai truyền thống nổi bật nhất là truyền
thống chống ngoại xâm và truyền thống văn học (chủ yếu là thơ ca). Nói
truyền thống là nói đến những giá trị văn hóa lâu bền. Ngày nay, nếu ai
đó trên thế giới có thiên kiến chính trị thì họ có thể hiểu Việt Nam qua
"Truyện Kiều". Đặc biệt cốt cách văn hóa Hồ Chí Minh chính là nhà chính
trị và nhà thơ hòa quện mà thành, làm cho "kẻ thù cũng phải kính nể"
(lời Nôđôrôm Xihanúc).
Chúng ta tự hào Bác Hồ là một
anh hùng, chúng ta cũng tự hào Người là một nghệ sĩ. Anh hùng và nghệ sĩ
là hai nét đẹp văn hóa tiêu biểu của dân tộc.
Có người nói thế kỷ XXI là thời
đại của tin học, của truyền hình… văn học sẽ không còn phát triển? Đâu
phải vậy, truyền hình, internet chỉ là những phương tiện để truyền tải,
chúng là sản phẩm của văn hóa chứ không phải là những thành tố của văn
hóa. Không gì có thể thay thế được văn học. Đây là một hành trang chủ
yếu mà loài người đã mang theo từ buổi bình minh của lịch sử đến ngày
nay và sẽ còn đi với con người trong tương lai. Nếu có, thì văn học chỉ
có thể thay đổi dạng thức như trước đây từ văn học truyền miệng sang văn
học viết chứ không thể thay đổi bản chất.
Sau hơn hai thập kỷ đất nước ta
chuyển sang nền kinh tế thị trường, mở cửa và hội nhập, nền văn hóa
cũng đang có những chuyển động. Đây chỉ là giai đoạn đầu của một hình
thái văn hóa mới nên sẽ có nhiều xáo trộn, có thể có những điều đi ra
ngoài những hình thái thông thường. Đó là thời kỳ vật lộn để thích ứng.
Có điều, thời hiện đại khác hẳn mọi thời kỳ mà đất nước đã trải qua
trong lịch sử. Toàn cầu hóa đang là một thách thức lớn đối với các dân
tộc, bởi sức mạnh của toàn cầu hóa là rất khó cưỡng lại. Chỉ có một dân
tộc với nền văn hóa khỏe mạnh và độc đáo, mà trụ cột là nền văn học có
sức sống dẻo dai và vững chắc thì mới có thể trụ được với bão gió để tồn
tại và phát triển.
Từ truyền thống văn học của dân
tộc, có thể khẳng định rằng trong tương lai nền văn học Việt Nam sẽ
phát triển rực rỡ. Sẽ có những thời kỳ văn học phát triển hơn cả giai
đoạn thế kỷ XVIII, sẽ có những tác phẩm hay hơn cả "Truyện Kiều". Nhưng
đấy là dòng chảy bình thường của văn học trong một nền văn hóa dân tộc
lành mạnh. Còn nếu nền văn hóa bị Tây hóa, Mỹ hóa lai căng thì không
biết điều gì sẽ xảy ra. May thay, chúng ta đang tiến hành xây dựng một
đường lối văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc đúng đắn. Đó là một
sự tác động tích cực, có thể làm cho mùa trái chín nhanh hơn, sum suê
hơn
